(Dân trí) - Lương hưu tăng từ 1/1/2022, doanh nghiệp cam kết lo Tết cho người lao động, tiếng thở dài của ông lão vá xe giữa "quận nhất" TPHCM, vụ nữ sinh trộm chân váy… là những thông tin làm "nóng" tuần qua.
Vụ nữ sinh trộm chân váy với những diễn biến "nóng" trong tuần
Lương hưu tăng từ 1/1/2022, doanh nghiệp cam kết lo Tết cho người lao động, tiếng thở dài của ông lão vá xe giữa "quận nhất" TPHCM, vụ nữ sinh trộm chân váy… là những thông tin làm "nóng" tuần qua.
"Quỹ Bảo hiểm xã hội kết dư tốt, đạt gần một triệu tỷ đồng"
Sáng 8/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian qua và các định hướng lớn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số kết quả khả quan trong công tác mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là trong triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Đây là vấn đề chưa được pháp luật quy định nhưng các cơ quan chức năng đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, giải quyết yêu cầu cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, Quỹ BHXH kết dư tốt và đạt gần 1 triệu tỷ đồng , qua đó bảo đảm an toàn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô…
Phong tặng, truy tặng 23 mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Ngày 10/12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt 42 .
Trong đợt này, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng cho 2 mẹ còn sống và truy tặng cho 21 mẹ đã từ trần thuộc 5 quận (quận 6, quận 8, quận 11, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh), 3 huyện (huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi) và TP Thủ Đức.
Hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống là mẹ Võ Thị Sua (sinh năm 1939) và mẹ Nguyễn Thị Cồm (còn gọi là Cờm, sinh năm 1935). Cả 2 mẹ đang sống tại ấp 12, xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) và có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ...
Lương hưu chính thức tăng 7,4% từ 1/1/2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng được điều chỉnh tiếp với 2 mức khác nhau…
"Dù có đi vay mượn cũng phải lo cái Tết cho người lao động"
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề và đời sống người lao động. Trong khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp vẫn luôn trăn trở tới những người lao động đã đồng cam cộng khổ.
Một doanh nghiệp may mặc ở Hà Tĩnh đã cam kết đảm bảo mức thưởng Tết tối thiểu là 5 triệu đồng/lao động. "Dịch đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, đời sống nhiều người, nhất là người lao động. Trong suốt cả năm qua, người lao động đã đồng cam, cộng khổ với mình. Nên dù có đi vay mượn cũng phải lo cái Tết cho người lao động …", đại diện doanh nghiệp này bày tỏ...
Vụ cắt áo ngực, nhục mạ nữ sinh trộm chân váy: Cục Trẻ em lên tiếng!
Trước vụ bé gái tên V.T.T.M (sinh 2004), học sinh trung học ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) quỳ gối xin lỗi vẫn bị cắt áo, cắt tóc trong shop quần áo và bị tống tiền, lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH lên tiếng.
Đứng ở góc độ cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phân tích, lỗi của em V.T.T.M hoàn toàn có thể sửa chữa được. Nếu em M. vi phạm pháp luật thì đã có các cơ quan quản lý xử lý, không thể vì việc này mà hành động bạo lực, xúc phạm danh dự và tống tiền như chủ shop thời trang đã làm.
"Việc cả xã hội quan tâm, chia sẻ và bức xúc về vụ việc cho thấy dư luận có nhận thức tốt hơn về quyền trẻ em và đây là xu hướng tốt. Không thể vì cái sai của trẻ em mà xử lý bằng cái sai khác lớn hơn, vi phạm pháp luật, thậm chí luật hình sự", ông Nam nói…
Chuyên gia tâm lý cảnh báo chuyện "kéo đến cho tiền" nữ sinh trộm váy
Nhiều người kéo đến nhà động viên, kêu gọi ủng hộ tiền cho gia đình nữ sinh trộm chân váy bị chủ shop quần áo đánh, hạ nhục đang gây ra nhiều tranh cãi.
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam - đã lên tiếng cảnh báo về diễn biến này . Theo đó, việc mọi người giúp được phần nào cho gia đình nữ sinh này là đáng quý, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh, những người khó khăn trong xã hội.
"Tuy nhiên, xét trên góc độ bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong trường hợp của em H.M thì phải có sự định hướng rất rõ ràng, không được làm như vậy", bà Hương nói và cho rằng trong chuyện nhạy cảm như này cần phải giữ kín thông tin về thân nhân của bé gái…
Bị "treo" sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi
Hơn một năm đi "đòi nợ", hàng trăm công nhân của Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (Quảng Nam) vẫn mòn mỏi chờ được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tiền phụ cấp.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là đơn vị có hơn 360 lao động đang làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Nhưng thời gian qua, mặt dù các cơ quan chức năng đến kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, doanh nghiệp vẫn không chuyển trả kịp thời tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN, mà ngược lại để nợ tiền BHXH ngày càng tăng lên với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài…
Tử vong do Covid-19 khi làm "3 tại chỗ" có được coi là tai nạn lao động?
Đây là thắc mắc được một doanh nghiệp điện máy tại khu vực phía Nam gửi tới Bộ LĐ-TB&XH. Trong quá trình làm việc theo phương án "3 tại chỗ" như hướng dẫn của cơ quan chức năng, một người lao động của doanh nghiệp này không may mắc Covid-19 và tử vong.
Phía doanh nghiệp cho rằng, trường hợp tử vong này không đáp ứng quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động về tai nạn lao động. Cụ thể, tai nạn lao động có dấu hiệu bắt buộc là "tử vong gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động".
Người lao động tử vong vì Covid-19, không rõ ràng khi "áp" điều kiện đó. Doanh nghiệp đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến để từ đó có những phương án xử lý tiếp theo…
Ông lão vá xe giữa "quận nhất": Ở Sài Gòn, chưa bao giờ kiếm tiền khó thế!
Ông Mai Xuân Minh (66 tuổi, TPHCM) đã sửa xe tới nay đã hơn 30 năm. Đợt dịch Covid-19 thứ 4 ập tới, thành phố giãn cách khiến ông thất nghiệp hơn 3 tháng, phải sống nhờ vào cơm từ thiện, sự giúp đỡ của hàng xóm, chính quyền.
Khi thành phố nới lỏng giãn cách, ông mừng ghê lắm vì rốt cuộc cũng được đi làm, được sống bằng sức lao động của mình. Niềm vui đến chưa được bao lâu thì ông nhận ra: "Chưa bao giờ vắng khách như thế này!".
Ngồi đợi khách suốt cả ngày mà ông chỉ vá được một, hai xe. Mỗi lần vá, tiền công được 20 ngàn đồng…
Người thương binh nặng lòng với cộng đồng khuyết tật
Vết thương trên cơ thể khiến người cựu binh Thái Khắc Hoàng (TP Vinh, Nghệ An) đồng cảm sâu sắc với những phận đời không may mắn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông bày tỏ: "Thực tế người khuyết tật vẫn chưa được đối xử một cách công bằng, nhận thức của cộng đồng. Người khuyết tật vẫn đang gặp nhiều rào cản để hòa nhập và cuộc sống và vươn lên…".
Bởi vậy, ông mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn nữa đến người khuyết tật, làm sao tất cả người khuyết tật được khám, đánh giá mức độ khuyết tật để được hưởng các quyền lợi ưu tiên như đi tàu xe, đi khám bệnh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế giúp họ vơi bớt khó khăn, có niềm tin và động lực để vươn lên…