Trách nhiệm của các cấp quản lý Đại học ở đâu?

Thời gian qua, Diễn đàn Dân trí có nhiều bài viết bàn về vấn đề giảng viên trẻ ở các trường đại học được dư luận quan tâm. Chúng tôi đã theo dõi rất kĩ và muốn được trao đổi một số ý kiến.

Đâu là nguyên nhân và hậu quả?

Là giáo viên phổ thông, lâu nay chúng tôi vẫn nghĩ chắc các giảng viên đại học là “sướng” lắm, không ngờ đọc các tâm sự của những “người trong cuộc”, chúng tôi mới vỡ lẽ thì ra “cùng một lứa bên trời lận đận” cả. Thì ra tiêu cực trong giáo dục không đâu là không có, thậm chí điều đáng kinh ngạc là ở môi trường giáo dục đại học lại có vẻ trầm trọng hơn. Về các biểu hiện cụ thể, các bài viết đã phân tích kĩ, chúng tôi không nhắc lại mà chỉ bàn sâu thêm về các nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục.

Bên cạnh các nguyên nhân mà các bài viết đã phân tích, chúng tôi nhận thấy một “thủ phạm” chưa được chỉ mặt điểm tên một cách đích đáng: đó là xu hướng thương mại hóa giáo dục, xu hướng đặt mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận lên trên mục tiêu chính đáng, thiêng liêng của giáo dục là vì con người, vì thế hệ trẻ, vì tương lai đất nước. Thậm chí người ta còn lợi dụng kẽ hở của các chủ trương chính sách, giương cao những khẩu hiệu tốt đẹp để thực hiện mục đích của mình. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Xin đơn cử như việc mở thêm rất nhiều trường đại học ở các địa phương, sự nâng cấp các trường trung cấp kỹ thuật lên cao đẳng, rồi Cao đẳng (CĐ) lên Đại học (ĐH): mục tiêu thì rất tốt đẹp, mĩ miều, nhưng động cơ thực sự có phải thật như vậy không thì cần phải xem lại. Chính những “người trong cuộc” biết rất rõ: trường mình chưa thể đủ tầm, đủ sức để đào tạo trình độ CĐ hay ĐH, nhưng vẫn tìm mọi cách để được “lên đời”, kết quả là đào tạo ra những thế hệ sinh viên kém chất lượng, và hậu quả thì tương lai phải gánh chịu. Vì sao vậy?

Mở trường CĐ, ĐH, sẽ có chức danh, có dự án, có lợi nhuận cao hơn, vừa “được ăn được nói”, lại có thành tích…tóm lại là vì Danh và Lợi. Mới đây báo Vietnamnet thông tin có một trường ĐH báo cáo lên cơ quan chủ quản có 20 tiến sĩ, nhưng thực chất chỉ có 1.  

Đây chính là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” song chưa được phân tích một cách thấu đáo. Các lớp tại chức, từ xa, hệ đào tạo mở, liên kết, liên thông, thậm chí là các khóa đào tạo Thạc sĩ…được mở ra liên tục, số lượng tuyển sinh rất cao, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người dân đang rất “nóng”. Mục đích thì tốt đẹp đấy chứ, nhưng chính những “người trong cuộc” tâm sự rằng: đó chính là “niêu cơm” của các trường ĐH, của các giảng viên đấy. Thử hỏi như vậy thì làm sao có chất lượng được?

Người dạy, người học đều đối phó, đều đã “bắt bài” nhau. Chuyện “học thuê” không phải trong cổ tích mà chính là hiện thực đấy. Thực chất đó chỉ là một cuộc “mua bán bằng cấp” trá hình mà thôi. Trong một môi trường như thế, người muốn dạy, muốn học tử tế cũng khó thực hiện được.  

Mặc dù chưa được thừa nhận một cách chính thức, song xu hướng thương mại hóa giáo dục đang là một thực tế ngày càng phổ biến, khiến cho giáo dục dần dần đi chệch “quỹ đạo”, một nguy cơ không nhỏ mà hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Xin nhắc lại nguyên lý cơ bản của giáo dục là vì người học. Vì vậy, khi giáo dục “có vấn đề”, người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất không ai khác là người học, mà sâu xa hơn là tương lai của xã hội, của đất nước. Xu thế các giảng viên chuyển nghề, nhiều người đang bám trụ thì trong tâm thế “nhấp nhổm”, tình trạng giảng viên “chân ngoài chân trong”, ít có cơ hội nghiên cứu khoa học, thu nhập của các giảng viên quá thấp (đặc biệt là giảng viên trẻ), môi trường làm việc thiếu vắng không khí dân chủ và nhiệt huyết vì học thuật…không thể nói là có những “khía cạnh tích cực” như ý của tác giả Phạm Nguyên Bằng. Thực sự đó là nguy cơ đối với chất lượng đào tạo ĐH, vì tất yếu sẽ dẫn tới sự thiếu hụt về đội ngũ giảng viên kế cận, và hậu quả chất lượng đầu ra ĐH sẽ thấp dần đi. 

Chúng tôi không đồng ý với nhận định của tác giả Phạm Nguyên Bằng tỏ ra “lạc quan” trước xu hướng giảng viên chuyển nghề và cho rằng: “thị trường giáo dục sẽ tự tìm ra lối đi cho mình”. Vấn đề là giáo dục ĐH sẽ tìm lối ra như thế nào, khi mà với cung cách quản lý như hiện nay, đội ngũ giảng viên đang ngày càng thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng? Trong tình hình đó, việc mở rộng thêm chỉ tiêu đào tạo sẽ càng khiến chất lượng đầu ra càng bị “loãng”.

Việc “hàng năm vẫn có hàng triệu thí sinh nộp đơn thi vào các trường ĐH, CĐ” không phải là “bằng chứng” của “lối ra” như tác giả Phạm Nguyên Bằng nói, thậm chí đó là một nguy cơ.  Đành rằng “Chừng nào còn sinh viên thì các trường Đại học sẽ vẫn còn tồn tại”. Nhưng vấn đề là “tồn tại” như thế nào? Có thực sự phát triển xứng tầm với khu vực và hội nhập quốc tế được không, hay là cứ tụt hậu mãi trong “ao làng”, mặc dù có lẽ chúng ta đã đạt kỉ lục về sự tăng trưởng số lượng trường ĐH và SV? Với tâm lý trọng khoa cử, sính bằng cấp của người dân, các trường ĐH dù có mở ra bao nhiêu nữa thì vẫn cứ có sinh viên theo học. 

Xu hướng “thừa thầy thiếu thợ” chưa được khắc phục bao nhiêu, thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng. Bởi vì hiện nay vào trường ĐH khá dễ dàng trong khi các trường, trung tâm dạy nghề thì lại yếu kém về mọi mặt. 

Đâu là lối ra? 

Chúng tôi cho rằng, mô hình GDĐH hiện tại vẫn là “Giảng viên làm trung tâm”. Có một dạo ý tưởng “sinh viên đánh giá giảng viên” vốn đã rất bình thường ở nhiều nước được đề xuất áp dụng, nhưng rồi lại bị “xếp vào kho” vì chưa có sự thống nhất cao. Xin hãy “lật ngược” quan niệm, mô hình GD bất hợp lý đó và trung thành, dốc sức với nguyên lý : “Sinh viên là trung tâm”, chắc mọi chuyện sẽ khác đi nhiều.

Ví dụ, người ta sẽ chăm lo kí túc xá, thư viện, chăm lo cơ sở y tế, nhà ăn chứ không để nhếch nhác như nhiều trường hiện nay… Hoặc với nguyên lý ấy, người ta sẽ không cho phép mở thêm nhiều trường ĐH khi chưa đủ độ “chín” về các mặt, sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, những cái nhếch nhác trong đào tạo không chính quy sẽ “biến mất”… Lúc đó, nếu như sinh viên ra trường mà tỷ lệ không tìm kiếm được việc làm cao thì Hiệu trưởng trường ĐH phải lo lắng bồn chồn “như ngồi tên đống lửa” chứ không phải “bình chân như vại” như hiện nay… Và dĩ nhiên là người ta phải chăm lo đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo.

Về đội ngũ giảng viên trẻ, chúng tôi cảm thấy không công bằng khi có một số ý kiến cho rằng họ sống “thực dụng” và chưa thực sự yên tâm về đạo đức của họ. Vậy có phải tất cả những giảng viên lớn tuổi đã thành danh thì đều không hề thực dụng và đạo đức tốt cả hay không? Không thể nói các giảng viên trẻ thực dụng mà phải nói là họ sống thực tế, và đó là một điều bình thường, bởi vì người ta phải lo cho bản thân rồi mới có thể làm việc, cống hiến. Còn về đạo đức là dĩ nhiên là có người tốt người xấu, không kể ở lứa tuổi nào. 

Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy ông Phạm Nguyên Bằng cho rằng, mức lương hiện tại của các giảng viên trẻ là “tương ứng với hiệu quả làm việc” do các giảng viên trẻ chưa tích lũy được các kiến thức, kĩ năng cần thiết để “làm việc thực sự”. Và nếu tại sao có thể tìm kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn, sao không ra đi?

Vậy xin hỏi ông Phạm Nguyên Bằng: đối với những giảng viên trẻ đã “làm việc thực sự”, thậm chí hiệu quả làm việc còn cao hơn cả những “bậc tiền bối” thì sao, có quá  bất công với họ không? Và giả sử tất cả những người có khả năng sẽ ra đi tìm việc có thu nhập xứng đáng, vậy các trường ĐH sẽ còn lại gì? 

Do đó, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tiên là phải giải được bài toán thu nhập cho họ, trong đó có thể tính đến phương án tăng học phí hay sự chủ động quyết định thu nhập giảng viên (dựa trên hiệu quả công tác) của Hiệu trưởng như một số ý kiến đã đề xuất. Giảng viên ĐH phải có thu nhập cao để không phải chạy vạy làm thêm, để có thể yên tâm tập trung cao cho giảng dạy và nghiên cứu. Đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta vẫn trả lương cho giảng viên ĐH theo kiểu “giáo viên cấp IV”. Không nói giảng viên trẻ, ngay cả một vị GS-TS đầu ngành, giảng dạy đã 40 năm mà tổng thu nhập chỉ khoảng 6 triệu, khi về hưu chỉ còn lại 3 triệu đồng. Vì vậy, dù không muốn, các giảng viên cũng phải “xoay như chong chóng” để cải thiện thu nhập, “lấy ngắn nuôi dài”. 

Dĩ nhiên không thể coi nhẹ chí tiến thủ, sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên trẻ song từ góc độ nhà quản lý không thể kêu gọi nhiệt tình cống hiến một cách chung chung hay bỏ mặc họ, mà phải làm hết trách nhiệm của mình. Không thể nói họ “vẫn trụ được” do đã có nguồn thu nhập khác hoặc có “viện trợ” từ gia đình. 

Chúng tôi nhất trí rằng đã đến lúc cần phải có những cải tổ mạnh mẽ GD ĐH với những giải pháp mang tầm chiến lược, đồng bộ, có tính đột phá. Tại sao khi nói về các bất cập trong môi trường GD ĐH, chúng ta thường ít nói đến trách nhiệm của nhà quản lý, đặc biệt là các Hiệu trưởng. Vai trò, trách nhiệm của các hiệu trưởng ở đâu? Tại sao Hiệu trưởng có thể “vô can” trước những bất cập, yếu kém, tiêu cực trong phạm vi quản lý của mình?

Ai cũng biết Hiệu trưởng là người có quyền lực lớn và phải chịu trách nhiệm về trường ĐH của mình. Liệu các Hiệu trưởng đã thực sự sâu sát, thực sự nhiệt tình, công tâm, thực sự hoàn thành nhiệm vụ quản lý của mình, thậm chí có thực sự “trong sạch”? Nếu như Hiệu trưởng “ngồi nhầm chỗ” thì sẽ có rất nhiều hệ lụy. Vụ bê bối ở trường ĐH Quy Nhơn là một ví dụ. 

Sao các Hiệu trưởng “bình tĩnh ” thế, các vị đã “xắn tay” vào cuộc chưa? Nếu đã cố gắng hết mức rồi mà không xoay chuyển nổi tình hình, sao không từ chức, nhường chỗ cho người có tài năng hơn? Làm thế mới là có tâm với giáo dục, với sinh viên. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy vị nào thực hành cái “văn hóa từ chức” vốn dĩ rất đẹp và rất bình thường ở nhiều nước. Phải chăng đó là một nguyên nhân khiến cho GD ĐH của ta trì trệ?  Dĩ nhiên là các Hiệu trưởng cần có một mức lương tương xứng với trách nhiệm nặng nề của họ. Theo chúng tôi biết, mức lương hiện tại của các Hiệu trưởng cũng còn thấp, chỉ nhỉnh hơn giảng viên một chút, nhưng không thấy vị nào kêu ca gì cả?

Với nguyên lý “Sinh viên làm trung tâm”, cần xác định chất lượng đào tạo, khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của sinh viên là yêu cầu cốt tử. Việc mở ra nhiều trường CĐ, ĐH, tuyển sinh đầu vào chất lượng thấp, dễ dãi trong khâu đào tạo… là đi ngược lại với nguyên lý đó, và hậu quả là gây nên tình trạng lãng phí, làm xã hội gia tăng tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác đối với nền kinh tế-xã hội. Vì vậy, cần có những điều tra, khảo sát kĩ lưỡng về các phương diện như chất lượng, khả năng đào tạo của các trường CĐ, ĐH hiện nay, nhu cầu nhân lực hiện tại và trong tương lai, từ đó có những quyết sách đúng đắn; Kiên quyết không đồng ý cấp phép hoạt động cho các trường CĐ, ĐH chưa đáp ứng các tiêu chí chất lượng, xử lý nghiêm khắc các biểu hiện vi phạm quy chế đào tạo, có những giải pháp huy động nguồn tài chính để đầu tư mạnh mẽ cho các trường ĐH, kiên quyết chống tiêu cực trong giáo dục, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, kiên quyết đoạn tuyệt với những cái trì trệ, lạc hậu…

Hiện vẫn còn không ít GS-PGS không sử dụng máy vi tính, internet, không thạo một ngoại ngữ, đó thực sự là một điều khó hiểu. Cần tăng cường vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT đối với GD ĐH. 

Giáo dục ĐH có vai trò vô cùng quan trọng đối với quốc gia, vì vậy, việc nâng cao chất lượng GD ĐH là một việc “cần làm ngay” cần được Chính phủ, Bộ GD-ĐT ưu tiên thực hiện. Những bất cập trong GD ĐH tồn tại quá lâu sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Tuy không giảng dạy đại học, nhưng nhà giáo viết bài trên đây đã dành sự quan đặc biệt đối với giáo dục đại học và có những ý kiến đóng góp đáng lưu ý.

Chất lượng giáo dục đại học thấp kém của nước ta trước hết thuộc về trách nhiệm các cấp lãnh đạo - quản lý giáo dục đại học và trực tiếp là hiệu trưởng các trường đại học.

Chăm lo đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học trước hết là chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất-kỹ thuật của nhà trường đi đôi với việc đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung cũng như cách thức tổ chức đào tạo và phương giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

Trong tình hình đầu tư của nhà nước còn nhiều hạn chế, rõ ràng cần tạo ra cơ chế pháp lý cần thiết, để các trường đại học được mở rộng quyền tự chủ, tạo thêm kinh phí hoạt động từ nhiều nguồn. Từ đấy có thể chăm lo tốt hơn đời sống cũng như điều kiện làm việc của đội ngũ giảng viên; tăng cường phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu…

Phải chăng đấy những công việc hết sức cần thiết nhằm mục tiêu đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.