Bỏ đường sắt trên cầu Long Biên, văn hóa Hà Nội sẽ không còn nguyên vẹn

Trước thông tin TCTy Đường sắt Việt Nam có kế hoạch dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên, thay vào đó là cầu đường sắt trên cao, nhà văn Băng Sơn, người đã dành hàng chục năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình:

Bỏ đường sắt trên cầu Long Biên, văn hóa Hà Nội sẽ không còn nguyên vẹn - 1
Dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên hoàn toàn không hợp lý. Cây cầu là biểu tượng lịch sử, một công trình văn hóa không chỉ là vật chất, vật thể mà là dấu ấn hơn 100 năm của lịch sử dân tộc.

Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một công trình kỹ thuật, văn hóa, mỹ thuật đẹp. Ở Việt Nam, chưa có cây cầu nào “đọ” được với cầu Long Biên. Với riêng Hà Nội, cầu Long Biên như  một phần thân thể của mỗi người. Hàng ngày không phải ai cũng đi qua cầu Long Biên nhưng tất cả mọi người đều yêu quý, gắn bó máu thịt với cây cầu này… Động đến cầu Long Biên là động đến lịch sử, văn hóa và kinh tế, vì vậy phải nghiên cứu kỹ nhiều mặt chứ không thể nói dỡ bỏ là được. Dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên là sự phí phạm ghê gớm về di sản, văn hóa và kinh tế…

Thậm chí, đề án dỡ cầu Long Biên đã có cách đây khỏang 10 năm, tôi còn nhớ khi đó Chính phủ Pháp đề nghị xây cho Việt Nam một cây cầu mới nhưng chúng ta không đồng ý và vẫn sử dụng cho đến bây giờ.

Cầu Long Biên là hình ảnh văn hóa đậm đặc trong lòng người dân Hà Nội giống như Tháp Rùa, hồ Gươm, Nhà hát lớn… Nhắc đến Hà Nội ngàn năm văn hiến không thể thiếu công trình cầu Long Biên lịch sử. Thế nhưng, trong khi đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã cận kề, khi Hà Nội đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, sửa chữa tôn tạo các di tích văn hóa thì việc công bố dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long là không phù hợp. Dỡ bỏ đi thì quá dễ, còn giữ gìn được mới khó, nếu dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên thì văn hóa Hà Nội ngàn năm không còn… nguyên vẹn.

Tôi chỉ có một mong muốn, mong muốn chúng ta hãy giữ gìn, duy tu và bảo vệ cầu Long Biên như giá trị lịch sử vốn có từ hàng trăm năm nay. Hãy để cầu Long Biên sống nguyên vẹn trong miền ký ức của  mỗi người Hà Nội.
 
Nhà văn Băng Sơn

Châu Như Quỳnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm