Nên “biến” cầu Long Biên thành một bảo tàng lịch sử, văn hóa

Nên “biến” di sản cầu Long Biên thành một bảo tàng lịch sử, văn hóa, giống như biểu tượng tháp Eiffel giữa thủ đô Paris (Pháp), như Nữ thần tự do ở New York của nước Mỹ…, bà Nguyễn Nga, “chủ nhân” của ý tưởng tổ chức Festival Ký ức cầu Long Biên chia sẻ.

 

Nên “biến” cầu Long Biên thành một bảo tàng lịch sử, văn hóa - 1

Cầu Long Biên sẽ trở thành biểu tưởng của Thủ đô Hà Nội - Việt Nam?
 
Khi khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội thì cầu Long Biên là điểm đến mà nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, đã hơn 100 năm tuổi, cây cầu đã “già”. Suốt quá trình nghiên cứu để làm Festival “Ký ức cầu Long Biên”, tôi thấy đã tới lúc phải báo động về sự an toàn khi đi qua cầu Long Biên, vì vậy cải tạo cầu là việc cấp bách.

 

Tuy nhiên, vì tất cả những giá trị lịch sử và văn hóa từ hơn 100 năm của cầu Long Biên, tôi nghĩ rằng nên tìm lại dáng hình nguyên bản cầu Long Biên, giữ hệ thống đường sắt cũ như một bảo tàng.

 

Là một kiến trúc sư, tôi đã sống ở nước Pháp gần 40 năm, tôi đã đi đến rất nhiều Thủ đô trên thế giới và đều thấy có những biểu tượng lịch sử và đậm đà văn hóa của dân tộc đó.

 

Ở Việt Nam, Long Biên không phải là một cây cầu đơn thuần, nó mang trên mình lịch sử vô giá của dân tộc. Việc dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên không quan trọng bằng việc giữ lại và “biến” di sản này trở thành một bảo tàng lịch sử, văn hóa lớn.

 

Theo tôi, hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên nhưng không sử dụng để vận tải nữa mà sẽ khai thác như một điểm du lịch. Cầu Long Biên sẽ là cây cầu đi bộ dài hơn 2km, chính giữa cầu là hệ thống đường sắt hơn 100 năm và những đầu xe lửa cổ xưa; bên trong các toa xe lửa có bàn ghế, có café; bên ngoài có thể sẽ có những chương trình nghệ thuật, triển lãm…

 

Khi đó, đến với cầu Long Biên là điểm du lịch văn hóa, lịch sử, mọi người có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn sông Hồng, thưởng thức nghệ thuật và tận hưởng hương vị cafe thơm ngon…  

 

Sau gần 40 năm sống ở nước ngoài, trở về Việt Nam, tôi đã mấy tỷ đồng để tham gia tổ chức Festival Ký ức cầu Long Biên trong vòng 48 tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, đó là “viên gạch” đầu tiên trong ý tưởng xây dựng cầu Long Biên thành một bảo tàng “sống”.

 

Tôi tin chắc rằng, những giá trị văn hóa và lịch sử vô giá của cầu Long Biên sẽ làm giàu cho tương lai của đất nước.

 

Châu Như Quỳnh (ghi)