Đánh giá đúng thực trạng giáo dục đại học
Tôi đồng tình với bài <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Trach-nhiem-cua-cac-cap-quan-ly-Dai-hoc-o-dau/2008/9/249615.vip">“Trách nhiệm của các cấp quản lý Đại học ở đâu?”</a> của ông Trần Quang Đại, một giáo viên phổ thông ở Hà Tĩnh có nhiều ý kiến xác đáng và có tinh thần xây dựng.
Ngược lại, sau khi đọc bài "Giảng viên trẻ ngày nay có cơ hội tiến thủ hay không?" của ông Phạm Nguyên Bằng, tôi thấy có nhiều điểm cần trao đổi đổi thêm.
Chúng ta cùng nhau trao đổi trên diễn đàn này là muốn nói lên những thực trạng, có thể không phải là phổ quát nhưng đúng ở nơi này nơi kia, và cùng nhau tìm ra nguyên nhân. Những ý kiến này đến được với các cấp quản lý thì tốt, đó cũng có thể là một kênh thông tin hữu ích cho họ, nhưng chí ít đây cũng là một diễn đàn để chia sẻ quan điểm giữa những anh chị em trong ngành giáo dục với nhau, cũng như với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà, nhất là giáo dục đại học.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Ông Bằng cho rằng các hiện tượng hiện nay ở các trường ĐH được nhiều người nêu lên trong diễn đàn không có gì đáng ngại, đại ý thu nhập của giáo viên thấp là vì nó tương xứng với hiệu quả công việc của họ, "chảy máu chất xám" từ các trường đại học cũng chỉ là sự điều chỉnh tự nhiên của nền kinh tế thị trường để sử dụng hiệu quả hơn nguồn chất xám. Ông Bằng còn nói rằng: "Nếu quả thực khả năng của bạn cho phép kiếm được một công việc với mức lương cao hơn thì tại sao bạn không dám chuyển sang công việc mới?"
Những điều ông Bằng nói không phải không có cái lý, nhưng cũng có những điều cần phải bàn. Đành rằng thu nhập của một người thường thể hiện khả năng của họ, nhưng có luôn như vậy không? Một người làm việc chỉ vì tiền hay còn vì cái gì khác? Bản thân ông Bằng đã hai lần nộp đơn xin việc ở hai trường Đại học lớn ở Hà Nội chắc ông cũng có niềm đam mê nhất định với nghề dạy học chứ không chỉ bởi vì tiền, vì thu nhập của giáo viên ở nước ta từ trước đến nay có bao giờ cao đâu. Rồi sau đó, ông lại hai lần nộp đơn xin thôi việc ở những nơi này. Vì sao? Rõ ràng có cái gì đó không ổn ở những nơi đó. Do vậy mà đã để cho một người không phải không yêu nghề, một người đã phấn đấu trong gần hai mươi năm để có được hai bằng đại học chính qui trong nước, một bằng Thạc sỹ và một bằng Tiến sỹ ở nước ngoài lại phải ra đi, không thực hiện được những hoài bão một thời của mình.
Đó chính là những gì mà chúng ta cần trao đổi, cần các cấp quản lý, lãnh đạo lắng nghe, và có những chủ trương đúng đắn, hợp lý hơn. Nếu mọi sự cứ để "mặc nhiên", tự nó điều chỉnh thì cần gì phải quản lý nữa. Nhưng những cái gọi là "tự do", "kinh tế thị trường" đúng nghĩa của nó đâu phải là không cần quản lý gì, mà thực chất là quản lý ở trình độ rất cao. Nền giáo dục của chúng ta sẽ đi đến đâu, "hình hài" các trường đại học của chúng ta trong tương lai sẽ như thế nào, chất lượng sản phẩm của nó có khá hơn được không, môi trường làm việc có được cải thiện không, thu nhập của một giáo viên trẻ đến bao giờ mới hơn được thu nhập của một "oshin", ... là những câu hỏi mà chúng ta không thể vô cảm.
Cái mà các anh chị em nêu trong Diễn đàn Dân trí này tuyệt đối không phải là than thân trách phận, cũng không phải là vì bất tài nên chỉ biết kêu gào sự quan tâm. Cũng như đang cùng trên một con tàu, thấy nó rò nước, tròng trành, có nguy cơ này khác, mình biết thì phải lên tiếng để cảnh báo cho mọi người, rồi cùng xắn tay vào tìm cách cứu gỡ, chứ lúc ấy chỉ lo thoát thân trước thì đâu phải là hay. Tất nhiên, nếu mình làm nhiều cách rồi mà chẳng ai quan tâm, chẳng cải thiện được tình hình gì, cũng như bản thân mình khi ở trong trường đại học không còn cách gì để "xoay xở" được trong cơn "bão giá" không có hồi kết này nữa thì cũng đành "tẩu vi thượng sách" thôi, vì cuộc sống của mình, của gia đình mình là không thể xem nhẹ.
Quý Tân
LTS Dân trí - Lời cảnh báo về sự “xuống cấp” của chất lượng giáo dục đại học cũng như điều kiện làm việc hết sức khó khăn, thiếu thốn của giảng viên trẻ đã nhiều lần được đề cập trên Diễn đàn Dân trí. Đó là sự thật đáng buồn và đáng bất bình về trách nhiệm của những người lãnh đạo - quản lý giáo dục đại học. Thử hỏi vì sao trong tình hình giáo dục đại học yếu kém như vậy, chưa tìm được biện pháp khả thi để khắc phục, lại tiếp tục cho “bung ra” hàng loạt các trường đại học, cao đẳng ở mọi địa bàn trong cả nước, với mức “phát triển” trong 10 năm gần đây bằng cả 50 năm trước!
Những người chịu trách nhiệm về tình hình đó không thể vô can!
Muốn chấn hưng giáo dục nói chung và đại học nói riêng, phải bắt đầu từ kỷ cương và nền nếp quản lý, trách nhiệm phải rõ ràng cho từng cương vị lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở đó mới thực hiện được những quyết sách cần thiết để giải quyết những vấn đề hết sức bức xúc của giáo dục đại học, tạo điều kiện nâng cao chất đào tạo và giúp cho Người Thầy dạy đại học có thể yên tâm với nghề mà mình đã chọn.