Từ vụ công an bị tố đánh dân: Công an mặc thường phục có được dùng vũ lực?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, công an khi làm việc phải mặc quân phục ngành phù hợp quy định. Cán bộ mặc thường phục chỉ được dùng vũ lực nếu phát hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải ngăn chặn ngay.

Liên quan tới vụ việc ông Nguyễn Đức Tâm (Cán bộ Công an phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) bị tố đánh người, Công an TP Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với cán bộ này để phục vụ xác minh, phản ánh dấu hiệu sai phạm. 

Theo Công an Hà Nội, ngày 6/5, anh Q. (18 tuổi, quê Lai Châu) trình báo tại Công an phường Dương Nội về việc bị nhân viên của một công ty có trụ sở ở phường Dương Nội chiếm giữ điện thoại khi đến xin việc làm. Công an sở tại sau đó đã cử tổ công tác đến xác minh. Quá trình làm việc, ông Tâm không mặc quân phục, bị phản ánh có hành vi tát người dân. 

Từ sự việc trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc trong trường hợp không mặc quân phục, cán bộ công an có được trực tiếp giải quyết, xử lý các tin báo, hành vi có dấu hiệu vi phạm hay không? 

Từ vụ công an bị tố đánh dân: Công an mặc thường phục có được dùng vũ lực? - 1

Ông Tâm không mặc quân phục, làm việc tại trụ sở công ty tại phường Dương Nội (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận theo Điều 7 Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an, các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang phải có kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, nội dung kế hoạch phải nêu rõ các vấn đề như phương pháp thực hiện, lực lượng, trang phục, địa bàn tuần tra, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Việc quyết định mặc trang phục cảnh sát, thường phục, hóa trang phương tiện khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt và Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.

Về nguyên tắc thực hiện, bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai phải giữ khoảng cách thích hợp, bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để yêu cầu dừng phương tiện và thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Ngoài ra, theo Điều 27 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu các quy định trên, có thể thấy công an mặc thường phục được phép thực hiện công việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự nhưng phải có kế hoạch và phải phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai. Cán bộ hóa trang chỉ được sử dụng vũ lực để trấn áp nếu phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và phải sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để làm việc. 

Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, người có thẩm quyền khi xử lý phải đảm bảo có quyết định thi hành của cơ quan có thẩm quyền và phải mặc quân phục phù hiệu của ngành theo quy định của pháp luật. 

Việc cơ quan công an nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở để xác minh, làm rõ tin báo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc cán bộ không mặc quân phục nhưng làm việc dưới tư cách lực lượng chức năng và có những hành vi không chuẩn mực là không phù hợp quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xác minh để xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm theo quy định của pháp luật.