Bài 1:

"Bi kịch" tranh chấp nhà thờ họ: Cách dùng luật hóa giải ra sao?

(Dân trí) - "Bằng cách truyền nối, quyền sử dụng đất vốn thuộc về của cả dòng họ dần trở thành tài sản của các cá nhân của người trưởng họ. Đây là nguồn gốc nảy sinh các tranh chấp".

Nhà thờ họ là một ngôi nhà được xây dựng riêng biệt với nhà ở nằm thờ cúng các vị tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng họ bên cha) và ghi danh các vị anh hùng, những người có công với dòng họ, với đất nước. Vì vậy, nhà thờ họ luôn giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa thờ phụng ở nước ta. Theo phong tục, tập quán, các dòng họ của Việt Nam thường hình thành một quỹ đất để xây dựng nhà thờ làm nơi họp bàn, cúng tế, gặp gỡ của cả dòng họ.

Tuy nhiên do suy nghĩ đơn giản, thiếu tính rõ ràng mà quyền sử dụng đất của dòng họ theo tục lệ được giao cho những người trưởng họ quản lý, sử dụng. Vai trò trưởng họ được chuyển giao với hình thức cha truyền con nối qua nhiều đời trong gia đình người trưởng họ. Bằng cách truyền nối như vậy, quyền sử dụng đất vốn thuộc về của cả dòng họ dần trở thành tài sản của các cá nhân của người trưởng họ. Đây là nguồn gốc nảy sinh các tranh chấp giữa thành viên tộc họ và cá nhân của người trưởng họ.

Bi kịch tranh chấp nhà thờ họ: Cách dùng luật hóa giải ra sao? - 1

Luật sư Quách Thành Lực bày cách hóa giải tranh chấp nhà thờ họ.

Để giải quyết vấn đề tranh chấp này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Lực cho rằng: "Các thành viên trong dòng họ rất cần làm rõ quyền sở hữu, giải quyết các tranh chấp, điểm còn mập mờ về quyền, nghĩa vụ giữa người trưởng tộc và thành viên của dòng họ".

Cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên dòng họ.

Theo luật sư Lực, khi Giấy chứng nhận đất được cấp cho dòng họ thì việc sử dụng đất này sẽ phải tuân thủ những hạn chế về quyền như:  "Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất"(Khoản 2 điều Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất). Đây là một hạn chế giúp đất của dòng họ được duy trì đời này qua đời khác, không bị thất tán.

Nên kiểm tra các tài liệu địa chính tại địa phương như sổ địa chính, sổ mục kê, sổ kiến điền, bản đồ địa chính các thời kỳ để xác định nguồn gốc đất người sử dụng đất. Tìm lại gia phả, ước tộc, các văn bản họp bàn liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất người sử dụng đất; xác định thực tế sử dụng đất. Dựa trên các tài liệu này, dòng họ sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 5 điều 100 Luật đất đai năm 2013 quy định: "Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi nhận một người là đại diện cả dòng họ đứng ra quản lý, sử dụng thay mặt cả dòng họ theo quy định tại khoản 3 điều 7 Luật đất đai năm 2013: "Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư".

Sử dụng hoạt động tố tụng để phần định rõ ràng quyền sử dụng đất thuộc về dòng họ

Luật sư Lực phân tích: "Nếu đất đã được cấp giấy chứng nhận cho cá nhân thì quyền sử dụng dựa trên giấy tờ này các thành viên dòng họ có thể bị tước quyền sử dụng, khai thác diện tích đất này bất cứ khi nào.

Nếu không thể thương lượng được với người trưởng họ về việc xác định lại quyền sử dụng đất thì cần phải khởi kiện ra tòa để có Bản án xác định rõ ràng quyền sử dụng đất thuộc về ai.

Việc các thành viên dòng họ cần làm là cần xác minh nguồn gốc đất bằng cách thu thập các bằng chứng như đã đề cập ở phần trên sau đó thực hiện bước hòa giải tranh chấp đất tại UBND cấp xã, tiếp đó khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ- HĐTP"Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ". Những nội dung hướng dẫn cụ thể này hứa hẹn sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc các thủ tục, trình tự tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp tài sản dòng họ, rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ án dạng này.

Hiện nay các dòng họ có con cháu đỗ đạt cao, thành công trong cuộc sống quan tâm dốc công, dốc sức tu bổ xây dựng nhà thờ to đẹp, bề thề. Tuy nhiên phần nhiều vẫn rất duy tình, chung chung đại khái nên không phân định rõ quyền sử dụng nhà thờ bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dần dần mọi công sức tu bổ nhà thờ để làm nơi gắn kết dòng họ, phụng thờ tổ tiên, vinh danh dòng họ bị đổ vỡ hoàn toàn bằng một vụ tranh chấp đánh mất toàn bộ công sức bao đời để lại. Do vậy việc chủ động phần định, rõ ràng về quyền sử dụng đất dòng họ, nhà thờ họ là điều tối quan trọng cần được các dòng họ quan tâm hàng đầu khi giành đất xây dựng, tu bổ nhà thờ họ".