Hà Nội thu phí vào nội đô, bạn đọc hỏi "trả phí mà đường vẫn tắc thì sao?"

N.Hân

(Dân trí) - Nếu trả phí vào nội đô mà đường vẫn tắc thì sao, hoặc tình trạng giao thông vẫn không thay đổi thì ý nghĩa của việc trả phí là gì? Khoản phí đó sẽ dùng ra sao trong khi đường vẫn đông đúc, chật chội?

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10. Theo đó, phương án xây dựng 87 trạm thu phí, mục đích là để giảm phương tiện vào nội đô. Các trạm này được đặt tại đường vành đai và thực hiện thu phí phương tiện từ 5h đến 21h mỗi ngày.

Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí khoảng 2.646 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.

Dự kiến mức phí phương tiện vào nội đô ngày thường (ngày làm việc trong tuần) đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề xuất từ 25.000 đồng - 60.000 đồng/lượt.

Đề án này đã thu hút sự quan tâm chú ý và bàn luận sôi nổi của dư luận. Nên thực hiện hay không, chúng ta hãy xét về lợi ích, hiệu quả kinh tế và cả sự đồng thuận của người dân.

Hà Nội thu phí vào nội đô, bạn đọc hỏi trả phí mà đường vẫn tắc thì sao? - 1

Bạn đọc thắc mắc: "Khoản phí đó sẽ dùng ra sao trong khi đường vẫn đông đúc, chật chội?" (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Thiếu tính khả thi

Cho rằng việc thu phí thể hiện rõ sự thiếu công bằng giữa ô tô và xe máy, bạn đọc Bích Liên viết: "Xe ô tô đã phải đóng phí đường bộ tức là trả phí cho việc sử dụng đường bộ rồi, trong khi đó xe máy thì không phải đóng, giờ lại thu phí vào nội đô cũng là thu phí ô tô chứ xe máy thì không vậy có công bằng hay không? Trong khi đó ô tô có tiêu chuẩn khí thải cao hơn tức là ít gây hại tới môi trường hơn xe máy và rõ ràng thủ đô mà ùn ùn toàn xe máy rất mất mỹ quan và gây hỗn loạn giao thông. Theo tôi nếu thu phí của ô tô thì đồng thời nên cấm xe máy vào nội đô".

"Đề án này còn nhiều bất cập quá. Đối với những người lao động thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn nên bắt buộc phải tìm chỗ ở vùng ven đô để giảm chi phí, nhưng lại đi làm công việc ở trong nội đô thì vô hình chung tự dưng lại bị mất thêm một khoản tiền. Việc này có thể dẫn đến tình trạng người lao động lại ùn ùn tìm cách vào nội đô sinh sống, khiến mật độ dân số trong nội đô tăng lên, đất đã chật người lại đông thêm đông thì liệu có giảm được ùn tắc không đây?", bạn đọc Hải An băn khoăn.

Cho rằng phải trả tiền để được vào nội đô thật không xứng đáng, bạn đọc Thanh Ngân phân tích: "Người ta thường sẽ dùng tiền, trả tiền để nhận lại một giá trị khác. Nếu trả tiền như một cách để mua vé đi vào nội đô thì thật không xứng đáng vì giao thông nội đô quá đông đúc, thường xuyên ách tắc, chỗ đỗ xe không có, đỗ xe được thì cũng mất mấy chục ngàn. Vậy giá trị nhận được khi đi xe vào nội đô là gì?".

Cho rằng các nhà nghiên cứu đề án giao thông cần lưu ý những vấn đề là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ùn tắc giao thông để đưa ra hướng đề xuất, bạn đọc Chinh Le lập luận: "Khi phương tiện lưu thông công cộng đáp ứng được sự mong đợi của người dân thì mới mong hạn chế được lưu lượng phương tiện cá nhân hoạt động. Nếu phương tiện công cộng đáp ứng tốt sự mong mỏi của người dân thì chẳng tội gì người dân phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư xe cá nhân làm gì. Nếu chưa đáp ứng được thì không nên hạn chế hay thu phí gì cả vì người có xe ô tô họ đã phải chịu rất nhiều các loại thuế, phí rồi. Họ bắt buộc phải mua xe ô tô cá nhân chỉ vì phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được mà thôi".

Đồng quan điểm này, bạn đọc Nguyễn Huấn lấy ví dụ: "Ở các nước việc thu phí vào nội đô thành công, vì họ đưa ra cho người dân muốn đi bất cứ đâu nơi họ ở 2 sự lựa chọn: đi xe cá nhân phải trả phí cao và đi phương tiện công cộng. Tôi đã từng đi học ở CHLB Đức và đi mọi ngõ ngách trong thành phố đều có thể dùng xe buýt. Còn ở Việt Nam chỉ có 2 lựa chọn: đi xe cá nhân hoặc đi bộ.

Vì vậy, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, đường xá để đảm bảo di chuyển của người dân. Cùng với đó di chuyển các trường học ra các khu vực rìa, ngoại thành. Như vậy sẽ giảm ùn tắc, thông thương đảm bảo. Tuy vậy, cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để giải quyết hết những vấn đề trên. Chứ đưa ra đề án thu phí, cấm xe thì không giải quyết được vấn đề tận gốc mà làm ảnh hưởng tới người dân và phát triển kinh tế, xã hội".

Đặt câu hỏi lật ngược vấn đề, bạn đọc Hằng Phạm: "Nếu trả phí vào nội đô mà đường vẫn tắc thì sao, hoặc tình trạng giao thông vẫn không thay đổi, thì ý nghĩa của việc trả phí là gì? Khoản phí đó sẽ dùng ra sao trong khi đường vẫn đông đúc, chật chội?".

Hà Nội thu phí vào nội đô, bạn đọc hỏi trả phí mà đường vẫn tắc thì sao? - 2

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông có nguyên nhân do hạ tầng giao thông yếu kém, nhà cao tầng nội đô quá nhiều (Ảnh: Đỗ Quân).

Giải quyết tốt vấn đề hạ tầng sẽ hết ùn tắc?

Nhiều bạn đọc cho rằng, vấn đề là hạ tầng, mật độ nhà chung cư cao tầng mới ảnh hưởng tới việc ùn tắc giao thông. Các tòa chung cư, tòa văn phòng đua nhau mọc ở trung tâm thì người khắp nơi phải đổ về trung tâm để làm việc đương nhiên đường sẽ bị tắc.

"Nhu cầu đi lại luôn có, thu phí sẽ khiến người dân chuyển vào trong nội đô sống nhiều hơn, càng chật chội hơn, kéo theo bao nhiêu hệ lụy như giá cả trong nội đô cao hơn, giá cả bên ngoài rẻ hơn nhưng ít người sống hơn. Giải pháp tốt nhất và dễ làm nhất là chuyển các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề... ra ngoại thành thì không thấy làm. Phương án này đem lại rất nhiều giá trị như: giảm tắc đường, giảm chi phí sinh hoạt cho sinh viên, tiết kiệm đất vàng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cân bằng giá nhà giữa các khu vực, giải quyết việc làm cho người dân vùng ven, kéo các công ty phục vụ đối tượng sinh viên ra ngoài, vv...", ý kiến của bạn đọc Mạnh Thắng.

Bạn đọc Nam Cường bổ sung thêm: "Muốn giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội, không phải một sớm một chiều, mà nên có lộ trình dịch chuyển các trường đại học, các bệnh viện, các nhà máy dãn dần ra các tỉnh lân cận và có lợi thế. Sau khi các dịch chuyển, các khoảng đất trống không được xây dựng chung cư, sau đó phát triển hệ thống giao thông công cộng tốt, và như vậy sau 5-10 năm sẽ giảm được, phân bố sẽ đồng đều cả về dân cư lẫn việc làm. Đấy mới là giải pháp ưu việt".

Một ý kiến khác cho rằng, nếu được phân làn tốt, thì những con đường dẫn vào trung tâm Thủ đô không đến nỗi bị tắc như vậy. "Ví dụ, trục đường Trần Phú (Hà Đông) và đường Nguyễn Trãi nên có dải phân cách cứng cho ôtô và xe máy. Hay trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu, bị tắc là do làn đường BRT chiếm 1/3 lòng đường. Có việc đơn giản như đèn giao thông tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh theo hướng Hà Nội - Hà Đông cực kỳ bất hợp lý, đó là tín hiệu đèn xanh cho xe đi thẳng và rẽ trái vào Vũ Trọng Khánh không đồng pha, mà 1/3 đường thì đã dành cho BRT, dẫn đến xe đi 2 hướng này cứ thay phiên án ngữ nhau, như thế thì hỏi làm sao không tắc đường".

Nhiều vấn đề khác liên quan đến việc bất cập trong tổ chức giao thông của Hà Nội là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc cũng được bạn đọc "mổ xẻ": 

"Vấn đề cần ưu tiên của giao thông Hà Nội trong nội đô hiện nay là bãi đỗ xe tĩnh. Không có chỗ đỗ xe, lái xe buộc phải đỗ ven đường, vốn đã chật chội, gây ách tắc giao thông; cùng với đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các quán nước hàng quán". 

"Từ ngày xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại thì đường phố Hà Nội cũng trở nên tắc đường hơn, nhất là trên tuyến vành đai 3, những xe liên tỉnh mà chạy thẳng vào bến thì sẽ không sao, ít ảnh hưởng đến giao thông, nhưng ở đây lại có nhiều xe đi chậm, dừng đỗ, bốc hàng hoặc bắt khách dọc đường gây cản trở giao thông rồi dẫn đến dồn ứ, tắc đường. Cần mạnh tay xử phạt các trường hợp như vậy thì cũng có thể giảm được tình trạng tắc đường hiện nay. Chưa kể đến nhiều xe nhỏ như kiểu transit còn luôn lách đi trong phố đón khách để tăng bo chở khách ra xe to đang đợi ở các khu vực không phải bến xe nữa".

Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!