Giảng viên trẻ ngày nay có cơ hội tiến thủ hay không?
Tôi đã phấn đấu trong gần hai mươi năm để có được hai bằng đại học chính qui trong nước, một bằng Thạc sỹ và một bằng Tiến sỹ ở nước ngoài.
Cũng trong thời gian này, hai lần tôi nộp đơn xin việc ở hai trường Đại học lớn ở Hà Nội và sau đó là hai lần nộp đơn xin thôi việc ở những nơi này.
Là “người trong cuộc”, tôi hiểu khá rõ tình hình và muốn chia sẻ một số suy nghĩ cùng bạn đọc Dân trí về tình trạng bỏ việc của giảng viên, nghiên cứu viên trẻ của các trường đại học.
Không biết có quá lạc quan không, nhưng tôi thấy hiên tượng bỏ việc của giảng viên, nghiên cứu viên trẻ là chuyện rất bình thường, thậm chí còn nhìn thấy những khía cạnh tích cực.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Hiện tượng này cũng chứng tỏ sự trưởng thành trong nghề nghiệp và suy nghĩ của các bạn trẻ. Họ đã không dễ dàng chấp nhận một công việc mà nó không còn thỏa mãn được các nhu cầu căn bản về vật chất và tinh thần, thì việc tìm đến một môi trường làm việc mới có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu này sẽ là điều tất yếu.
Một số ý kiến cho rằng tri thức trẻ không được đối xử công bằng, đang bị “đẩy vào ngõ cụt”. Tôi không hoàn toàn nhất trí với quan điểm này. Rõ ràng là sự phát triển kinh tế xã hội trong những thập kỷ qua mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho các bạn. Cơ hội việc làm không còn chỉ giới hạn trong lĩnh vực công, cụ thể là một số các trường đại học công lập, viện nghiên cứu mà đã mở rộng ra cả lĩnh vực tư nhân, như hệ thống các trường tư thục, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Ở đây tuyệt đối không có sự “chảy máu chất xám” nào cả, mà chỉ là sự tự điều chỉnh của nền kinh tế thị trường để sử dụng hiệu quả hơn nguồn chất xám trong nước.
Đúng là có hiện tượng một số bạn trẻ phải “bưng bê, điếu đóm”, nhưng có ai bắt buộc các bạn phải làm việc trong môi trường đó đâu! Các bạn tự nộp đơn “xin” vào, thậm trí là “chạy” vào đấy chứ!
Tôi cũng xin bổ sung thêm là môi trường làm việc không tốt ở một số các trường Đại học công lập như các bạn đã nêu không phải chỉ do một số các “lão làng” như ý kiến của một số bạn mà còn do chính một số “tri thức” trẻ. Cụ thể là lý do chính mà tôi xin nghỉ việc lần thứ hai là không thể chấp nhận lối cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí có thể nói là “chơi xấu” của chính một số đồng nghiệp trẻ xung quanh của mình.
Các bạn có thể tưởng tượng rằng trong khi bạn phải mất cả tháng để xây dựng và chuẩn bị nội dung cho một bài giảng trong thời gian 90 phút cho khoảng gần một trăm sinh viên, thì bạn phải mất đến 30 phút loay hoay với cái thiết bị đa năng (multimedia projector) mà nguyên nhân đơn giản là “đồng nghiệp” đã “chuẩn bị” cho bạn một cái dây điện bị đứt “ngầm” mà không ai có thể nhận biết bằng mắt thường! Đấy chỉ là một trong những “kinh nghiệm” mà tôi nhận được từ các “tri thức” trẻ khi mới về nước.
Ngay như trong bài viết của một bạn nào đó cũng đã thừa nhận là lý do bạn chưa bỏ công việc hiện nay là vì muốn có một công việc nhàn hạ, để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình! Tôi tin là có nhiều giảng viên trẻ, nhất là nữ, có cùng suy nghĩ như bạn. Thực chất đây là hiện tượng ăn cắp thời gian của chính mình! Tôi xin hỏi liệu những học sinh, sinh viên của bạn sẽ học được gì ở bạn? Liệu bạn có thể chia sẻ “tri thức” gì với đồng nghiệp của mình? Theo đuổi học thuật là con đường vô cùng khó khăn, và nghiệp làm thầy đâu có dễ dàng như vậy được!
Một số ý kiến cho rằng mức lương hiện nay cho tri thức trẻ là thấp, không đủ sống. Đúng là như vậy khi ta so sánh với mức lương ở các công ty nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức quốc tế, nhưng thực tế là các bạn đang nhận được cái tương ứng với hiệu quả làm việc của các bạn! Thực sự những kiến thức, kỹ năng mà các bạn thu nhận, tích lũy từ những năm học đại học đã đủ để bạn làm việc theo đúng nghĩa của nó chưa? Nếu quả thực khả năng của bạn cho phép kiếm được một công việc với mức lương cao hơn thì tại sao bạn không dám chuyển sang công việc mới? Điều này chỉ có thể giải thích là bạn đã có một nguồn tài chính nào khác, có thể từ cha mẹ, để giúp bạn duy trì cuộc sống của mình.
Chúng ta cũng không thể nói rằng các trường Đại học thiếu ngân sách dành cho nghiên cứu, đạo tạo. Bằng chứng là Ủy ban ngân sách của Quốc hội năm nào cũng công bố ngân sách cho nghiên cứu không sử dụng hết!
Ở trường Đại học, nơi mà tôi đã từng làm việc, quyết toán ngân sách cho hoạt động nghiên cứu đào tạo cũng còn dư tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm! Trong khi các giảng viên, nghiên cứu viên có năng lực thì ngày đêm “đánh quả” bên ngoài! Hóa ra, việc “chính” thì không làm, toàn làm thêm việc “phụ”. Do vậy vấn đề quyết định ở đây phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết và năng lực tổ chức của người lãnh đạo cơ quan, cũng như sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thành viên trong đơn vị đó.
Cũng phải thừa nhận là có một số bạn trẻ, tự biết sức mình chưa đủ, nên mặc dù biết là khó khăn, vẫn cố gắng ‘bám’ các trường đại học với hy vọng kiếm một suất học bổng đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách Chính phủ hoặc thông qua các chương trình hợp tác đạo tạo cụ thể vì những chương trình học bổng này thường cạnh tranh thấp hơn so với những chương trình học bổng Quốc tế mở.
Ngược lại, cũng không phải tất cả sinh viên, nghiên cứu sinh học ở nước ngoài đều là giỏi cả. Đành rằng, môi trường học tập, nghiên cứu ở các nước phát triển là tốt hơn nhiều so với Việt Nam, từ phòng học, trang thiết bị trợ giảng, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ thông tin, phòng thí nghiệm, cho đến các dịch vụ hỗ trợ sinh viên về ngôn ngữ, tư vấn, giảng viên, cố vấn kỹ thuật vv…, vẫn có những sinh viên (du học bằng học bổng hoặc tự túc) không tận dụng hết cơ hội này để học tập.
Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển về cơ bản khác với Việt Nam là tạo cơ sở cho sinh viên phát huy tối đa khả năng tự học. Điều đó có nghĩa là kết quả học tập, nghiên cứu của sinh viên là rất khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Trong môi trường như vậy, tất nhiên có những sinh viên phát triển rất tốt, nhưng cũng không thiếu các sinh viên tồi. Thậm chí một số sinh viên chưa học được gì đáng gọi là tri thức thì đã hấp thụ ngay thứ ‘văn hóa hạ đẳng’.
Điểm cuối cùng tôi muốn chia sẽ ở đây là các bạn hỏi liệu với tình trạng thôi việc hàng loạt của các tri thức trẻ hiện nay thì các trường Đại học sẽ đi đến đâu? Kinh tế thị trường, bao gồm cả thị trường giáo dục sẽ tự tìm ra lối đi cho mình. Bằng chứng là hàng năm vẫn có cả triệu thí sinh nộp đơn dự thi vào các trường Đại học và Cao đẳng trong nước đấy thôi.
Nếu kỳ thi tuyển sinh Đại học được bỏ vào năm 2010, thì chắc chắn nhu cầu này còn cao nữa. Chừng nào còn sinh viên thì các trường Đại học sẽ vẫn còn tồn tại. Ngoài ra một bộ phận sinh viên có nhu cầu chất lượng giáo dục cao hơn thì đã có các chương trình du học trong nước và nước ngoài. Theo tôi, câu hỏi mà các bạn cần quan tâm là nếu các bạn tiếp tục làm việc trong môi trường đó thì tương lai của các bạn sẽ đi đến đâu? Tự lo được cho tương lai của chính mình là cách tốt nhất để góp phần giải quyết các vần đề của xã hội. Tương lai ngành giáo dục đào tạo hiện đang rộng mở hơn bao giờ hết. Có rất nhiều chương trình học bổng từ ngân sách trong nước cũng như các trường Đại học lớn của các nước phát triển.
Một thực tế là có những chương trình học bổng ở Việt Nam đã không tuyển đủ số lượng thí sinh với đúng yêu cầu chất lượng! Ngay các chương trình, dự án phát triển sử dụng vốn ngân sách viện trợ cũng có những hoạt động nghiên cứu, nhưng triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Có thể nói chúng ta đang có nhiều cơ hội hơn rất nhiều so với thế hệ các ‘lão làng’! Thậm chí những cơ hội việc làm ở các trường đại học lớn như Harvard, các công ty như Microsoft, Google, các cơ quan phát triển như World Bank.., trước đây không bao giờ có, bây giờ cũng mở ra cho các bạn. Như vậy có thể nói các bạn trẻ đâu có thiếu cơ hội, có chăng chỉ thiếu khả năng mà thôi!
Chúc các bạn may mắn và hạnh phúc.
Phạm Nguyên Bằng
LTS Dân trí - Nhìn nhận sự việc gì cũng vậy, muốn đánh giá chuẩn xác, bao giờ cũng đòi hỏi cái nhìn toàn diện, cho nên có những ý kiến “phản biện” như bài viết trên đây là rất cần thiết.
Nếu chỉ nhìn một chiều, thì rất dễ sa vào tình trạng chỉ thấy những khó khăn do khách quan gây nên, mà không thấy hết những nguyên nhân chủ quan. Theo như tác giả bài viết trên đây thì cơ chế thị trường cũng như chủ trương mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội tiến thủ đối với trí thức trẻ nói chung và giảng viên trẻ nói riêng. Vấn đề quyết định ở đây là năng lực và ý chí phấn đấu của mỗi người.