Giảng viên trẻ:

Giỏi hơn nhưng cũng… thực dụng hơn

(Dân trí) - “Nếu như chúng tôi làm phải mất 1 tháng thì có khi họ chỉ mất 1 tuần, chúng tôi mất 1 tuần họ chỉ mất 1 ngày... Họ giỏi hơn, năng động, nhạy bén hơn nhưng họ cũng thực dụng, tính toán hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều”.

Phó giáo sư-tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Phan Hòa - Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế, giảng viên khoa cơ khí Trường đại học Nông lâm Huế thẳng thắn nhìn nhận về lớp giảng viên trẻ ở các trường đại học hiện nay.  

Thưa PGS-TS, quan niệm về nhà giáo có gì khác so với trước ? Ông nghĩ sao khi người ta đang gắn kèm các từ “chạy sô”, “chân trong, chân ngoài”… cho nhiều giáo viên đại học ?

Quan niệm về nhà giáo, ở thời nào thì họ cũng là “thầy”. Nếu định nghĩa về một nhà giáo thì tôi xem mỗi nhà giáo như một bình điện ắc quy được xạc đầy. Tuy nhiên, những ai không biết cách tự xạc điện cho mình thường xuyên thì cái ắc quy ấy sẽ hết điện và vô tác dụng. Đã là nhà giáo, thì ở thế hệ nào cũng phải luôn luôn học tập nâng cao trình độ. Điều này cũng có nghĩa là không có nhà giáo to, nhà giáo nhỏ mà chỉ có những nhà giáo được tôn trọng bằng phẩm chất và tri thức.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhà giáo có khác với ngành nghề khác là một “mẫu” được nhiều người giám sát. Nghề giáo bắt anh phải xứng đáng là “mẫu”, là tấm gương thật sự. Bản thân tôi quan niệm, nhà giáo phổ thông hay giảng viên đại học đều phải phấn đấu vì một chữ “thầy” trong lòng học sinh, sinh viên. Điều đáng buồn là cơ chế thị trường đang làm một số người đánh mất phẩm chất này. Lại càng đáng buồn hơn khi một bộ phận nhà giáo có tư tưởng an phận thủ thường, không có ý chí tiến thủ, hoặc lên đến học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ thì bỏ quên nghiên cứu khoa học, 10 năm chẳng có một đóng góp gì cho chuyên môn, học thuật của mình.

Người ta gắn kèm từ “chạy sô”, “chân trong, chân ngoài” là chỉ nói đến hiện tượng chứ không phải bản chất. Hiện tượng có nhiều nhưng bản chất chỉ có một, hiện tượng là nhất thời, bản chất thì không thay đổi. Vì lương không đủ sống, vì nhu cầu đời sống ngày càng cao, vì cơ chế quản lý chưa thật rõ ràng nên một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm, toàn ý cho “trọng trách cao cả” của mình ở trường, ở lớp. Giải quyết được một số vấn đề an sinh cho giáo viên thì hiện tượng trên cũng sẽ biến mất.

Đã mấy mươi năm trong nghề, đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý, ông có cái nhìn như thế nào về lớp giảng viên trẻ hôm nay?

Về đội ngũ giảng viên trẻ, không phải chỉ mình tôi mà cả xã hội đặt kỳ vọng lớn vào họ. Đối với giảng viên trẻ vừa là sự kỳ vọng, vừa tạo điều kiện nhưng cũng vừa là yêu cầu. So với thế hệ của chúng tôi, thế hệ giảng viên trẻ hôm nay có thuận lợi hơn rất nhiều. Thứ nhất họ có điều kiện học tập tốt hơn (được lựa chọn ngành nghề yêu thích, lựa chọn địa chỉ đào tạo mong muốn trong hay ngoài nước…). Thứ hai họ có nhiều thầy giỏi đào tạo, hướng dẫn, có nhiều tài liệu sách vở tham khảo đa dạng, phong phú (thư viện, mạng internet…). Thứ ba họ được lãnh đạo trường đại học tạo điều kiện cho đi học một cách bài bản, được hỗ trợ kinh phí học tập.

Tuy nhiên, giảng viên trẻ hôm nay cũng đối mặt không ít khó khăn. Đa phần những giảng viên trẻ đều là những người giỏi nhưng có thu nhập quá thấp, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Trong khi thế hệ tầm tuổi tôi lương cao hơn, nhu cầu chi tiêu ít thì ngược lại họ thu nhập thấp nhưng lại phải học đủ thứ, chi đủ thứ. Thế nên nếu không có cái nhìn về tương lai lâu dài thì không ít người trong số họ sẽ xin đi ra ngoài làm ngay bởi họ là mặt hàng “đắt như tôm tươi”, luôn được các doanh nghiệp chào đón. Chế độ đãi ngộ trong trường đại học thật sự vẫn chưa tương xứng. Giảng viên trẻ đang gặp mâu thuẫn giữa việc giải quyết vấn đề trước mắt (lấy vợ, sinh con, mua nhà ở…) với vấn đề lâu dài (học tập, nghiên cứu khoa học…).

Soi mình vào thực tế, tôi biết có một bộ phận giảng viên trẻ chỉ xem trường mình, khoa mình như chỗ trú chân, có cơ hội là họ ra ngoài ngay. Nhiều giảng viên trẻ sau khi lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ là “bye” trường luôn, thậm chí nhiều anh còn quay lại bảo môi trường đại học làm cho họ “cùn” đi trong chuyên môn, không phát triển được năng lực. Vậy sao khi mới ra trường họ không xin đi ngay, cứ đợi đến khi có thạc sĩ, tiến sĩ, có chút tiếng tăm mới nhất quyết đòi đi. Và nghịch lý nữa là ở nước ta vẫn chưa có cơ chế bồi thường đào tạo thật rõ ràng, nhiều giảng viên trẻ xin đi không được thì bỏ ngang. Hậu quả là trường đại học chịu thiệt tiền tỷ chi phí đào tạo cán bộ của mình rồi để phục vụ cho đơn vị khác.

Nhiều giảng viên trẻ có ý kiến rằng, ở trường đại học phải luôn biết “kính lão đắc thọ”. Dù có năng lực, nhưng họ vẫn bị các giảng viên “già” chèn ép trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, thậm chí đến cái bằng khen hằng năm cũng phải nhường, ông nghĩ sao về những ý kiến trên?

Với tôi, bằng khen chỉ là thứ phù phiếm. Bằng khen của nhà giáo chính là ở trong lòng của mỗi học sinh, sinh viên, chứ không phải là cái cầm trên tay hay dán trên tường. Bằng khen là cái mà xã hội công nhận cho người ấy, cho nên cho dù có muốn mà không có năng lực, không cống hiến thì cũng không thể có được. Tôi nói thế để mỗi giáo viên trẻ đừng đặt nặng chuyện khen thưởng, anh cứ phấn đấu ắt hẳn anh sẽ được công nhận, vậy thôi.

Còn chuyện bị “chèn ép”, tôi nghĩ cách nghĩ như thế chưa đúng. Khoa học không có sự chèn ép, người làm khoa học lại càng không sợ bị chèn ép. Phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ giao cho các giáo sư, phó giáo sư, hoặc chí ít là tiến sỹ phụ trách, bởi đơn giản là ở học hàm, học vị đó, họ mới đủ năng lực đảm nhiệm. Nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận nhiều giảng viên trẻ chưa có bằng cấp cao nhưng vẫn đảm đương, chủ trì được nhiều đề tài lớn. Cái quan trọng là bằng chính trí tuệ và năng lực của mình, mỗi nhà giáo, dù lớn tuổi hay trẻ tuổi phải chứng minh, thuyết phục được khả năng đóng góp của mình.

Trở lại chuyện bằng khen, tôi nghĩ người ta chỉ khen thưởng cho những người có tài, có đức. Nhưng Việt Nam mình vẫn đặt tiêu chí đức lên trên tài. Lớp trẻ bây giờ tài thì tài thật, nhưng về đức thì cần được thẩm định lâu dài. Có nhiều vấn đề mà thế hệ chúng tôi phải mất 1 năm mới giải quyết được thì lớp trẻ chỉ mất có 1 tháng, chúng tôi mất 1 tháng họ chỉ mất 1 tuần, chúng tôi mất 1 tuần thì họ chỉ mất 1 ngày. Lớp trẻ bây giờ giỏi hơn, năng động, nhạy bén hơn nhưng ngược lại họ cũng tính toán và… thực dụng hơn rất nhiều.

Là một trong số ít nhà giáo được phong tặng chức danh phó giáo sư, nhà giáo nhân dân ở Đại học Huế, ông có băn khoăn, trăn trở gì với nghề, thưa ông ?

Nghề giáo theo tôi cũng khá “khắc nghiệt”, bởi nếu ai cảm thấy thỏa mãn, thấy phấn đấu vậy là đủ rồi cũng có nghĩa là họ đang đi lùi và tự loại mình ra khỏi hai chữ: “nghề” và “nghiệp”. Ở tuổi này tôi vẫn đang phấn đấu để đạt được chức danh giáo sư, cho dù được hay không được thì tôi vẫn biết là mình đang phấn đấu chứ không phải dừng lại.

Giáo sư, phó giáo sư trong quan niệm của tôi là chức vụ chứ không chỉ là chức danh như cách bổ nhiệm hiện nay. Chỉ tiếc là nhiều giáo sư, phó giáo sư vẫn thật sự chưa làm tròn “trọng trách” mà xã hội giao phó, tin cậy. Tất nhiên cũng có nhiều lý do như sức ỳ tuổi tác, sự năng động, nhạy bén không còn tốt như xưa… Vì vậy mà tôi vẫn rất kỳ vọng và tin tưởng ở lớp trẻ hôm nay...

Sông Lam (thực hiện)