Dự án thu phí nội đô và bài học xe buýt nhanh không dễ bị lãng quên

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Thông tin từ Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ xây dựng 87 trạm thu phí dành cho phương tiện ô tô đi vào nội đô đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân với nhiều ý kiến trái chiều…

Dự án thu phí nội đô và bài học xe buýt nhanh không dễ bị lãng quên - 1

Theo "Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào" do Sở GTVT và đơn vị tư vấn thực hiện thì ranh giới khu vực thu phí ô tô được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm 15 trạm, giai đoạn 2 là 59 trạm và giai đoạn 3 gồm 13 trạm còn lại. Thời gian đề xuất thu phí dự kiến vào năm 2025 và nằm ở khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm…

Ngay lập tức, đề xuất trên đã nhận được phản ứng từ dư luận và một số nhà chuyên môn.

Trên Vietnamnet, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp ĐH Giao thông vận tải tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng tại Hà Nội và cho rằng, nếu lấy "vùng thu phí" là vành đai 3 trở vào thì chưa hợp lý bởi lẽ phạm vi quá rộng. Trong khi khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông lại không chỉ riêng trong vành đai 3.

"Các cơ quan tư vấn cần có đánh giá hợp lý trước khi thực hiện. Có thể thí điểm trong 1 khu vực nhỏ như 1-2 quận, nếu khả thi thì mở rộng quy mô ra và phải theo lộ trình cụ thể chứ không nên áp việc thu phí một cách tùy tiện khi chưa có nghiên cứu, thí điểm", GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Phan Lê Bình - Chuyên gia JICA của Trường ĐH Việt Nhật (VJU), Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng thì đặt câu hỏi: "Khoản phí thu được nêu với mục đích giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, vậy sẽ được bổ sung vào ngân sách xây dựng hạ tầng của thành phố như thế nào? Điều này, Hà Nội phải làm rõ để đáp ứng với lòng tin của người dân", ông Bình nói.

Về phía dư luận, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí nội đô sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đẩy giá thành các sản phẩm ra vào Thủ đô lên cao đồng thời hoàn toàn có thể gây ùn tắc trong quá trình thu phí.

Lại có ý kiến còn cho rằng việc thu phí có thể  sẽ biến nội đô Hà Nội như một "lãnh địa" và đặt câu hỏi, nếu các tỉnh, thành khác cũng học theo Hà Nội thì sẽ như thế nào?...

Về quan điểm cá nhân, người viết cho rằng sự trăn trở của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về tình hình ùn tắc hiện nay là rất đáng ghi nhận. Song, vấn đề là tìm ra thời điểm hợp lý và giải pháp khả thi, nhất là tình hình hiện nay, trải qua một thời gian dài dịch bệnh, đời sống người dân đang rất khó khăn, việc thu phí sẽ đẩy giá cả lên cao làm ảnh hưởng tới tính ổn định thị trường.

Những năm gần đây, việc sở hữu một chiếc xe ô tô không còn xa lạ với không ít người nhưng như vậy, không có nghĩa cứ có ô tô là giàu có. Thuế phí các loại vốn chồng chất, giá xăng dầu tăng vùn vụt và có thể còn tiếp tục tăng. Thật khó có thể giữ được bình tĩnh khi thu nhập thì giảm mà chỉ thấy tăng và tăng, thu và thu… nên việc đưa ra đề xuất trên vào thời điểm này ít nhất là thiếu tế nhị và phản cảm.

Có lẽ cũng cần nhắc lại, những đề xuất như ngày chẵn đi xe biển kiểm soát chẵn, ngày lẻ đi xe biển lẻ, nhất là dự án xe buýt nhanh (BRT) vô cùng tốn kém, không hiệu quả, gây phiền toái và bức xúc trong dư luận nhiều năm qua là một bài học không dễ bị lãng quên.

Biết rằng học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác là cần thiết, song mỗi đất nước có điều kiện và cơ sở hạ tầng cũng như trình độ nhận thức của người dân, thói quen sinh hoạt và cả văn hóa khác nhau…

Vì thế, cũng không nên viện dẫn theo nước này hay nước khác để lập luận, biện minh cho quan điểm của mình, biến đất nước thành "nồi lẩu thập cẩm".

Thành thật, cá nhân tôi có cảm giác hình như Hà Nội cần một qui hoạch tổng thể, có tầm nhìn dài hạn hơn là tư duy chữa "ngọn" mà không chữa "gốc" để rồi như câu nói của dân gian "Sai đâu sửa đó, sửa đó sai đâu, sửa đâu sai đó"…