Họa đến là do mình

(Dân trí) - Dịch tả đã lan rộng cả ba miền. Nguy cơ một cơn đại dịch đang đe dọa cả nước, thế nhưng mọi chuyện xem ra vẫn bình thường.

Các cơ quan chức năng xắn tay áo vào cuộc, nhưng người dân cứ dửng dưng như không, phần lớn xem dịch tả là chuyện của ai chứ không liên quan gì đến mình. Một số tỉnh phía Bắc và miền Trung đã có nhiều ca mắc bệnh tả. Tính đến ngày 10/4, thành phố Hải Phòng có 54 ca nhiễm khuẩn tả, thành phố Đà Nẵng số người bị nhiễm tăng nhanh đáng sợ, trung bình mỗi ngày có 10 - 12 người nhập viện.

TP. HCM, cũng có bệnh nhân nhập viện, nhưng người dân không có sự chuẩn bị đúng mức cho bản thân và gia đình. Nhiều chợ, hàng quán, người dân cứ ăn uống vô tư, bỏ ngoài tai sự cảnh báo và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng. Nhiều người buôn bán mất vệ sinh, nhưng khi được nhắc nhở, họ còn phản kháng cho rằng chính quyền vẽ chuyện làm khó người dân. Thật khó có thể hình dung, nếu như dịch tả bùng phát ở TP 8 triệu dân này thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh tế, xã hội cũng như an ninh, trật tự của toàn khu vực.

Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh phía Nam bàn về các giải phát kiềm chế lạm phát diễn ra tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đến việc phòng chống dịch tả. Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát cho nên rất có thể lơ là đối với dịch bệnh. Trong tình hình khó khăn vì lạm phát, nếu để xảy ra đại dịch nữa thì tai họa không thể lường hết được. Người dân kiệt sức vì chống chọi với giá cả, thêm bệnh tật ập đến thì khốn khổ vô cùng. Nhà nước đang nỗ lực để giữ ổn định nền kinh tế, nhưng nếu đại dịch xảy ra, thì sẽ khó khăn thêm bội phần. Chi phí cho thuốc men, sự hỗn loạn vì bệnh viện quá tải cũng đủ làm điên đầu từ nhà quản lý cho đến người dân.

Nhà nước thực hiện trách nhiệm của nhà quản lý, nhưng mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm với bản thân và đó cũng là trách nhiễm với toàn xã hội. Trước nạn lạm phát, Thủ tướng Chính phủ ra lời hiệu triệu toàn dân tiết kiệm. Thực hành tiết kiệm trước hết là tự cứu bản thân và gia đình mình, sau đó là đóng góp chung cho xã hội. Trước nạn dịch tả cũng vậy, mỗi người đều phải có ý thức phòng chống là tự bảo vệ bản thân và gia đình mình, đồng thời đó cũng là góp sức với xã hội trong việc khống chế dịch bệnh. Có những mối họa là do thiên tai và các yếu tố khách quan, nhưng để cho nó trở thành đại họa lại do sự chủ quan và thói vô trách nhiệm của con người.

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy