Hà Nội:

Bài 13: Hết hạn “tối hậu thư”, 12 hộ dân ngập trong ô nhiễm chưa được “giải cứu”

(Dân trí) - UBND TP. Hà Nội ra “tối hậu thư” yêu cầu quận Ba Đình thực hiện việc xác định nguyên nhân ô nhiễm và “giải cứu” cụm dân cư 146 phố Quán Thánh trước ngày 30/4/2015, nhưng đến nay 12 hộ gia đình vẫn mỏi mắt chờ đợi trong cảnh ô nhiễm, xú uế.



Sau loạt bài của báo Dân trí phản ánh tình trạng sống ô nhiễm đến cùng cực đang diễn ra tại số nhà 146 phố Quán Thánh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng đã ban hành Văn bản số 2189/UBND - BTCD ngày 6/4/2015, gửi Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân ngập úng, xử lý dứt điểm vụ việc, đồng thời làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ tại số 146 phố Quán Thánh, có báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/4/2015.

Tiếp đến, ngày 10/4/2015, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Hoàng Nam Sơn ban hành Công văn số 2940/SXD-HT, gửi UBND quận Ba Đình, Công ty Thoát nước Hà Nội khẩn trương phối hợp tìm ra nguyên nhân. Công văn của Sở xây dựng Hà Nội yêu cầu, “Đề nghị UBND quận Ba Đình chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức khảo sát, xác định vị trí cống thoát nước và nguyên nhân gây úng ngập tại số nhà 146 phố Quán Thánh; thực hiện phương án giải quyết thoát nước tại khu vực số nhà 146 theo trách nhiệm quản lý phân cấp.

Cụm dân cư 146 Quán Thánh vẫn ngập chìm trong nước thải, xú uế

Cụm dân cư 146 Quán Thánh vẫn ngập chìm trong nước thải, xú uế.

Đề nghị Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bố trí nhân lực, phương tiện thực hiện việc khảo sát, xác định vị trí cống thoát nước và nguyên nhân gây úng ngập tại số nhà 146 phố Quán Thánh theo chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, đảm bảo đúng tiến độ…”.

Thời hạn TP. Hà Nội đưa ra đối với UBND quận Ba Đình về việc “giải cứu” cụm dân cư khỏi tình trạng ô nhiễm đã hết, nhưng 12 gia đình, với hàng chục nhân khẩu ở số nhà 146 phố Quán Thánh vẫn phải sống trong ô nhiễm và chưa nhận được tín hiệu cho thấy sẽ sớm được “giải cứu” theo Công văn chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố đã đưa ra hồi đầu tháng 4/2015.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 4/5, lãnh đạo UBND phường Quán Thánh cho biết: Dự kiến, ngày 6/4 tới đây, UBND quận Ba Đình sẽ tổ chức họp với các cơ quan chức năng liên quan để lên phương án xử lý tình trạng ô nhiễm tại 146 Quán Thánh.

Trao đổi với PV báo Dân trí ngày 3/5/2015, bà Trần Thị Oanh đại diện cho cụm dân cư 146 phố Quán Thánh cho biết: “Từ khi UBND TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo, 12 hộ dân chúng tôi đã chờ đợi và hy vọng sẽ thoát cảnh sống ô nhiễm trước ngày 30/4/2015. Tuy nhiên, cho đến nay UBND quận Ba Đình chưa có động thái gì cho thấy sẽ “giải cứu” khẩn trương theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Với thời tiết nắng nóng luôn ở mức trên 30oC như hiện nay, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là sớm được giải cứu khỏi tỉnh cảnh ô nhiễm, ú uế đã kéo dài gần 2 năm qua...”.

Quá hạn TP. Hà Nội chỉ đạo số nhà 146 phố Quán Thánh vẫn ngập trong nước thải, nước bể phốt

Quá hạn TP. Hà Nội chỉ đạo số nhà 146 phố Quán Thánh vẫn ngập trong nước thải, nước bể phốt

Quá hạn TP. Hà Nội chỉ đạo số nhà 146 phố Quán Thánh vẫn ngập trong nước thải, nước bể phốt.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Dân trí, đại diện Xí nghiệp Thoát nước số 1 cho biết, kiểm tra hiện trường vào tháng 10/2013, cho thấy không có cống nước thải nào nối từ nhà 146 phố Quán Thánh ra hệ thống cống chung của thành phố trên phố Quán Thánh. Hiện trạng thoát nước số nhà 146 Quán Thánh dốc vào phía cuối ngõ và chảy qua cống nhựa D200 đến nhà ông Minh (số 5 Đặng Dung) thì bị ùn tắc không tiêu thoát. Kiểm tra khu vực phố Đặng Dung cho thấy, dưới vỉa hè nhà số 5 Đặng Dung có 1 đường cống loại D300 đấu nối với hệ thống cống của thành phố có nước chảy rất ít, nhưng chưa đủ bằng chứng kết luận đây là cống thoát nước của số nhà 146 Quán Thánh. Muốn tìm nguyên nhân ùn ứ nước thải ở khu vực nhà 146 Quán Thánh chỉ có cách duy nhất là đào khảo sát thực địa vỉa hè phố Đặng Dung.

Khu phụ tập trung các vòi nước sạch luôn ngập trong nước thải đen kịt

Khu phụ tập trung các vòi nước sạch luôn ngập trong nước thải đen kịt.

Nhận định về việc UBND quận Ba Đình chậm “giải cứu” cụm dân cư 146 phố Quán Thánh, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: "Việc chậm chễ trong việc kiểm soát môi trường đã vi phạm nghiêm trọng “nguyên tắc bảo vệ môi trường” theo quy định của pháp luật và không tuân thủ các chính sách của Nhà nước, thậm chí còn có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền về bảo vệ môi trường. Đặc biệt môi trường khu dân cư 146 Quán Thánh trong tình trạng ô nhiễm đã kéo dài đến hai năm thì có thể xem xét là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Việc cần thiết và cấp bách ngay lúc này là chính quyền sở tại, UBND phường Quán Thánh, UBND quận Ba Đình cần ngay lập tức quyết liệt ứng phó, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây theo đúng quy định tại Điều 109, Điều 112, Điều 143 Luật bảo vệ môi trường.

Luật sư Vi Văn Diện -

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh.

Sự ô nhiễm nghiêm trọng như vậy sẽ dễ gây ra các bệnh tật cho người dân, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bà con cụm dân cư, đặc biệt là người già và trẻ em. Chính quyền sở tại phải công khai thông tin về trách nhiệm xử lý môi trường đến cộng đồng dân cư và dư luận xã hội. Để xác định rõ nguyên nhân trong việc gây ùn ứ xú uế, nước thải ô nhiễm môi trường trong trường hợp này sẽ không khó khăn gì đối với các cơ quan chuyên ngành nhưng vấn đề là trách nhiệm xử lý, chúng ta có đủ các cơ sở, căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề này thì chẳng có lý do gì khiến người dân phải chịu ô nhiễm suốt 2 năm qua tại cụm dân cư 146 Quán Thánh.

Nếu đã xác định được đối tượng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì lý do gì không xử lý trách nhiệm, thậm chí yêu cầu bồi thường thiệt hại, xử lý nghiêm minh để răn đe. Như thông tin đã đưa, cơ quan liên ngành đã vào cuộc và xác định được nguyên nhân ù ứ chất thải do bị tắc, bịt đường thoát tại vỉa hè nhà số 5 Đặng Dung thì các cơ quan chức năng cần đào, khơi thông lại đường thoát nước thải để trả lại đường thoát nước cho cụm dân cư, không thể vì một cá nhân mà có thể bỏ qua quyền và lợi ích hợp pháp của cả cụm dâm cư và cần phải xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Tôi khẳng định việc thông thoáng đường nước thải trong trường hợp này là hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ, khắc phục và phục hồi môi trường chung theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường...”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Cương