Tâm sự của một giảng viên đại học
Tôi là một độc giả thường xuyên của Diễn đàn Dân trí và thật sự đồng cảm, muốn chia sẻ với đồng nghiệp về những khó khăn và con đường phấn đấu gian nan của giảng viên trẻ.
Nhìn chung, ở mỗi trường đại học, mỗi bộ phận trong trường tuy có khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản tôi hoàn toàn đồng cảm với suy nghĩ của các tác giả... Các thông tin đưa ra hầu như mọi người trong ngành cũng như xã hội đều có thể biết, nhưng việc tìm ra hướng đi chuẩn xác cũng như các biện pháp giải quyết sự việc không thể một sớm một chiều, nhưng đòi hỏi phải nỗ lực vận động theo xu thế chung. Cả nước đang chuyển mình để hội nhập với thế giới trong đó có hội nhập về giáo dục, hy vọng với lòng yêu nghề tha thiết, các thầy sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn hiện tại.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Về nguyên nhân níu kéo tôi ở lại đó là theo đuổi con đường mình đã chọn lựa: một nghề thanh bạch, có cơ hội để cống hiến cho giáo dục, cho khoa học.
Về nguyên nhân khiến tôi muốn đổi nghề đó là:
1. Thu nhập của giáo viên (khi còn trẻ) là quá thấp
Quả thực từ khi lập gia đình, có các con nhỏ, tôi mới trăn trở nhiều về kinh tế gia đình. Khi còn độc thân, ngay cả lương bổng mình hệ số bao nhiêu tôi cũng không biết nữa. Hiện tại hàng tháng trong thẻ ngân hàng, nghe vợ tôi nói lại là “lương anh khoảng hai triệu, có thể mua được 4 hộp sữa Dumex lớn cho con bé đầu trong tháng này anh ạ”. Có cháu thứ hai, bản thân tôi, ngay cả buổi sáng ăn gì cũng phải đắn đo.
Khó thì phải xoay, với kỹ năng ngoại ngữ và vi tính ở trình độ đại học và kết quả của những năm du học nước ngoài, mặc dù không phải là chuyên môn chính nhưng tôi phải sử dụng trong thời gian rảnh để mưu sinh. Lấy cái ngắn nuôi cái dài, tôi sử dụng thu nhập làm thêm đó để chi phí cho gia đình, mua máy tính, nâng cao chuyên môn, thuê internet để làm việc tại nhà…
Nhìn chung thu nhập từ nghề giáo của tôi (sau hơn 10 năm công tác) chưa bằng một nửa thu nhập của sinh viên tôi mới ra trường được tuyển ở công ty liên doanh. Còn so với đa số bạn bè cùng học thì chỉ là con số quá nhỏ bé.
2. Chưa có chế độ khuyến khích giảng viên trẻ nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn
Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính của giảng viên đại học. Tuy nhiên tôi có cảm nhận rằng vào làm một giảng viên rồi thì anh thích làm gì mặc anh, chỉ cần giảng dạy cho đủ số tiết đứng lớp là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Còn về “chất lượng” là một vấn đề “tế nhị”.
Các đề tài nghiên cứu khoa học thường tập trung ở các thầy có học hàm, học vị và thâm niên công tác cao. Còn lại như chúng tôi chỉ dám thay phiên nhau số lượng ít đề tài cấp trường (khoảng 2-3 triệu đồng/năm). Do đó, để đạt được ước muốn nghiên cứu “thật” và đảm bảo số lượng công trình nghiên cứu đề ra của nhà trường, tôi thường bỏ tiền nhà cho các chi phí này. Hiện tại tôi đang cố gắng mày mò kỹ năng đồ họa, dịch các tài liệu chuyên môn để mong in được một số cuốn sách đúc kết từ 10 năm giảng dạy từ nguồn “nội lực”.
3. Bộ máy quản lý còn quá phức tạp, cồng kềnh
Cơ chế tìm người lãnh đạo còn theo kiểu “dân chủ” hình thức “bỏ phiếu tín nhiệm” và “đề cử” cho nên chúng tôi cảm thấy nhiều cán bộ lãnh đạo chưa đủ năng lực. Đâu đó vẫn còn nghe câu nói: để được tín nhiệm phải biết lãnh đạo có sở thích gì để mình theo, thay vì thể hiện bằng năng lực chuyên môn.
Chúng tôi rất sợ khi đi làm các giấy tờ thủ tục, phải chạy hết phòng này, phòng nọ, rồi thì xếp đi công tác, các văn bản bằng tiếng nước ngoài cần phải dịch công chứng sang tiếng Anh…
Và còn rất nhiều điều vô lý khác, ai cũng biết mà vẫn tồn tại.
Có ý kiến cho rằng muốn đạt được các ý tưởng của mình chỉ khả thi khi anh có quyền lực. Ở các cơ quan ngoài quốc doanh, để khuyến khích nhân tài người ta sẽ chuyển anh sang một vị trí cao hơn sau khi người ấy hoàn thành tốt công việc trong vài ba năm, nhìn vào tương lai của mình, tôi nghĩ chắc rằng 10 năm tới cũng không có một hứa hẹn gì cả. Ước mơ có một phòng thí nghiệm nghiên cứu theo đề tài mình theo đuổi, đảm bảo thời gian tập trung cho công việc chuyên môn còn quá xa vời. Hy vọng với lòng yêu nghề, sự động viên giúp đỡ của các thầy giáo đi trước, tôi sẽ tiếp tục đi trên còn đường mà mình đã chọn lựa.
Tu Quynh
LTS Dân trí - Tâm sự của tác giả bài viết trên đây là những ý kiến chia sẻ thật chân thành và đáng tin cậy của một giảng viên đại học đã mười năm trong nghề. Những khó khăn khách quan là có thật và những vướng mắc về chế độ và chính sách đối với giảng viên trẻ vẫn đang tồn tại trong thực tế. Mặc dù về phía chủ quan, không ít giảng viên trẻ có tấm lòng yêu nghề đã tự phấn đấu vươn lên bằng con đường “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng quá trình tự thân vận động đó đem lại hiệu quả không cao.
Muốn tạo nên một bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, điều quan trọng là cần có chính sách lương bổng thỏa đáng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ trong công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, giúp họ tiến bộ nhanh về chuyên môn và yên tâm về con đường tiến thủ.