Những “sắc thái” tình cảm khi bàn đến cầu Long Biên

(Dân trí) - Ủng hộ và phản đối, xót xa và lo nghĩ, tiếc nuối và vui mừng… Đó là những sắc thái tình cảm khác nhau trong suy nghĩ của người dân Hà Nội khi nghe tin Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên.

Những “sắc thái” tình cảm khi bàn đến cầu Long Biên - 1
Cầu Long Biên - biểu tượng đẹp trong tâm thức người dân Việt Nam (ảnh: Trung Kiên)  
 
“Nhà tôi ở sát sườn cầu Long Biên, đã hơn 30 năm nay chưa ngày nào tôi không bước lên cầu. Đối với tôi, cầu Long Biên là người bạn tri kỷ và tôi luôn dành sự quý trọng đặc biệt đối với cây cầu này. Thông tin dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên khiến tôi vô cùng bất ngờ.
 
Xây cầu mới thì được, nhưng dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên là không đúng. Cầu Long Biên là văn hóa Hà Nội, là lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ, dỡ bỏ đường sắt rồi thì đó sẽ không còn là cầu Long Biên nữa…

Cây cầu  hàng trăm năm “sống” giữa lòng Thủ đô và gắn với lịch sử. Nếu dỡ bỏ đường sắt thì sự nguyên bản của cây cầu sẽ mất đi, những thế hệ sau này lớn lên sẽ không biết được hình dáng với những nét nguyên sơ vô giá của cây cầu này. Động đến cầu Long Biên là động đến lòng dân, vì vậy không thể nói bỏ là bỏ được…” - anh Trần Trung Bắc (Ngách 3, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Làm công tác tự quản tại Ga Long Biên lâu năm, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tôi chỉ là một người dân bình thường, nhưng tôi rất vui vì hơn chục năm nay tôi được đón những chuyến tàu về ga. Ngày nào không nghe thấy tiếng còi rú vang, tàu chạy xình xịch thì tôi như thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng trong sinh hoạt của mình. Mai đây, khi dỡ bỏ đường sắt đi thì nhìn cây cầu sẽ rất trống trải, văn hóa và lịch sử cầu Long Biên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi rất hi vọng Nhà nước sẽ lắng nghe xem người dân có ý kiến gì!”.

Cũng “bàn” về việc dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên, nhưng một độc giả ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội lại có suy nghĩ khác: "Theo tôi, ai cũng biết cầu Long Biên gắn với lịch sử nhưng hiện tại không nên tư duy cũ kỹ về lịch sử, có 1 cây cầu đẹp và giao thông tốt hay hơn là giữ cầu chỉ để ngắm.

Tôi ủng hộ phương án dỡ bỏ đường sắt để nâng cấp cầu Long Biên. Dỡ bỏ đường sắt đi thì sẽ có thêm diện tích để mở rộng đường cho ô tô và xe buýt tham gia lưu thông trên cầu, điều này phù hợp với quá trình đô thị hóa và hội nhập. Hiện nay, đi trên cầu Long Biên mà tôi có cảm giác cầu đang đu đưa như 1 chiếc võng, cầu Long Biên không còn an toàn cho đường sắt nữa nên nếu cứ duy trì sử dụng thì không biết cầu sẽ sụt lúc nào..."

Bác Nguyễn Huy Thành (số 147 Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ: "Hơn chục năm tôi chạy xe ôm ở khu vực cầu Long Biên nên tôi biết cây cầu đã già. Khi khả năng vận tải không còn thì giữ đường sắt lại cũng không phát huy được giá trị sử dụng và lưu thông. Sửa chữa, cải tạo được cầu thì tốt quá, nhưng tôi cũng mong muốn vẫn sẽ nhìn thấy hình hài, dáng dấp của cầu Long Biên như bao năm nay…"

Liên quan đến kế hoạch dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên, xin mời quý độc giả tiếp tục gửi ý kiến tham gia vào Diễn đàn Dân trí!

Châu Như Quỳnh (ghi)