Dạy cho con biết biển đảo của Tổ quốc
(Dân trí) - Đoàn phóng viên của báo Thanh Niên lên đường đi Trường Sa. Đồng nghiệp của chúng tôi mang theo quà tết của mình và của các doanh nghiệp để tặng các chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.
Ngoài nhu yếu phẩm còn có hàng chục máy thu hình, máy vi tính và đầu DVD, máy fax. Người lính biển đảo đang sống và làm việc trong vòng tay của bà con từ đất liền. Tất cả những ai mang dòng máu Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều xem hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của mình.
Hai quần đảo thấm máu cha anh đó luôn hiển hiện trong tâm trí của mỗi người Việt Nam. Mấy trăm năm trước, những con tàu thuộc hải đội Hoàng Sa của Chúa Nguyễn vượt sóng to gió cả hướng ra biển Đông để khai thác sản vật và để mở rộng bờ cõi. Đến năm 1816, thủy quân của vua Gia Long kiểm soát toàn bộ biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động của thủy quân Gia Long và các vua triều Nguyễn liên tục sau đó là cột mốc quan trọng xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa. Tiền nhân đã dựng nên phên giậu phía Đông của đất nước, đó là trí tuệ, là tầm nhìn dài rộng cho con cháu muôn đời sau. Điều này không chỉ được minh chứng bằng tư liệu lịch sử Việt Nam mà sử sách Trung Quốc cũng đã ghi lại.
Các triều đình phong kiến Việt Nam trải bao can qua vẫn kiên cường giữ nguyên cương vực Tổ quốc. Trong từng trang lịch sử, chúng ta nhất quyết phải nói về những bước chân tiền nhân đi mở cõi. Bước chân Chúa Nguyễn vượt Hoành Sơn, bước chân của những hải đội Hoàng Sa và Bắc hải dấn thân giữa mịt mù trùng dương săn bắt hải sản và trục vớt cổ vật. Đồng thời những bước chân ấy cũng đặt lên hai quần đảo xa xôi ngoài biển Đông, cắm mốc chủ quyền bằng những thanh gỗ quý ghi danh triều đại phong kiến Việt Nam. Lịch sử phải tô đậm tên địa danh Lý Sơn, là hòn đảo làm bệ phóng cho các hải đội của tiền nhân giăng buồm ra khơi, và nay đền thờ những người con tiền phong ấy vẫn còn ấm khói nhang.
Một đất nước có dân trí cao không phải chỉ giỏi cập nhật những thông tin và tri thức hiện đại, mà sâu xa hơn là phải hiểu biết đầy đủ lịch sử của dân tộc mình. Chỉ từ nền tảng lịch sử mới dựng xây được quốc gia trường tồn. Biển đảo của Tổ quốc là những trang sử bắt buộc phải dạy dỗ để con cháu muôn đời ghi nhớ.
Lê Chân Nhân