Bài 30 vụ áp thuế 5,7 tỷ cho 253m2 đất huyện:

Đủ quy trình xác minh, họp liên ngành, kiến nghị, chỉ đạo… vẫn “ngâm tôm” dân!

(Dân trí) - “Điều mọi người quan tâm nhất hiện nay là đến bao giờ vụ việc bà Lích được tháo gỡ, giải quyết. Bắt dân phải mỏi mòn chờ đợi, mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, cơ hội, dù với bất kỳ lý do gì, thì đó vẫn là điều hết sức đáng trách” - Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định.

balich-1443402940074

Cụ bà Đàm Thị Lích đang mòn mỏi chờ đợi ngày "phán quyết" cho mảnh đất của gia đình đã sử dụng ổn định mấy chục năm qua

Chiều 18/1, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ qua với những người có thẩm quyền phát ngôn, thụ lý về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) về việc đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và xác định lại việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với việc áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất để nắm bắt thêm thông tin, diễn biến nhưng không ai nghe điện thoại.

Ông Khổng Minh Nghiệp, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tiếp công cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì sẽ có bộ phận tham mưu xử lý. “Tôi không phụ trách nữa nên không biết thời nào xử lý, vụ này phân theo lĩnh vực, sẽ có người phụ trách lĩnh vực đó xử lý” - Ông Nghiệp nói.

Gần 7 tháng qua, vụ cụ bà 75 tuổi bị áp mức thuế “khổng lồ” được Báo Dân trí thông tin, phản ánh thì vụ việc đã “chuyền tay” nhau qua các cơ quan: UBND huyện Đức Trọng, Phòng TNMT huyện, Chi Cục thuế huyện rồi đến UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục thuế tỉnh, Sở TNMT tỉnh, Sở Tài chính…vụ việc được nghiên cứu dưới các hình thức tra soát, xác minh, họp liên ngành, kiến nghị, chỉ đạo… nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trước đó, ông Khổng Minh Nghiệp cho rằng: “Việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của UBND huyện Đức Trọng, sao lại bán cái lên UBND tỉnh được. Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu huyện Đức Trọng phải xử lý, giải quyết, nếu tỉnh cứ làm thay thì phân ra cấp huyện, cấp xã để làm cái gì?”

Thông báo nộp mức thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của Chi cục thuế huyện Đức Trọng gửi đến gia đình bà Lích
Thông báo nộp mức thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của Chi cục thuế huyện Đức Trọng gửi đến gia đình bà Lích

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận, dù xác định được thẩm quyền giải quyết chỉ cần đến UBND huyện Đức Trọng nhưng thực tế UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn thụ lý “trái bóng” do UBND huyện Đức Trọng “bán cái” lên và rồi UBND tỉnh tiếp tục tổ chức “đá thêm hiệp phụ”. Thế là “trận đấu bóng đá” trong việc giải quyết vụ áp thuế kì lạ phải kéo dài thêm nhiều hiệp nữa và “cầu thủ” bất đắc dĩ 75 tuổi là bà Đàm Thị Lích vẫn phải tiếp tục “chơi bóng” mà không biết khi nào trọng tài mới thổi dừng trận đấu.

Thật ra vụ này đã có điểm dừng đó là việc: UBND huyện Đức Trọng nhìn thấy có thể vận dụng các qui định pháp luật về đất đai thể hiện trong báo cáo và kiến nghị gửi UBND tỉnh Lâm Đồng.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ viện dẫn báo cáo số 387/BC-UBND của UBND huyện Đức Trọng: “Xét điều kiện, hoàn cảnh của bà Đàm Thị Lích là người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày), hiện nay bà đã 75 tuổi, già yếu, không còn khả năng lao động, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích vượt hạn mức là ngoài khả năng của bà. Mặt khác xét trước đây gia đình ông Vy Văn Lan - bà Đàm Thị Lích có diện tích 3.935 m2 đất nông nghiệp được chế độ cũ cấp quyền sở hữu đất vườn sau năm 1970, sau giải phóng đưa vào Hợp tác xã và nhà nước quy hoạch khu dân cư, cấp cho 11 hộ gia đình làm nhà ở. Gia đình ông Lan cũng được cấp lại 610 m2 tại khu vực này và đã được UBND huyện có quyết định công nhận đất thổ cư, công nhận QSDĐ từ năm 1993, 1994. Từ đó, UBND huyện Đức Trọng xét lập lại thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bà Đàm Thị Lích đối với diện tích 253,9 m2 đất ở thuộc thửa đất số 681, tờ bản đồ số 57 (2007) thị trấn Liên Nghĩa, trong đó có 91,6 m2 đất ở trong hạn mức và 162,3 m2 đất ở vượt hạn mức nhưng không thu tiền sử dụng đất”.

Nếu UBND huyện Đức Trọng mạnh dạn tự quyết định và cấp quyền sử dụng đất cho bà Đàm Thị Lích thì “trận đấu” đã kết thúc và toàn bộ khán giả theo dõi “trận bóng trách nhiệm” bấy lâu nay sẽ đồng loạt vỗ tay hoan hô.

Gần 7 tháng qua, bà Lích sống trong cảnh mòn mỏi, thấp thỏm chờ ngày phán quyết của UBND huyện Đức Trọng
Gần 7 tháng qua, bà Lích sống trong cảnh mòn mỏi, thấp thỏm chờ ngày "phán quyết" của UBND huyện Đức Trọng

Luật sư Lễ phân tích thêm: Căn cứ vào qui định tại Luật Đất đai năm 2003: Điều 37: UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư.

Điều 52 của tại Luật Đất đai năm 2003 quy định: Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Luật sư lễ cho biết, với những qui định trên và điều kiện, thực tế sử dụng đất đai của bà Lích thì UBND huyện Đức Trọng có đủ thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết vụ việc bà Lích. Nhưng “trái bóng trách nhiệm” quá lớn cũng là nguyên nhân có thể làm chùn bước người “đá bóng”. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với nhân dân là tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ là thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những việc cán bộ, công chức không được làm là trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao (Điều 8, 9, 18 Luật công chức).

Do đó, trách nhiệm của cán bộ công chức luôn luôn phục vụ dân hiệu quả hơn, tôn trọng lợi ích của dân là thước đo tối thượng lòng tin của dân đối cán bộ, công chức khi hành xử với dân. Nếu nhận thấy kiến nghị của UBND huyện Đức Trọng cấp quyền sử dụng đất cho bà Đàm Thị Lích đối với diện tích 253,9m2 đất ở và không thu tiền sử dụng đất là phù hợp qui định pháp luật, là hợp lòng dân, là có tình có nghĩa với gia đình bà Lích (vì gia đình bà đã bị thu hồi diện tích 3.935 m2 đất nông nghiệp được chế độ cũ cấp quyền sở hữu đất vườn sau năm 1970 rồi được cấp lại 610 m2 tại khu vực này và đã được UBND huyện công nhận đất thổ cư từ năm 1993, 1994) thì UBND tỉnh Lâm Đồng nên giải quyết ngay cho gia đình bà Lích.

Đôi bàn tay già nua của bà Lích trong ngày kí đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng 
Đôi bàn tay già nua của bà Lích trong ngày kí đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng 

“Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là đến bao giờ các vụ việc bà Lích sẽ tháo gỡ, giải quyết để bà Lích có thể an tâm mỉm cười đến cuối đời vì quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình được đảm bảo. Bắt dân phải mỏi mòn chờ đợi, mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, cơ hội, dù với bất kỳ lý do gì, thì đó vẫn là điều hết sức đáng trách” - Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Trung Kiên