Bài 2:
"Bi kịch" tranh chấp nhà thờ họ: Khổ tâm người sống, đau lòng tổ tiên
(Dân trí) - "Sự thật về nhà, đất thờ tự sẽ được làm sáng tỏ bằng bản án. Tuy nhiên, hoạt động tố tụng này thường kéo dài tối thiểu 6 tháng kèm theo đó là những va chạm, rạn nứt tình cảm trong gia tộc".
Bằng cách truyền nối, quyền sử dụng đất vốn thuộc về của cả dòng họ dần trở thành tài sản của các cá nhân của người trưởng họ. Đây là nguồn gốc nảy sinh các tranh chấp.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Lực cho rằng: "Chỉ vì sự buông lỏng quản lý, sự thiếu rõ ràng của những thế hệ trước phần vì khó khăn tài chính, phần vì chiến tranh loạn lạc mà ở nhiều nơi đất, nhà thờ dòng họ được giao cho một cá nhân trong dòng họ tự quản lý hoặc cho người khác ở nhờ. Sau khi trải qua nhiều năm, nhiều thế hệ tiếp nối như vậy đất, nhà thờ họ dần dần bị lấn chiếm, thay đổi công năng thành của riêng của người đang quản lý. Khi con cháu trong họ thành đạt có lòng kính lễ tổ tiên hoặc mong muốn tu bổ thì không có nơi thực hiện, không có chốn xây dựng.
Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Có dòng họ cứ mỗi tuần rằm, mùng 1 hay lễ, giỗ chạp muốn vào nhà thờ lại phải phá khóa mới có thể vào. Trước khi vào được đất nhà thờ thì phải cãi chửi nhau với người đang ở trên đất mới dâng lễ, kính vái tổ tiên được.
Một số người trong dòng họ quá bức xức, không còn con đường nào khác phải bí mật vào nhà thờ bị khóa, nhà riêng của người chiếm đất để bê trộm lại đồ thờ của dòng họ bị chiếm giữ, khi bị phát hiện bị hô hoán phải bỏ chạy gây náo loán xóm làng. Sự việc còn bị cơ quan công an lập biên bản giải quyết về hành vi ăn trộm đồ thờ của chính dòng họ mình.
Cá biệt có người quản lý đất dòng họ còn nuôi lợn, gà, chăn thả gia súc trong đất, trong nhà nhờ của cả họ, vứt bỏ đồ thờ cúng, hủy hoại các dấu tích lịch sử văn hóa của dòng họ.
Các căn cứ để xác định đất của dòng họ
Đầu tiên cần căn cứ vào giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ khác có giá trị tương đương giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cá nhân hoặc hộ gia đình đang quản lý đất thì cơ hội đòi lại nhà, đất của dòng họ bị hẹp đi rất nhiều.
Tuy hẹp những không đồng nghĩa với không còn khả năng. Thực tế việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể đã được tiến hành không đúng quy định pháp luật khi quy chủ, khi xét duyệt nguồn gốc đất nhầm lẫn. Hoặc các giấy tờ khác như sổ mục kê, bản đồ địa chính trước đây được ghi tên người tại thời điểm đó ở trên đất chứ không có giá trị khẳng định quyền sử dụng đất. Với các giấy tờ này, cần thu thập ý kiến bằng của UBND cấp xã, UBND cấp giấy chứng nhận về giá trị pháp lý giấy tờ do cơ quan đó phát hành. Khi khởi kiện đòi quyền sử dụng đất, người khởi kiện có thể đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên hủy giá trị các giấy tờ trên.
Thứ hai, với nhà, đất chưa có giấy tờ pháp lý ghi nhận quyền sử dụng đất của người hiện đang quản lý.
Khi dòng họ và người hiện đang quản lý đất đều không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào xác định nguồn gốc thửa đất tại UBND cấp xã, huyện, tỉnh cũng không có tài liệu gì xác định được nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp thì cần căn cứ vào lời khai của các bên đương sự, lời khai của người làm chứng và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xem xét nguồn gốc thửa đất, nguồn gốc nhà thờ đang có tranh chấp.
Tòa án sẽ tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ với nhà, đất đang tranh chấp. Hoạt động tố tụng này Tòa án sẽ đánh giá kiến trúc nhà thờ, bài trí trong nhà có bệ thờ, dường cột thờ , các đồ thờ, bài vị, đồ thờ tự, bài vị, bát hương Hoành phi, câu đối, văn bia, di chỉ, các vật, vết tích. Trường hợp trên các vật phẩm có chữ Nôm thì cần có bản dịch, ý kiến chuyên môn của Viện nghiên cứu Hán Nôm với những nội dung được ghi trên đó. Qua đó đi đến nhận định dòng họ đó có nhà thờ hay không, công trình đó có phải nhà thờ hay không.
Tòa án thu thập Gia phả, bút tích, nơi làm chứng của các cụ cao niên về nguồn gốc nhà, đất để khẳng định đất đó thuộc về ai.
Nhà, đất này trước đây có từng được sử dụng vào việc của dòng họ, thực hiện tế lễ, cưới con trai, con gái có mang lễ đến nhà thờ kính báo tổ tiên không. Trải qua thời kỳ cải cách ruộng đất nếu đất nhà thờ, đất thờ cùng thì không bị thu mà còn được chăm sóc, tu bổ bảo vệ.
Ngoài ra Tòa án còn xem xét ý kiến, sự khẳng định của Nguyên đơn, bị đơn để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Hàn gắn rạn vỡ tình cảm, gắn kết gia tộc
Sự thật về nhà, đất thờ tự sẽ được làm sáng tỏ bằng bản án. Tuy nhiên, thường hoạt động tố tụng này kéo dài tối thiểu 6 tháng kèm theo đó là những va chạm, rạn nứt tình cảm trong gia tộc.
Do vậy tốt nhất hai bên nên thương lượng thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ việc một cách chủ động. Để thương lượng hòa giải được các bên cần đề cao thiện chí, cân đối quyền lợi của dòng họ và lợi ích người hiện đang quản lý nhà, đất. Người quản lý đất cũng có công sức duy trì, tôn tạo bảo vệ nên cần được hưởng một phần đất hoặc được đổi cho một phần đất nơi khác.
Cái đích xây dựng thờ họ để có nơi chốn phụng thờ tiên tổ, có nơi con cháu quần tụ về kính lễ, xây dựng văn hóa đoàn kết, gắn bó trọng dòng họ cần được đề cao trong tranh chấp dạng này.