Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa:

Bức tâm thư gửi Bộ trưởng LĐTB&XH chưa được trả lời

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải “Bức tâm thư gửi Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội” của bà Trần Thị Liên, 84 tuổi, mẹ của thiếu tá Trần Duy Nghĩa đã nhận được sự chia sẻ của đông đảo bạn đọc cả nước.

Ngay sau khi Cục Người có công (Bộ Lao động TB&XH) khẳng định trường hợp hy sinh của Thiếu tá Công an Trần Duy Nghĩa không thuộc diện được công nhận liệt sĩ,  Báo Dân trí đã nhận được hàng ngàn ý kiến chia sẻ với nỗi đau gia đình đồng chí Nghĩa phải trải qua, rất nhiều ý kiến đề nghị Bộ Lao động TB&XH xem xét công nhận liệt sĩ với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa để ghi nhận phần đóng góp xương máu cho sự nghiệp bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
 
Quá hụt hẫng trước cách giải quyết của cơ quan chức năng, ngày 14/8/2012, thông qua báo Dân trí, bà Trần Thị Liên, 84 tuổi là mẹ của Thiếu tá Trần Duy Nghĩa đã gửi bức tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ đối với người con đã hy sinh.
 
Đông đảo bạn đọc đề nghị công nhận liệt sĩ đối với  Thiếu tá Nghĩa
Đông đảo bạn đọc đề nghị công nhận liệt sĩ đối với  Thiếu tá Nghĩa

Bức thư có đoạn viết: “Đám tang con tôi đã được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các ban ngành đoàn thể của tỉnh, của TX Nghĩa Lộ. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã trực tiếp tổ chức lễ tang trọng thể, phát động công an học tập gương chiến đấu của Thiếu tá Nghĩa. Sự quan tâm của địa phương, của bà con cô bác láng giềng đã giúp tôi gắng gượng để sống. Nhưng nỗi đau ấy trong tôi và gia đình đã không thể nguôi ngoai, lắng dịu; linh hồn Thiếu tá Nghĩa vẫn chưa thể siêu thoát, khi mà tâm nguyện của gia đình tôi, của đông đảo bà con nhân dân Nghĩa Lộ, của Công an tỉnh Yên Bái, của Bộ Công an, …là sự hy sinh của Thiếu tá Nghĩa được nhà nước ghi nhận xứng đáng bằng tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, vẫn chưa được giải quyết. Thời gian qua, người mẹ già này đã nhiều tháng ngày chống gậy đến kêu các cửa quan, mong tìm sự công bằng cho con.

Với tôi, việc Thiếu tá Nghĩa được công nhận liệt sỹ là niềm động viên lớn lao cuối cùng trong cuộc đời này, là liều thuốc bổ không có gì tốt hơn với tôi lúc sắp về với tổ tiên. Tâm nguyện cuối cùng tôi có thể làm để khi về với đất được thanh thản là đây. Với các con của Thiếu tá Nghĩa, vì tự hào về truyền thống gia đình mà phát triển đúng hướng, khi không còn được sự dạy bảo của bố.

Chồng tôi là bộ đội chống Pháp, nay đã mất, tôi sống cùng vợ chồng em Nghĩa, trông vào đồng lương của em. Hoàn cảnh gia đình Nghĩa rất khó khăn, các con đang tuổi ăn học, vợ Nghĩa không có công ăn việc làm, ngày ngày vẫn phải bươn chải bán từng mớ rau, con cá nơi ngã ba đường, chắt bóp góp vào với lương của Nghĩa để nuôi cả gia đình cùng mẹ già. Nghĩa mất đi, gia đình tôi thật chông chênh, khó khăn chồng chất khó khăn”.

Với nỗi đau của người mẹ mất con, thêm một lần nữa bà Trần Thị Liên kiến nghị: “Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên Bộ trưởng đèn trời soi xét. Tôi đến nay đã ở độ tuổi gần đất xa trời này cầu xin Bộ trưởng, với tấm lòng của một người mẹ, xin Bộ trưởng hãy có những biện pháp cần thiết giúp tôi tìm lại công bằng cho em Nghĩa, cũng là một việc thiện, việc phúc Bộ trưởng tạo cho cuộc đời này...”.

Sau khi lá thư được đăng tải, ngày 16/8/2012, PV Dân trí đã đến Bộ Lao động TB&XH để ghi nhận quan điểm của lãnh đạo Bộ về lời đề nghị khẩn thiết và rất chính đáng của một người mẹ mất con. Trao đối với PV Dân trí, đại diện Bộ Lao động TB&XH khẳng định lãnh đạo Bộ đều đã nắm bắt được nội dụng vụ việc, cùng bức tâm thư của bà Trần Thị Liên đăng trên báo Dân trí. Tuy nhiên, hiện Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh phụ trách mảng công việc này đang đi công tác tại các tỉnh miền núi nên chưa thể trả lời chính thức vấn đề này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương