Quảng Nam:

Bị "treo" sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi

Công Bính

(Dân trí) - Hơn một đi "đòi nợ", hàng trăm công nhân của Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (Quảng Nam) vẫn mòn mỏi chờ được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tiền phụ cấp.

Cầm đơn lên công ty, chỉ nhận... lời hứa hẹn

Chị Nguyễn Thị Trinh (sinh năm 1984, trú tại thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) cho biết, tháng 7/2013, chị vào làm việc tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 và trong suốt 7 năm, chị đều đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo yêu cầu của công ty.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 1

Người lao động mong muốn được vào đối chất nhưng công ty vẫn chỉ hứa hẹn (Ảnh chụp năm 2020).

Đến tháng 11/2020, chị làm đơn xin nghỉ việc theo đúng quy định của hợp đồng. Sau khi nghỉ được 2 tháng, chị Trinh đã nhiều lần xuống công ty để yêu cầu giải quyết bảo hiểm, nhưng đến nay chị vẫn mòn mỏi chờ đợi công ty này giải quyết bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tiền phụ cấp.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 2

Dù đã nhiều lần đi "đòi nợ", nhưng hàng trăm công nhân vẫn mòn mỏi chờ đợi được giải quyết (Ảnh chụp năm 2020).

"Bị ảnh hưởng dịch nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, số tiền chế độ rất quý đối với tôi. Hơn một năm qua, chúng tôi không nhớ nổi số lần đã cầm đơn lên công ty nhưng đều chỉ nhận lại lời hứa hẹn. Tôi rất mong các cơ quan hỗ trợ giải quyết để chúng tôi có thể chốt được sổ BHXH, BHTN theo quy định và có tiền trang trải cuộc sống", chị Trinh chia sẻ.

Chị Ngô Thị Anh (trú tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã gắn bó với công ty được hơn 5 năm. Đến năm 2020, chị sinh con nhỏ nên được công ty cho nghỉ thai sản theo quy định.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 3

Buổi đối thoại do cơ quan chức năng tổ chức để lắng nghe kiến nghị của người lao động (Ảnh chụp năm 2020).

Khi quay trở lại làm việc lại đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên chị làm đơn xin nghỉ việc theo đúng quy định để ở nhà chăm con. Tuy nhiên, từ khi nghỉ việc đến nay, chị vẫn chưa được chốt sổ BHXH, BHTN và chưa nhận được 26 triệu đồng tiền hỗ trợ thai sản.

"Vì có con nhỏ hay đau ốm và không có người trông con nên tôi phải nghỉ việc. Tôi chấm dứt hợp đồng vào tháng 11/2020, cho đến nay con tôi đã gần 2 tuổi nhưng tôi vẫn chưa nhận được tiền thai sản", chị Anh bức xúc nói.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 4

Chị Nguyễn Thị Trinh (công nhân bị nợ BHXH) trao đổi với phóng viên về việc bị nợ BHXH kéo dài.

Theo chị Anh, không chỉ chị mà còn rất nhiều người lao động khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong nhiều tháng qua, các công nhân liên hệ Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 để yêu cầu giải quyết thì chỉ nhận được những... lời hứa.

"Vào tháng 3/2021, khi chúng tôi liên hệ yêu cầu giải quyết thì công ty hẹn nhiều lần, từ tháng 4 sang tháng 5, rồi tháng 6, tháng 7 đến nay đã sắp hết năm 2021 rồi vẫn chưa giải quyết được. Bây giờ, người phụ trách thấy số điện thoại của tôi thì không bắt máy, tránh né", chị Anh cho biết.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 5

Người lao động đã nhiều lần viết đơn gửi cơ quan chức năng và vẫn đang chờ được giải quyết.

Đại diện công ty, bà Phạm Thị Thùy Trinh - Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 cho biết, công ty cũng đã chi trả một khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, việc quyết định chốt sổ BHXH cho ai thì do BHXH tỉnh quyết và công ty không nắm được thông tin đó.

Nợ đóng bảo hiểm, chây ì trả tiền người lao động

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là đơn vị có hơn 360 lao động đang làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng thời gian qua, mặt dù các cơ quan chức năng đến kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, doanh nghiệp vẫn không chuyển trả kịp thời tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN, mà ngược lại để nợ tiền BHXH ngày càng tăng lên với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài.

Bị treo sổ bảo hiểm xã hội kéo dài, hàng trăm công nhân mòn mỏi đi... đòi - 6

Sau khi nghỉ việc, công nhân vẫn chật vật đi đòi nợ BHXH nhiều lần.

Năm 2013, Đoàn Thanh tra liên ngành do Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam chủ trì đã thanh tra tại doanh nghiệp này. Qua đó, đoàn đã yêu cầu chuyển trả cho cơ quan BHXH số tiền nợ BHXH tại thời điểm thanh tra gần 6 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này vẫn không thực hiện.

Năm 2019, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng thanh tra về BHXH tại công ty này. Tại thời điểm thanh tra, doanh nghiệp nợ BHXH số tiền hơn 8 tỷ đồng (tính đến tháng 3/2019). Thanh tra Bộ đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 150 triệu đồng và yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển trả ngay số tiền nợ BHXH. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chấp hành mà còn để số tiền nợ không ngừng tăng lên.

Từ năm 2020 đến nay, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã tiếp nhận rất nhiều đơn khiếu nại của người lao động đối với Công ty TNHH may Minh Hoàng 2 và đã có nhiều văn bản yêu cầu công ty thực hiện trả nợ BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, đơn vị không thực hiện theo đúng các yêu cầu của Sở LĐ-TB&XH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Đến nay, một số lao động vẫn không được giải quyết chế độ BHTN, ốm đau, thậm chí có một số trường hợp đã sinh con trên 12 tháng tuổi nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã nhận được nhiều đơn thư của người lao động liên quan đến việc nợ BHXH, nợ BHTN, tiền thai sản trong thời gian dài của Công ty TNHH May Minh Hoàng 2.

Các cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với đơn vị để yêu cầu giải quyết các chế độ cho người lao động. Sau mỗi buổi làm việc, đại diện phía doanh nghiệp thường hứa hẹn nhưng đâu cũng vào đấy.

Người chịu trách nhiệm quản lý ở đây là bà Ngô Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Hoàng 2. Tuy nhiên, hiện bà Tuyết lại không quản lý trực tiếp tại địa phương mà đang ở trụ sở tại TP HCM.

"Sau các buổi làm việc, doanh nghiệp có viết cam kết sẽ chi trả cho người lao động nhưng rồi quá thời hạn, lại tiếp tục chây ỳ. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết cho người lao động", ông Vĩnh nói.

Cũng theo BHXH tỉnh Quảng Nam, trong cuộc họp mới nhất, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cơ quan BHXH bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, cần phối hợp với các ngành để có thêm những giải pháp mạnh hơn không để tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trở thành "vết dầu loang".

BHXH tỉnh cần đánh giá, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của từng đơn vị nợ; phân tích số tiền nợ, trong đó phần đóng góp của người lao động và phần thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp để có thêm cơ sở đề nghị khởi tố khi đủ điều kiện.

Ông Tuấn đề nghị BHXH Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành, lập kế hoạch kiểm tra tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH bắt buộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH, đề xuất các giải pháp phù hợp với từng trường hợp nợ đọng cụ thể trên quan điểm Quảng Nam tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động, trong đó có chính sách BHXH.

                                                                                                            Công Bính - Hoài Sơn