Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Bài 20: Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

(Dân trí) – Trước vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình chưa được xử lý dứt điểm, đã đến lúc Thanh tra Chính phủ nên tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc trên, cũng như thanh tra khối ngân sách khổng lồ hàng nghìn tỷ của Nhà nước dành trợ giá xe buýt tại Hà Nội từ nhiều năm qua có được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Hình ảnh các bãi xe dù cạnh bến xe Mỹ Đình trước khi báo Dân trí phản ánh tình trạng vỡ trận
Hình ảnh các bãi xe dù cạnh bến xe Mỹ Đình trước khi báo Dân trí phản ánh tình trạng "vỡ trận"
 
Đến nay, sau 19 bài phản ánh về những dấu hiệu tiêu cực trong việc chấp thuận cho xe vào bến và bố trí giờ xuất bến (nốt) tại bến xe Mỹ Đình đã nhận được sự chia sẻ của đông đảo bạn đọc trong cả nước, và các cơ quan chức năng.

Ngày 28/5/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban ATGTQG vào cuộc, phối hợp giải quyết tình trạng trên.

Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 tháng kể từ ngày Phó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, tình trạng xe dù, bến cóc, ùn tắc giao thông, xe chạy xuyên tâm, và tình trạng “vỡ trận” với 525 lượt xe tại bến Mỹ Đình vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mặt khác, công văn số 110A ngày 21/6/2013 của UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng có nhiều nội dung không đúng sự thật.
 
Bài 20: Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mới ký văn bản số 110A báo cáo Thủ tướng chậm 6 ngày (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

“Vỡ trận” vì quan hệ “chỗ nọ, chỗ kia”

Sau khi tìm hiểu thực tế, Báo Dân trí nhận định rằng, để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy xuyên tâm Thành phố và việc quá tải gây mất an ninh trật tự, An toàn và ùn tắc giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình bắt nguồn từ một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là sự bất cập trong việc chấp thuận cấp phép cho xe vào bến Mỹ Đình khai thác.
 
Những bất cập cụ thể là: Cấp phép không căn cứ quy hoạch luồng tuyến; Cấp phép cho xe vào bến không căn cứ công suất bến xe; Cấp phép cho xe vào bến chỉ dựa trên quan hệ "này, nọ"- như lời ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình đã phát biểu trên báo chí.

Bản chất của những bất cập này xuất phát từ lợi ích cá nhân và "lợi ích nhóm" của những cán bộ, công chức liên quan đến cấp phép vào bến hoặc điều tiết luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh ở các bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội.

Để chứng minh cho nhận định trên, PV Dân trí xin viện dẫn bằng các văn bản dưới đây:

Năm 2003, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 165/2003/QĐ-UB ngày 2/12/2003 về việc "Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020". Theo đó đã xác định vị trí các bến xe khách liên tỉnh và quy định hướng các luồng khách từ các tỉnh ra vào Thành phố Hà Nội.

Năm 2006, Sở GTVT Hà Nội căn cứ quy hoạch số 165/2003/QĐ-UB đã ban hành văn bản số 4023/GTCC-VTCN ngày 27/12/2006 về "Định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tai các bến xe năm 2007 trên địa bàn TP. Hà Nội". Theo đó quy định về luồng tuyến và công suất bến xe như sau:

Các tuyến xe phía Nam: tổ chức tại các Bến xe Giáp Bát (Công suất 900 lượt xe/ngày); Nước Ngầm (Công suất 350 lượt xe/ngày), Lương Yên (Công suất 500 lượt xe/ngày).
 
Các tuyến phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam: tổ chức tại BX Mỹ Đình (Công suất 800 lượt xe/ngày).

Các tuyến phía Bắc, Đông, Đông Bắc: tổ chức tại BX Gia Lâm (Công suất 600 lượt xe/ngày), Lương Yên (công suất 500 lượt xe/ngày). 

Tại thời điểm ban hành văn bản số 4023/GTCC-VTCN, Hà Nội có 05 bến xe khách liên tỉnh: Phía Đông có bến xe Lương Yên, Gia Lâm; phía Nam có bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm; phía Tây có bến xe Mỹ Đình và hai bến xe Hà Đông, Trạm đón trả khách Thanh Xuân đi hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La và cuối năm 2009, bến xe Yên Nghĩa đưa vào sử dụng với công suất gần 2.000 lượt xe/ngày.

“Cố tình” không thực hiện quy hoạch

Mặc dù đã ban hành quy hoạch số 4023/GTCC-VTCN ngày 27/12/2006, nhưng Sở GTVT Hà Nội "cố tình"  không thực hiện. Sự "cố tình" được thể hiện như sau:

Sở GTVT Hà Nội biết bến xe Mỹ Đình (ra đời năm 2004) ở phía Tây, công suất 800 lượt xe/ngày nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn chấp thuận cho xe trái tuyến từ phía Nam (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, v.v) vào bến. Mặt khác, khi giải tỏa bến xe Hà Đông và Trạm đón khách Sơn La tại Thanh Xuân, xe của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên lẽ ra theo quy hoạch phải vào bến xe Yên Nghĩa (10/2009 đã đưa vào khai thác) nhưng vẫn được chấp thuận vào bến xe Mỹ Đình.

Sở GTVT Hà Nội biết rằng vào thời điểm cuối năm 2009, bến xe Mỹ Đình đã phải đón tới 1.112 lượt xe /ngày (công suất thiết kế 800 lượt xe/ngày); và biết rằng sẽ quá tải hơn nữa nên đã phải ban hành thông báo số 1382/TB-GTVT ngày 14/10/2009. Theo đó, từ ngày 14/10/2009, tạm thời không bổ sung mới, đăng ký mới phương tiện phía Nam, Đông Nam thành phố Hà Nội vào bến xe Mỹ Đình. Nhưng sau khi ban hành thông báo trên, số lượt phương tiện vào bến xe Mỹ Đình không giảm mà còn tăng từ 1.112 lượt xe/ngày (năm 2009), lên tới gần 1600 lượt xe/ngày (thống kê của Sở GTVT vào tháng 7/2013), tăng gần 500 lượt xe/ngày.

Tháng 4/2013, Sở GTVT Hà Nội ban hành phương án số 391 điều chuyên trên 525 lượt xe đi các bến xe khác để giảm tải bến Mỹ Đình và sau nhiều kế hoạch, nhiều cuộc họp để cuối cùng chỉ chuyển trên 52 lượt xe/ngày.
 
Trao đổi với PV
Trao đổi với PV Dân trí, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Báo Dân trí cần phải tiếp tục phản ánh vấn nạn xe dù, bến cóc, tình trạng quá tải tại bến xe Mỹ Đình để các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết triệt để (Ảnh: Thanh Liêm)

Không thiếu chỗ đỗ xe ở các bến đã được quy hoạch

Thực tế, như Dân trí đã nhiều lần nhấn mạnh trong các bài viết trước: Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội không thiếu chỗ đỗ xe khách (như báo cáo của Sở GTVT Hà Nội). Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, tổng số lượt phương tiện vận tải khách liên tỉnh/ngày tại 6 bến xe khách liên tỉnh của Thành phố vào những ngày cao điểm (gồm các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Lương Yên) là 3.630 lượt xe/ngày, trong khi đó tổng công suất thiết kế của 6 bến xe là 5.150 lượt xe/ngày (Như vậy các bến xe khách trên còn chứa được gần 1.600 lượt xe/ngày).  Dưới đây là bảng tổng hợp các số liệu theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội:

 TT

Tên bến xe

Tổng diện tích (m2)

Công suất bến xe

Công suất  quy họach (lượt xe/ngày)

Công suất  thực tế (lượt xe/ngày)

1

Mỹ Đình

19.812

800

950 đến 1.233

2

Giáp Bát

36.480

900

830 đến 850

 

3

Gia Lâm

13.935

600

530 đến 550

 

4

Nước Ngầm

10.300

350

135 đến 170

 

5

Yên Nghĩa

69.800

2000

280 đến 310

6

Lương Yên

5.767 (DT bến đã thu hẹp)

500

300

 

 

 

 

5.150

3.025 đến 3.463

 

Loạn quá sinh bối rối

Sở GTVT Hà Nội thừa biết chỉ cần giảm trên 500 lượt xe/ngày đã có thể kiểm soát được tình hình ở bến xe Mỹ Đình, và biết rõ tổng công suất theo thiết kế của các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội (trên 5.000 lượt xe/ngày) còn dư trên 1000 lượt xe/ngày so với công suất tối đa thực tế hiện nay (trên 3.600 lượt xe/ngày), nhưng lại báo cáo UBND Thành phố Hà Nội là đang thiếu bến xe, để đề nghị UBND TP. Hà Nội phê duyệt xây mới 2 bến xe tạm ở phía Bắc và phía Nam Thành phố (không có trong quy hoạch của Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt), mở rộng bến xe Mỹ Đình và làm điểm trung chuyển khách tại bến xe buýt Nam Thăng Long.

Việc làm trên đã gây lãng phí tài sản xã hội, gây xáo trộn mạng lưới giao thông thủ đô; không có tác dụng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, mà chỉ là hình thức “đánh bùn sang ao”, chuyển sự phức tạp đó từ nơi này sang chỗ khác; và đặc biệt nguy hiểm là lại chuyển ra mảnh đất 6 ha lưu không nằm kẹt giữa “ma trận” xung đột giao thông đầu cửa ngõ Hà Nội (sát đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến đường vành đai 3...).
 
Trao đổi với PV
UBND TP. Hà Nội muốn lập bến tại nơi không được quy hoạch, ở vị trí xung đột giao thông phức tạp bậc nhất cả nước (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Trả lời trên báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói: “UBND TP Hà Nội cần phát triển bến xe đúng quy hoạch đã được phê duyệt”. Theo ông Thọ, về nguyên tắc, bến xe không thể bố trí sát đường cao tốc vì dễ xảy ra xung đột giao thông.

Vụ trưởng An toàn Giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn, cho biết, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện do Bộ GTVT quản lý. Hà Nội muốn lập bến xe kết nối với tuyến đường này phải lập đề án xin ý kiến của Bộ GTVT, trong đó phải nêu về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông.

Phải chăng Hà Nội tiếp tục lặp lại “vết xe đổ” của những bài học nhãn tiền như Dự án khách sạn SAS tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm thương mại 19-5 tại quận Hoàn Kiếm… khiến báo chí đã phải tốn không ít giấy mực và hệ quả là các công trình phải đình chỉ xây dựng.
 
Trước những diễn biến xấu về bức tranh giao thông Thủ đô như trên, cũng như còn rất nhiều tồn tại từ vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình cần phải được các cơ quan làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xử lý dứt điểm, Ban Biên tập Báo Dân trí đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc trên, cũng như tiến hành thanh tra khối ngân sách khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước dành trợ giá xe buýt tại Hà Nội từ nhiều năm qua có được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm