Đánh nhân viên gác chắn gãy mũi, có thể bị xử lý ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, từ 3 căn cứ gồm mức độ thương tật của nạn nhân; tính chất của hành vi và ý chí của nạn nhân về việc xử lý nghi phạm, công an sẽ xem xét trách nhiệm của Trang về tội Cố ý gây thương tích.

Như Dân trí thông tin, Nguyễn Thùy Trang (37 tuổi, quê Bạc Liêu) đang bị Công an TP Thủ Đức (TPHCM) tạm giữ để điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Trang là người đánh chị Hoàng Thị Bình (nhân viên gác chắn đường sắt) tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức vào tối 30/12/2024 do mâu thuẫn từ việc gác chắn tàu, không cho người khác băng qua đường ray. Qua chẩn đoán và điều trị ban đầu, bác sĩ xác định chị Bình bị gãy xương mũi. 

Với diễn biến hành vi và hậu quả như trên, nhiều độc giả băn khoăn Trang có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật?. 

Đánh nhân viên gác chắn gãy mũi, có thể bị xử lý ra sao? - 1

Nguyễn Thùy Trang (Ảnh: Thuận Thiên).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là hành vi phản cảm, đi ngược các quy tắc về đạo đức, ứng xử, gây bất bình trong xã hội và cần bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Dựa trên những thông tin hiện có về diễn biến hành vi cũng như hậu quả xảy ra, việc cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Trang để xác minh, làm rõ hành vi Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở. 

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật này, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các tình tiết định khung theo luật định như sử dụng hung khí, vũ khí nguy hiểm; có tính chất côn đồ; có tổ chức hay phạm tội với người dưới 16 tuổi... thì bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích. 

Theo quy định tại Mục II, Chương 12 Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, đối với các chấn thương tổn thương tháp mũi như gãy, sập xương chính mũi hay vẹo vách ngăn, nếu không ảnh hưởng đến chức năng thở thì mức độ thương tật xác định là 7-9%. 

Trường hợp vết thương ảnh hưởng rõ rệt tới chức năng thở, mức độ tổn thương sẽ ở mức 11-15%. 

Đối với trường hợp trên, những thông tin hiện có cho thấy kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy nạn nhân bị gãy mũi, song chưa xác định chính xác mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Do đó, có thể xảy ra các tình huống như sau: 

Thứ nhất, nếu thương tật ở mức 7-9%, cơ quan điều tra sẽ đánh giá hành vi của Trang có thuộc tình tiết định khung "có tính chất côn đồ" hay không. Nếu thuộc tình tiết này, cộng với việc nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự, có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, trách nhiệm hình sự sẽ được miễn trừ. Khi đó, hành vi xâm phạm sức khỏe người khác chỉ bị xử phạt hành chính.

Thứ hai, nếu thương tật ở mức 11-15% và hành vi không có tính chất côn đồ, cộng với việc nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự, cũng có thể xem xét trách nhiệm theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu hành vi được xác định có tính chất côn đồ, cơ quan công an sẽ xem xét trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật này. Khi đó, việc khởi tố vụ án không phụ thuộc vào việc bị hại có đơn yêu cầu hay không. 

Tối 30/12/2024, Trang chạy xe máy chở anh Ngô Thành Tiến (SN 1988, ngụ TP Thủ Đức), khi đến chắn gác tàu hỏa km 1717+600 phường Hiệp Bình Chánh, Trang gặp tàu hỏa di chuyển đến, nhân viên Hoàng Thị Bình thực hiện nhiệm vụ chắn barie gác tàu hỏa đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.

Lúc này, một đôi nam nữ bị vướng lại bên trong, bà Bình nói đợi tàu qua rồi mở chắn cho đi. Sau đó, một thanh niên mặc áo GrabBike đứng cạnh gác chắn dùng tay nâng rào chắn lên để đôi nam nữ chạy xe vào hướng chùa Ưu Đàm, nên bà Bình yêu cầu nam thanh niên dừng lại và xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau.

Lúc này, Trang đậu xe cạnh gác chắn lên tiếng: "Cho người ta qua, làm gì mà ghê vậy". Khi đó, bà Bình đáp lời: "Bà biết gì mà nói, bà im lại đi". Nghe vậy, Trang bực tức nên lao vào đánh bà Bình đến khi được mọi người can ngăn.

Nạn nhân sau đó đến Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu rồi đến Công an phường Hiệp Bình Chánh trình báo và có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Trang. Tại cơ quan điều tra, Trang thừa nhận hành vi như trên.