Bài 1:

Bất cập pháp lý quanh việc kiện đòi sổ đỏ bị người khác chiếm giữ trái phép

(Dân trí) - "Do có sự chưa thống nhất trong nhận thức pháp luật nên yêu cầu đòi sổ đỏ vẫn có tình trạng Tòa án từ chối thụ lý giải quyết hoặc tòa sơ thẩm thụ lý nhưng tòa phúc thẩm thì hủy, đình chỉ giải quyết".

Từ năm 2011 đến nay, việc tuy tranh chấp trong việc cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không nhiều nhưng lại khá phức tạp vì không được Tòa án thụ lý. Cơ quan công an cũng không giải quyết vì cho rằng loại giấy này không phải là tài sản. Để làm rõ tình huống pháp lý này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Lực cho rằng: "Xuất phát từ quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 quy định Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Với quyền tài sản, điều 181 Bộ luật dân sự năm 2005 chỉ quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất". Như vậy sổ đỏ là chứng thư pháp lý không phải là tài sản.

Bất cập pháp lý quanh việc kiện đòi sổ đỏ bị người khác chiếm giữ trái phép - 1

Luật sư Quách Thành Lực phân tích pháp lý tình trạng bị chiếm giữ trái phép sổ đỏ.

Từ đó dần hình thành quan điểm rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản, không phải giấy tờ có giá, chẳng phải quyền tài sản nên đương nhiên không phải đối tượng bảo vệ bằng hoạt động tố tụng tại tòa án.

Đặc biệt năm 2011 vấn đề này được khẳng định cụ thể tại Mục 3 Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Theo đó tòa án không thụ lý giải quyết, đang thụ lý thì đình chỉ giải quyết với yêu cầu đòi sổ đỏ. Tòa án phải hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp giấy tờ nêu trên phải trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với loại giấy tờ đó. Trong trường hợp giấy tờ bị mất thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với loại giấy tờ nêu trên có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy tờ bị mất theo quy định của pháp luật.

Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cởi bỏ nút thắt.

Ghi nhận vấn đề bức xúc của người dân về việc đòi lại sổ đỏ không được cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, Ban soạn thảo soạn thảo Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã trình và được Quốc hội thông qua để luật hóa và thống nhất về nhận thức, áp dụng pháp luật xác định sổ đỏ là quyền tài sản, quyền đòi sổ đỏ bị chiếm giữ phải được Tòa án thụ lý giải quyết.

Cụ thể điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Với nội dung này Bộ luật dân sự năm 2015 khẳng định Sổ đỏ là quyền tài sản.

Khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định: "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng ".Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015 quy định: " Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định".

Như vậy, cả BLDS 2015 và BLTTDS 2015 đều quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 BLDS 2015 cũng quy định: "Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài".

Do vậy, nếu chủ sử dụng đất, chủ sở hữu khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận thì Tòa án phải thụ lý, giải quyết.

Thực tiễn giải quyết việc đòi lại giấy chứng nhận bị chiếm giữ hiện nay.

Do có sự chưa thống nhất hoàn toàn trong nhận thức pháp luật nên thực tiễn với yêu cầu đòi giấy chứng nhận vẫn có tình trạng tòa án từ chối thụ lý giải quyết hoặc tòa sơ thẩm thụ lý nhưng lên tòa phúc thẩm thì bị hủy, đình chỉ giải quyết.

Hoặc tình trạng những người khởi kiện trước đây bị tòa án trả lại đơn khởi kiện, bị đình chỉ giải quyết không nắm được các quy định pháp luật mới mà khởi kiện lại vụ án theo quy định tố tụng hiện tại. Họ chấp nhận buông xuôi hoặc tìm những giải pháp thiếu tích cực, thậm chí là trái pháp pháp luật để có được sổ đỏ.