Hổ thẹn trong lòng

(Dân trí) - Có sáu giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra để nâng cao chất lượng đại học nhằm cứu vãn sự yếu kém của các trường đại học hiện nay. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học công bố chuẩn đầu ra vào tháng 12/2008.

Chất lượng đại học VN thuộc tầm thấp so với mặt bằng khu vực. Còn trong bảng danh mục các trường đại học có uy tín trên thế giới do các tổ chức quốc tế bình chọn, không hề có tên của bất kỳ trường nào của VN. 

 

Vừa qua, nhiều công ty trong và ngoài nước công bố rằng phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học VN đều phải đào tạo lại. Ngoại trừ số sinh viên được nhận làm việc và phải đào tạo lại đó, còn rất nhiều sinh viên khác ôm tấm bằng đại học đi lang thang nhiều năm nhưng không nơi nào tiếp nhận. Nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng, nhưng sinh viên “thừa” vẫn thừa. Điều này chứng minh một việc, chất lượng đại học không đáp ứng dược yêu cầu thực tế.

 

Hiện nay, nhiều gia đình VN có thu nhập khá cho con di du học ở Singapore, Úc, Mỹ, Anh và một số nước khác. Thực ra không phải trường ngoại quốc nào cũng đào tạo tốt, nhưng tâm lý của phụ huynh là không tin vào chất lượng của các trường đại học VN. Dù phải tốn kém tiền bạc, con cái phải đi xa nhà, nhưng họ đều có suy nghĩ rằng đi học nước ngoài chắc chắn tốt hơn học đại học trong nước.

 

Làm công tác giáo dục đào tạo đại học, nhìn thấy những điều đó quả cũng phải hổ thẹn trong lòng. Người có trách nhiệm buộc phải tự hỏi tại sao con dân nước mình bỏ tiền làm giàu cho các nước kinh doanh giáo dục, còn bản thân ngành đại học nước nhà thì bất lực trước làn sóng du học đó. Biết là đang mất thị trường nhưng không có khả năng để xây dựng hệ thống đại học đủ sức cạnh tranh với bạn bè quốc tế.

 

Bộ GD-ĐT tỉnh táo thêm một việc là cho hiệu trưởng các trường có quyền quyết định trả lương giảng viên. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi, và muốn có thầy giỏi thì phải có chế độ đãi ngộ nhân tài hợp lý.

 

Trong năm qua, làm sóng chảy máu chất xám từ các cơ quan nhà nước ra khu vực  tư nhân cho thấy ngành giáo dục cũng đang đứng trước mối nguy đó. Nếu như không có chính sách kịp thời, chắc chắn sẽ có làn sóng giảng viên đại học tài năng  bỏ trường ra đi. Lúc đó, chất lượng đào tạo đại học sẽ còn thấp hơn.

 

Có một sinh viên nghèo nói với chúng tôi rằng, cháu học một số môn học mà thầy có trình độ quá yếu nên không học được gì cả, thấy tiếc tiền của cha mẹ đã ki cóp cho mình ăn học. Còn nhiều sinh viên khác đang bị đối xử không công bằng như vậy, các em bỏ tiền ra nhưng không được dạy dỗ xứng đáng.

 

Ngoài chuyện công bằng xã hội còn một điều khác nữa, đó là đào tạo chất lượng thấp là chúng ta đang lãng phí tài năng của một thế hệ, nhiều thế hệ. Nghĩ đến điều đó sao khỏi hổ thẹn ở trong lòng.

 

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy