Bài 19: Vụ "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị biến thành "ma trận"

(Dân trí) – Có lẽ chưa bao giờ bức tranh giao thông Hà Nội lại bí bách, ngột ngạt như hiện nay khi các biện pháp giảm tải bến xe Mỹ Đình không rõ ràng, đi theo vòng luẩn quẩn. Chỉ vì giảm tải trên 500 lượt xe khách/ngày, Hà Nội phải làm mới 2 bến xe ở những vị trí không phù hợp.

Bài 19: Vụ vỡ trận bến xe Mỹ Đình: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị biến thành ma trận ?
Cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước tình trạng "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình? Hay để xảy ra tình trạng "vỡ trận" trên là do trách nhiệm "tập thể"? Đó là những câu hỏi lớn mà đông đảo dư luận cả nước quan tâm, đang trông đợi sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay, tổng số lượt phương tiện vận tải khách liên tỉnh/ngày tại 6 bến xe khách liên tỉnh của Thành phố (gồm các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Lương Yên) là 3.630 lượt xe/ngày, trong khi đó tổng công suất thiết kế của 6 bến xe là 5.150 lượt xe/ngày. Tức là nếu thực hiện việc điều chuyển phương tiện theo đúng quy hoạch của UBND TP. Hà Nội thì đâu có chuyện thiếu chỗ "Tái định cư" cho phương tiện.

Và cho đến hôm nay, sau nhiều cuộc họp cũng như trải qua buổi “vi hành” bến xe Mỹ Đình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo Sở GTVT, Công an Thành phố điều chuyển 52 phương tiện từ Mỹ Đình vào bến xe Yên Nghĩa và điều chỉnh có lộ trình những phương tiện còn lại.

Như vậy, từ chủ trương giảm tải 525 phương tiện, đến nay Chủ tịch Hà Nội phải thật “cương quyết” mới điều chuyển 52 lượt xe (bằng 1/10 kế hoạch ban đầu) ra khỏi bến Mỹ Đình (!)

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, để xảy ra tình trạng trên nguyên nhân xuất phát từ những báo cáo thiếu trung thực, sự tham mưu, đề xuất bất hợp lý của Sở GTVT, nên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đưa ra chỉ đạo thành lập “gấp” một số “bến xe tạm” để... giảm tải cho bến xe Mỹ Đình (!?). Điều này đã khiến dư luận lo ngại: Nếu lập thêm các “bến xe tạm” như sự chỉ đạo trên sẽ càng gây ra cảnh giao thông hỗn loạn, mất trật tự an toàn giao thông. Phải chăng Hà Nội tiếp tục lặp lại “vết xe đổ” của những bài học nhãn tiền như Dự án khách sạn SAS, Trung tâm thương mại 19-5… khiến báo chí đã phải tốn không ít giấy mực và hệ quả là các công trình phải đình chỉ xây dựng.

Tại thông báo số 211/TB-UBND ngày 11/7/2013 của UBND TP. Hà Nội cho biết, sau khi đi thị sát bến xe Mỹ Đình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo giao Sở GTVT xây dựng “bến xe tạm” tại bãi đỗ xe nút giao Pháp Vân để trung chuyển hành khách từ phía Nam và “bến xe tạm” bên đường cao tốc Bắc Thăng Long phục vụ hành khách khu vực phía bắc. Các bến này phải hoàn tất trong năm 2013.

Quyết định nhanh chóng của ông Nguyễn Thế Thảo đã không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia về lĩnh vực vận tải, ATGT, đặc biệt là việc xây dựng “bến xe tạm” tại khu đất 6ha (khu vực nút giao Pháp Vân – địa bàn quận Hoàng Mai). Đây là khu đất nằm chính giữa nút giao Pháp Vân – nút giao thông cửa ngõ Thủ đô vốn có mật độ phương tiện dày đặc. Để khắc phục ùn tắc, ngăn ngừa tai nạn giao thôngg, Bộ GTVT đã phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cầu vượt Pháp Vân. Sau khi có cầu vượt, các luồng phương tiện được phân bố hợp lý, tránh được các giao cắt, xung đột có thể xảy ra TNGT. Các xe tải, xe khách, xe con chạy từ phía Nam, phía cầu Thanh Trì vào Thành phố đã tránh được luồng phương tiện từ phía nội thành đi ra.

Ai ngờ, đến nay TP. Hà Nội lại lập “bến xe tạm” ở khu đất này sẽ kéo theo hàng nghìn lượt xe khách, taxi, xe máy, xe tải ra vào mỗi ngày tại khu vực giao thông nhộn nhịp này. Lúc đó, nguy cơ ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi.

Khu vực màu đỏ là vị trí bến xe tạm chuẩn bị triển khai
Khu vực màu đỏ là vị trí bến xe tạm chuẩn bị triển khai. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Hiện tại, khu đất này đã nằm riêng biệt với nút giao, được phân định bằng hệ thống hạ tầng đảm bảo ATGT (xem ảnh trên). Bây giờ, xây dựng “bến xe tạm” cũng đồng nghĩa với việc phá bỏ hạ tầng ATGT, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vì phá vỡ kết cấu, hạ tầng giao thông, trực tiếp xâm phạm hành lang ATGT của tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Nhiều chuyên gia lo lắng rằng TP. Hà Nội đã tốn kém không ít tiền của và đang nỗ lực các giải pháp để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông nhưng lại chọn giải pháp “tạm bợ” là xây dựng “bến xe tạm” như nêu trên thì không khác gì góp phần trực tiếp gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông! Để xảy ra điều đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước nhân dân Thủ đô và Chính phủ? Ngoài ra, “bến xe tạm” này sẽ tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm tập kết cho “xe dù, bến cóc”, đe dọa trực tiếp đến hoạt động vận tải ở Hà Nội – vốn đã tràn ngập “xe dù, bến cóc” bao năm nay chưa dẹp nổi.

Như Dân trí đã nhiều lần nhấn mạnh trong các bài viết trước: Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội không thiếu chỗ đỗ xe khách (như báo cáo của Sở GTVT Hà Nội). Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, tổng số lượt phương tiện vận tải khách liên tỉnh/ngày tại 6 bến xe khách liên tỉnh của Thành phố (gồm các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Lương Yên) là 3.630 lượt xe/ngày, trong khi đó tổng công suất thiết kế của 6 bến xe là 5.150 lượt xe/ngày (Như vậy các bến xe khách trên còn chứa được gần 1.600 lượt xe/ngày).

Tức là nếu thực hiện việc điều chuyển phương tiện theo đúng quy hoạch của UBND TP. Hà Nội sẽ không cần phải xây dựng các “bến xe tạm” vừa tốn kém, lãng phí vừa trái quy hoạch, gây mất ATGT. Vấn đề chính ở đây là Hà Nội phải dám nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết giảm tải bến Mỹ Đình, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể gây ra cảnh “vỡ bến”.

Nếu lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục “vi hành” đến bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Lương Yên, Gia Lâm sẽ thấy ngay thực tế các bến này đang thừa công suất. Đặc biệt là bến Yên Nghĩa, hiện mới có hơn 300 lượt xe/ngày trong khi công suất thiết kế là trên 2000 lượt xe/ngày, bến xe Lương Yên cũng đang trong quá trình mở rộng tăng gấp đôi diện tích.

Như vậy, có thể thấy, việc Sở GTVT báo cáo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội rằng Thành phố đang thiếu chỗ đỗ xe để đề xuất xây dựng các “bến xe tạm” là vô lý, không đúng sự thật và phải chăng còn có động cơ nào khác? Đặc biệt, việc làm này là biểu hiện rõ nét của việc cố tình che đậy những sai phạm trong cấp phép luồng tuyến, "lốt" xe vô tội vạ ở bến xe Mỹ Đình, nhằm cố thủ, bảo vệ đến cùng “nhóm lợi ích”, không chịu giảm tải bến xe này.
 
Khu vực màu đỏ là vị trí bến xe tạm chuẩn bị triển khai
Trao đổi với PV Dân trí, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Báo Dân trí cần phải tiếp tục phản ánh vấn nạn xe dù, bến cóc, tình trạng quá tải tại bến xe Mỹ Đình để các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết triệt để (Ảnh: Thanh Liêm)

Từ tháng 4/2012 đến nay, Sở GTVT có nhiều báo cáo để giảm tải bến xe Mỹ Đình, đưa ra phương án, tổ chức hội nghị triển khai “hoành tráng” có sự tham dự của đầy đủ ban, ngành, lực lượng chức năng nhằm di dời từ hơn 525 lượt xe/ngày, rồi 313 lượt xe/ngày và hàng loạt xe tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khỏi bến xe Mỹ Đình. Nhưng rốt cuộc, Sở GTVT Hà Nội lại biến tất cả những kế hoạch trên thành “trò đùa” khi chỉ đưa ra kế hoạch điều chuyển 52 lượt xe thuộc tuyến Hòa Bình về bến xe Yên Nghĩa!

Trong khi đó, bến xe Mỹ Đình lại còng lưng “tiếp nhận” thêm 77 xe trái tuyến từ bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Cuối cùng, bến Mỹ Đình “đâu vẫn hoàn đấy”, không những không giảm tải được mà còn tăng thêm số lượng xe. Với hàng loạt việc làm “tiền hậu bất nhất” như trên không hiểu điều gì đang diễn ra tại Sở GTVT Hà Nội?.. Phải chăng, những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - đang bị Hà Nội biến tấu thành “ma trận”?
 
Bài 19: Vụ vỡ trận bến xe Mỹ Đình: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị biến thành ma trận
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mới ký văn bản số 110A báo cáo Thủ tướng chậm 6 ngày (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Bài 19: Vụ vỡ trận bến xe Mỹ Đình: Chỉ đạo của Phó Thủ tướng bị biến thành ma trận ?
Để xảy ra tình trạng "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình, nhưng Sở GTVT Hà Nội tuyệt nhiên không nhắc tới trách nhiệm của bản thân mình.
 (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Do vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải kiến nghị UBND TP. Hà Nội cần hết sức thận trọng khi triển khai xây dựng các “bến xe tạm” nói chung và “bến xe tạm” tại khu vực nút giao Pháp Vân nói riêng.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, mọi sự đầu tư, đặc biệt đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần có sự cẩn trọng và tầm nhìn chiến lược. TP. Hà Nội nên dành nguồn lực đầu tư vào hai bến xe tạm trên cho nhu cầu thiết yếu của Thủ đô hoặc đầu tư xây mới bến xe tại các vị trí đã được quy hoạch.

Sai quy hoạch nghiêm trọng
 
Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về việc “Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050” của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có các bến xe hiện tại là Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và một số xây mới nằm phía ngoài đường vành đai III. Vì vậy, không thể đem lý do xây dựng “bến xe tạm” để xây dựng một bến xe trên khu đất rộng tới 6ha ở khu vực nút giao Pháp Vân. Xây dựng lên thì dễ, đến lúc triển khai quy hoạch, Hà Nội sẽ xử lý “bến tạm” này thế nào? Được biết, để xây dựng một bến xe, vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng vì là bến “tạm thời” nên đến lúc nào đó phải di dời nhưng sẽ gây vô cùng lãng phí cho xã hội. Trong khi đó, nguồn lực này nếu có thì đầu tư vào một bến xe đúng vị trí quy hoạch sẽ là giải pháp khả thi.
 
Mới đây, Bộ GTVT đã có kế hoạch nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thành đường cao tốc 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/h. Mục đích của dự án là nhằm nâng cấp tuyến đường này để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô và là đoạn đầu tiên của đường cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và các vùng lân cận.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến