Có đủ cơ sở xác nhận Liệt sỹ đối với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, công tác tại Công an phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ vào ngày 4/2/2011 đến nay chưa được công nhận Liệt sỹ.

Có đủ cơ sở xác nhận Liệt sỹ đối với đồng chí Thiếu tá Trần Duy Nghĩa
Luật sư Trương Anh Tú: "Bản chất sự việc là phù hợp để công nhận liệt sỹ cho đồng chí Nghĩa, cái thiếu có chăng cũng chỉ thuần tuý là thủ tục, chúng ta có thể hoàn thiện được"
 
Phần đông độc giả đồng tình với việc nên phong danh hiệu Liệt sĩ cho một chiến sỹ công an dũng cảm, hy sinh tính mạng vì an toàn của đồng đội trong khi làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần, người mẹ già đã 84 tuổi của Thiếu tá Nghĩa gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền về việc xem xét phong danh hiệu Liệt sĩ cho con trai, đến nay bà mới chỉ được biết “Thiếu tá Nghĩa không đủ điều kiện để được xét là Liệt sỹ” qua trả lời phỏng vấn trên Báo Dân trí của cán bộ Cục Người có công - Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Để có cái nhìn khách quan nhất, phóng viên Báo Dân trí đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luậ sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.  Hà Nội) về sự việc  trên:

Xin ông cho biết pháp luật quy định như thế nào về điều kiện để được xét công nhận là Liệt sỹ đối với trường hợp chiến sỹ công an hy sinh khi đang làm nhiệm vụ?

Các trường hợp đủ điều kiện xác nhận là Liệt sĩ được quy định tại Điều 3 Mục 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng. Cụ thể đó là những trường hợp hy sinh khi:

“1. Chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng, lùng bắt gián điệp, biệt kích.

Trực tiếp phục vụ chiến đấu: tải đạn, cứu thương, tải thương, bảo đảm giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hoá khi địch bắn phá.

2. Được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị nhưng không cứu chữa được.

3. Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

4. Dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

5. Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài.”

Đối với chiến sỹ công an làm nhiệm vụ hy sinh thuộc một trong các trường hợp nêu trên cũng thuộc đối tượng được xét công nhận là Liệt sỹ.

Vậy theo ông, đối với trường hợp Thiếu tá Trần Duy Nghĩa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào ngày 04/02/2012 tại km 201+700 Quốc lộ 32, thuộc địa bàn tổ Cang Nà- phường Trung Tâm - TX Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái, có đủ điều kiện xét công nhận Liệt sỹ không?

Đây cũng là điều dư luận đặc biệt quan tâm và đồng tình với quan điểm công nhận Liệt sỹ đối với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa, cá nhân tôi cũng không nằm ngoài quan điểm đó.

Thực tế cho thấy, Thiếu tá Nghĩa hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ có sự phân công chỉ đạo của cấp trên và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi không chỉ bảo vệ hiện trường vụ án mà còn ngăn chặn hậu quả đáng tiếc của hành vi nguy hiểm cho xã hội đang trực tiếp đe dọa đến an toàn tính mạng cho đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ. Điều này có đủ cơ sở xác định điều kiện để xác nhận Liệt sỹ đối với đồng chí Nghĩa theo quy định tại các khoản 3, khoản 4, Điều 3, Mục 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP nêu trên.

Ông có suy nghĩ gì khi tâm nguyện của mẹ Thiếu tá Nghĩa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng, cụ thể là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xét công nhận Liệt sĩ đối với Thiếu tá Nghĩa?

Đứng ở vị trí của một Luật sư, tôi nhận thấy, pháp luật cần phải có đủ hai yếu tố lý và tình thì pháp luật đó mới thực sự đủ mạnh.

Cái lý thể hiện ở việc theo quy định của pháp luật, đồng chí Nghĩa hoàn toàn có đủ điều kiện để được công nhận là Liệt sĩ, còn cái tình là khi sự hy sinh quả cảm của đồng chí được Tổ quốc ghi công, được đồng đội noi gương và được nhân dân nhớ đến. Điều đáng nói hơn cả đó là sự đền đáp lớn lao, bù đắp mất mát to lớn cho mẹ, vợ, các con của đồng chí, là động lực để cả gia đình đồng chí vượt lên khó khăn ổn định cuộc sống.    

Bên cạnh đó, khi sự hy sinh của một chiến sỹ công an được Đảng, Nhà nước ghi nhận như một chiến công xuất sắc khi phục vụ nhân nhân, phụng sự tổ quốc, đó sẽ là động lực vô cùng to lớn thôi thúc ý chí xả thân vì nghĩa của những lớp người đã, đang và sẽ đi theo con đường bảo vệ Tổ quốc.

Bản chất sự việc là phù hợp để công nhận liệt sỹ cho đồng chí Nghĩa, cái thiếu có chăng cũng chỉ thuần tuý là thủ tục, chúng ta có thể hoàn thiện được.

Tôi cũng như các độc giả gần xa, mong rằng cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết một cách thâu đáo, trên cơ sở có lý có tình.
 
"Với tôi, việc Thiếu tá Nghĩa được công nhận liệt sỹ là niềm động viên lớn lao cuối cùng trong cuộc đời này, là liều thuốc bổ không có gì tốt hơn với tôi lúc sắp về với tổ tiên. Tâm nguyện cuối cùng tôi có thể làm để khi về với đất được thanh thản là đây. Với các con của Thiếu tá Nghĩa, vì tự hào về truyền thống gia đình mà phát triển đúng hướng, khi không còn được sự dạy bảo của bố.
Chồng tôi là bộ đội chống Pháp, nay đã mất, tôi sống cùng vợ chồng em Nghĩa, trông vào đồng lương của em. Hoàn cảnh gia đình Nghĩa rất khó khăn, các con đang tuổi ăn học, vợ Nghĩa không có công ăn việc làm, ngày ngày vẫn phải bươn chải bán từng mớ rau, con cá nơi ngã ba đường, chắt bóp góp vào với lương của Nghĩa để nuôi cả gia đình cùng mẹ già. Nghĩa mất đi, gia đình tôi thật chông chênh, khó khăn chồng chất khó khăn.
Mấy hôm rồi, tôi lại nghe thông tin của cán bộ Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH trả lời báo chí, rằng cái chết của con tôi chưa đủ điều kiện xét là liệt sỹ.
Tôi đã suy sụp hoàn toàn, không thể tin vào tai, vào mắt mình nữa. Bà con dân phố lại đến động viên. Họ bức xúc, nhiều người đã tìm đọc Pháp lệnh ưu đãi người có công và Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh người có công với cách mạng. Nhiều người khẳng định đối chiếu theo các điều kiện để xét công nhận liệt sỹ, thì trường hợp hy sinh của em Nghĩa hoàn toàn xứng đáng.
Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên Bộ trưởng đèn trời soi xét.
Tôi đến nay đã ở độ tuổi gần đất xa trời này cầu xin Bộ trưởng, với tấm lòng của một người mẹ, xin Bộ trưởng hãy có những biện pháp cần thiết giúp tôi tìm lại công bằng cho em Nghĩa, cũng là một việc thiện, việc phúc Bộ trưởng tạo cho cuộc đời này. (Trích bức tâm thư gửi Bộ trưởng LĐTB&XH của bà Trần Thị Liên, 84 tuổi)
 
Xin cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)