Cần thay đổi cách đối xử ở môi trường Đại học

Đọc bài “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/2008/8/245674.vip">Tương lai giảng viên trẻ rồi sẽ về đâu?</a>”, tôi rất thông cảm và hiểu tâm trạng của tác giả, muốn chia sẻ nỗi niềm tâm tư và những điều bức xúc đã nêu trong bài về cách thức quản lý và đối xử với giảng viên trẻ ở Đại học.

Họ là những người có trình độ học vấn, thường là tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, có người đã tốt nghiệp thạc sĩ từ nước ngoài trở về, lại yêu nghề dạy học, có lương tâm và mong muốn được lao động chân chính và cống hiến sức mình, song bị đối xử không bình đẳng, bị coi thường và phủ nhận những ưu điểm của tuổi trẻ một cách phũ phàng, không thương tiếc, và hết sức phi lý.

Quả thực cách đối xử đó như một gáo nước lạnh giội lên bầu nhiệt huyết, gây nên sự chua chát, đau lòng không những cho thân phận mình, mà còn cho cả xã hội. Đúng là vậy, nhưng biết làm sao?! Vì tôi nghĩ rằng đó không phải là lỗi của từng cá nhân mà có tính thâm căn cố đế trong suy nghĩ và cung cách làm việc của thời “quan liêu bao cấp” và còn thấy rơi rớt ở nhiều cơ quan nhà nước như bạn nói, nó không hợp với xu hướng thời đại mới, và chưa có cách gì “bẩy” được nó đi. Tôi đã từng rất buồn và chua chát như vậy khi rơi vào hoàn cảnh tương tự với tác giả viết bài nói trên.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi nghĩ rằng, có thể nhà nước chưa thực sự có được một chính sách đãi ngộ đúng mức đối với lực lượng trí thức trẻ, nhưng cái quan trọng hơn cả chính là thái độ cư xử, cái tư tưởng thâm căn cố đế kia theo kiểu của thời quan liêu bao cấp của nhiều "lão làng", lại giữ vị trí chủ chốt, như một căn bệnh "truyền nhiễm" vẫn là một lực cản lớn cho sự tiến bộ của xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các trường đại học...

Thật đáng lo ngại cho tương lai nền khoa học và giáo dục nước nhà. Tôi cũng rất mong "Nghị quyết TƯ7" của Đảng như LTS Dân trí đã phân tích, nhanh chóng được cụ thể hoá bằng những cơ chế, chính sách phù hợp để khắc phục kịp thời cái xu hướng tiêu cực đó.
Hiện nay, tôi nghĩ rằng, có không ít giảng viên đại học và cao đẳng cũng muốn "đổi nghề", "rẽ ngang" nhưng có lẽ đang ở thế "dùng dằng nửa ở nửa về" giữa ngã ba đường vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trước hết là lòng yêu nghề, yêu những sinh viên đang gửi gắm lòng tin vào mình.

Còn tôi thì đã  "chuyển nghề", không còn chờ được đến khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp từ phía nhà nước. Mặc dù vậy, tôi vẫn rất yêu nghề dạy học.

Thanh Tâm


LTS Dân trí - Bài viết trên đây của một giảng viên trẻ tuy đã chuyển sang ngành khác nhưng vẫn yêu nghề dạy học và muốn đóng góp một tiếng nói cảm thông với sự trăn trở của một đồng nghiệp về cách đối xử cũng như chính sách đãi ngộ còn nhiều bất hợp lý đối với những cán bộ mới vào nghề ở các trường đại học.

Theo tác giả bài viết, nguyên nhân của tình trạng đó là do cách thức quản lý của các trường đại học chưa có sự đổi mới cơ bản, vẫn còn mang nặng tính chất của thời “quan liêu bao cấp”. Phải sửa từ cái gốc này, mới thực hiện được tinh thần “trọng dụng trí thức” như Nghị quyết TƯ 7, trong đó phải thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với lực lượng trí thức trẻ, đặc biệt là môi trường đại học vì ở đây đang thiếu hụt nghiêm trọng những người thầy có đủ trình độ chuyên môn và yêu nghề.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm