Bài 18: Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Xử lý kiểu “Đầu voi, đuôi chuột”
(Dân trí) - Như vậy, cho đến thời điểm này mặc dù báo chí đã tốn nhiều giấy mực, các cơ quan chức năng cũng đã họp lên, họp xuống, các văn bản ban hành rất nhiều nhưng kết cục vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình chỉ được giải quyết kiểu “đầu voi, đuôi chuột”.
Sau khi người dân lên tiếng phản ánh tình trạng ô nhiễm, môi trường, xe dù, bến cóc hoạt động công khai xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Ngày 2/4/2013, Sở GTVT Hà Nội đã có tờ trình số 391/TTr-SGTVT do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Quốc Hùng ký gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách với 525 lượt xe ra khỏi bến xe Mỹ Đình.
Thời gian thực hiện việc điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến xe Mỹ Đình dự kiến là ngày 6/5/2013.
Trong khi Sở GTVT có tờ trình rất cụ thể là có đồng ý về phương án giảm tải hơn 525 lượt xe xuất bến/ngày tại bến xe Mỹ Đình? Thì Văn phòng UBND TP. Hà Nội có Công văn số 1605/VP-QHXDGT ngày 18/4/2013 trả lời rất "chung chung" hiểu thế nào cũng được, khiến kế hoạch trên bị "đổ bể":
“UBND TP. Hà Nội nhận được tờ trình số 391/TTr-SGTVT ngày 2/4/2013 của Sở GTVT về việc điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách ra khỏi bến xe Mỹ Đình.
Về việc này, đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có ý kiến như sau: Sở GTVT chủ trì, phối hợp Công an Thành phố và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe dù, vòng vo đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự, cản trở lưu thông tại khu vực bến xe khách thành phố; đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và không gây ùn tắc”.
Trước tình hình “xe xuyên tâm, xe trái tuyến, xe dù, bến cóc”, bất cập, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong việc cấp phép vào bến xe Mỹ Đình liên tục “nóng” trên diễn đàn báo chí. Các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm và phản ánh bóng dáng “nhóm lợi ích” đang cố thủ “chống” chủ trương chung - là tác nhân chính gây ra việc ‘vỡ trận” bến xe Mỹ Đình, gây nhức nhối dư luận, ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các cơ quan này kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2013.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tiếp thu ý kiến phản biện của các cơ quan báo chí, Sở GTVT đã triển khai việc sắp xếp, điều chỉnh lại luồng tuyến vận tải, giảm tải bến Mỹ Đình, xử lý “xe dù”, “bến cóc” đang hoành hành ở nội đô.
Đột nhiên, ngày 10/6/2013, Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội lại có Công văn số 18/2013/HH-CV gửi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đề nghị “hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình” với những lập luận mập mờ, đánh tráo khái niệm, không có cơ sở khoa học và pháp lý, tổ chức trên đã ngang nhiên đề nghị “ngừng việc giảm tải bến xe Mỹ Đình và bố trí luồng tuyến theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc” (!?).
Mặc dù Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2013.
Tại văn bản này UBND TP. Hà Nội thừa nhận tình trạng quá tải của bến xe Mỹ Đình lên đến hơn 400 lượt xe xuất bến/ngày (công suất thiết kế của bến xe Mỹ Đình là 800 lượt xe xuất bến/ngày), nhưng trong cả 7 trang báo cáo, UBND TP. Hà Nội không chỉ rõ trách nhiệm làm “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình thuộc về cá nhân ai? Và đến ngày ký văn bản trên (21/6), bến xe này đã giảm tải được bao nhiêu lượt xe xuất bến?
Trước tình trạng bến xe Mỹ Đình “vỡ trận”, ngày 2/4/2013, Sở GTVT đã có tờ trình số 391/TTr-SGTVT gửi UBND TP. Hà Nội kiến nghị di chuyển 525 phương tiện thuộc 59 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Nhưng đến ngày 18/4/2013, UBND TP. Hà Nội lại ban hành công văn hồi âm không rõ ràng, chỉ nhấn mạnh việc xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, mà không trả lời dứt khoát là có đồng ý, hay bác đề xuất trên của Sở GTVT Hà Nội. Do vậy, cho đến ngày hôm nay kế hoạch di chuyển 525 phương tiện ra khỏi bến Mỹ Đình vẫn chỉ nằm trên giấy. Tuy vậy, tại văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội vẫn không nhìn thẳng vào sự thật này, mà dành hẳn 1 trang giải trình rất chung chung, và rốt cuộc là vẫn không nói rõ là đồng ý hay bác đề xuất di chuyển 525 phương tiện để giảm tải bến xe Mỹ Đình theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội.
Sau khi Báo Dân trí và một số cơ quan báo chí khác phản ánh dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tiếp nhận, bổ sung xe vào bến Mỹ Đình, đáng lẽ ra UBND TP. Hà Nội phải thành lập tổ công tác xác minh cụ thể vấn đề, kết quả ra sao khi đó mới báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Nhưng tại văn bản số 110A, UBND TP. Hà Nội lại dựa vào văn bản số 14/2013/HH-CV ngày 23/5/2013 của Hiệp hội Vận tải (Báo Dân trí đã có bài phân tích những "bất thường" của văn bản này) cho rằng bến xe Mỹ Đình không quá tải, hoạt động bình thường để kết luận rằng “chưa phát hiện những hiện tượng tiêu cực, tham nũng như báo chí phản ánh” là thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan của UBND TP. Hà Nội trong việc làm rõ nội dung này theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Xử lý kiểu “đuôi chuột”
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay, tổng số lượt phương tiện vận tải khách liên tỉnh/ngày tại 6 bến xe khách liên tỉnh của Thành phố (gồm các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Lương Yên) là 3.630 lượt xe/ngày, trong khi đó tổng công suất thiết kế của 6 bến xe là 5.150 lượt xe/ngày. Tức là nếu thực hiện việc điều chuyển phương tiện theo đúng quy hoạch của UBND TP. Hà Nội thì đâu có chuyện thiếu chỗ "Tái định cư" cho phương tiện.
Và cho đến hôm nay, sau nhiều cuộc họp cũng như trải qua các buổi “vi hành” thị sát các bến xe Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo Sở GTVT, Công an Thành phố điều chuyển 52 phương tiện từ Mỹ Đình vào bến xe Yên Nghĩa và điều chỉnh có lộ trình những phương tiện còn lại.
Như vậy, từ chủ trương giảm tải 525 phương tiện ra khỏi bến xe Mỹ Đình, đến nay Chủ tịch Hà Nội phải thật “cương quyết” mới điều chuyển 52 phương tiện ra khỏi Mỹ Đình (!). Dẫu con số 52 lượt xe phải di chuyển chỉ bằng 1/10 kế hoạch giảm tải tại bến Mỹ Đình, nhưng nó cũng là con số cụ thể để người dân nhìn vào cách giải quyết của UBND TP. Hà Nội. Nhưng còn những câu hỏi: Cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước tình trạng "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình? Hay để xảy ra tình trạng "vỡ trận" trên là do trách nhiệm "tập thể"? Đó là những câu hỏi lớn mà đông đảo dư luận cả nước quan tâm, đang trông đợi sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội.Qua quá trình điều tra, PV Báo Dân trí và nhiều cơ quan báo chí đã chỉ rõ chính “nhóm lợi ích” đang “cố thủ” gây nhiễu loạn hoạt động vận tải khách liên tỉnh ở Thủ đô. Nhóm lợi ích thứ nhất thuộc cá nhân có chức năng thanh, kiểm tra đã hưởng lợi từ việc làm ngơ hoặc tổ chức cho xe khách liên tỉnh xuyên tâm. Nhóm lợi ích thứ hai thuộc cá nhân có chức năng cấp phép vào các bến xe để hưởng lợi từ việc cho xe vào bến hoặc vào lốt (giờ chạy xe) có nhiều khách, đi theo lộ trình qua khu tập trung dân cư, trường học hoặc bệnh viện, v.v… Vì quyền lợi riêng, “nhóm lợi ích” đã cố tình không thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo, định hướng của thành phố và cố ý làm trái các quy định trong tổ chức vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội. “Quyền” chấp thuận mở tuyến, cấp “lốt”, bổ sung xe vào bến, tước quyền khai thác… đều thuộc Sở GTVT Hà Nội. Luồng tuyến, “lốt” vận tải trở thành một thứ “tài nguyên đặc biệt” nhưng lại được quản lý theo cơ chế xin – cho tạo ra đặc quyền, đặc lợi, thuộc sự quyết định của một số người, lẽ ra không thể tồn tại nếu các tuyến vận tải được quản lý công khai minh bạch, số lượng xe được thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp để có sự giám sát lẫn nhau. Đã từ hàng chục năm nay, số lượng xe thực tế tại mỗi bến, số “lốt” vận tải ở Hà Nội vẫn chỉ là một điều bí ẩn! Trong khi đó, chưa hề có bất cứ quy chế giám sát thực chất số lượng phương tiện đang hoạt động trên một tuyến là bao nhiêu, số xe đang thực sự hoạt động có đúng như trong báo cáo? Chính vì thế, muốn “bổ sung” xe mới, muốn kiếm “lốt” đẹp bắt buộc doanh nghiệp, chủ xe phải tìm đến Sở để “xin xỏ, chạy vạy”. |