Nghệ An:
Người thương binh nặng lòng với cộng đồng khuyết tật
(Dân trí) - Vết thương trên cơ thể khiến người cựu binh Thái Khắc Hoàng (Nghệ An) đồng cảm sâu sắc với những phận đời không may mắn. Ông vẫn đau đáu làm sao để nâng cao đời sống mọi mặt cho người khuyết tật.
Từ giảng đường vào chiến trường
Trong căn nhà nhỏ nép bên dòng kênh giữa lòng thành phố Vinh, cựu chiến binh Thái Khắc Hoàng (SN 1940, quê Đô Lương, Nghệ An), hồi tưởng về cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi nhưng đầy vinh quang.
Năm 1964, chàng thanh niên Thái Khắc Hoàng khi đó đang là sinh viên ngành điện của trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội) đã được điều động cho Đại đội 3, Tiểu đoàn 138, Trung đoàn phòng không 280, bảo vệ thành phố quê hương Nghệ An.
"Tuổi trẻ của chúng tôi không ai nghĩ vun vén cho bản thân. Khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường, rời xa giảng đường, rời xa gia đình và có thể không bao giờ trở về. Với chúng tôi ngày ấy, Tổ quốc và gia đình là một. Có Tổ quốc mới có quê hương, mới có gia đình...", ông Thái Khắc Hoàng hồi tưởng.
Năm 1968, ông Thái Khắc Hoàng được biên chế vào Đoàn 559, bảo vệ hệ thống giao thông vận tải chiến lược vào chiến trường miền Nam. Tháng 5/1972, trong trận đánh tại chiến trường A-tô-pơ (nước bạn Lào), người lính trẻ bị thương nặng, một mảnh rốc-két phạt ngang cổ tay trái...
"Lúc đó tôi nghĩ không còn gì nữa, cũng suy sụp lắm. Nhưng rồi khi bình tâm trở lại, tôi thấy vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Tôi nghĩ cuộc đời do mình quyết định, quan trọng là phải đi đúng đường, chọn đúng nghề. Dù ở hoàn cảnh nào đều phải nhớ mình là người lính, đã là lính thì phải chiến đấu, dù với kẻ thù hay với bất kỳ khó khăn, trở ngại nào", người thương binh chia sẻ.
Chỉ còn một bàn tay, không thể tiếp tục tham gia chiến đấu, thương binh Thái Khắc Hoàng được chuyển về tuyến sau. Năm 1973, cựu chiến binh Thái Khắc Hoàng thi lại đại học và đủ điều kiện đi học ngành luật tại Cộng hòa liên bang Đức. Do hoàn cảnh gia đình và bản thân, ông quyết định từ chối cơ hội ra nước ngoài, đi học sư phạm, trở thành một ông giáo dạy Văn.
Ông giáo dạy Văn chỉ có một bàn tay phải, nghiêm khắc mà không cứng nhắc, với những dẫn chứng sinh động từ chính cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vào những giờ dạy trở thành hình ảnh không thể nào quên đối với bao nhiêu thế hệ học trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh). Năm 2000, thầy giáo Thái Khắc Hoàng nghỉ hưu.
Trăn trở với cộng đồng người khuyết tật
Con cái trưởng thành, thương binh Thái Khắc Hoàng có thể nghỉ ngơi bên người bạn đời của mình nhưng ông không an phận như thế. Ông tham gia hoạt động và trở thành cán bộ chủ chốt của Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học phường Hà Huy Tập.
Năm 2012, khi Hội Người khuyết tật TP Vinh thành lập, thương binh Thái Khắc Hoàng được bầu làm Chủ tịch hội. Nay, ông là Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An.
Tâm huyết, nhiệt tình, quan trọng nhất là sự đồng cảm sâu sắc với những người kém may mắn trở thành động lực để ông gắn bó với công tác hội dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.
"Toàn tỉnh có hơn 120.000 người khuyết tật, bao gồm cả khuyết tật vận động và khuyết tật về trí tuệ. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đại bộ phận người khuyết tật đều có đời sống rất khó khăn, cả về vật chất và tinh thần, trong đó rất nhiều người không thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Bởi vậy, người khuyết tật vốn đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi, khó khăn hơn", ông Hoàng trăn trở.
Là hội đặc thù, không có phụ cấp, không có kinh phí hoạt động, ông cùng với các đồng sự của mình vận dụng các mối quan hệ, trực tiếp vận động, xin các dự án hỗ trợ về cho các hội viên. Thông qua Hội Người khuyết tật Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (một tổ chức phi chính phủ), Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An đã kêu gọi được nhiều dự án hỗ trợ người khuyết tật cũng như phát triển tổ chức hội.
Trong 2 năm vừa qua, với sự hỗ trợ của Hội Trung ương và Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng, Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An đang thực hiện dự án tăng cường năng lực ứng phó với bạo lực mang tính chất giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Bước đầu dự án đã đạt được những bước tiến quan trọng và có ý nghĩa rất lớn với người khuyết tật, đặc biệt là trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật quyền và lợi ích hợp pháp, giúp họ nhận diện các hình thức bạo lực và tiếp cận các biện pháp bảo vệ bản thân.
"Thực tế người khuyết tật vẫn chưa được đối xử một cách công bằng, nhận thức của cộng đồng và đặc biệt là của một bộ phận cán bộ công quyền về người khuyết tật chưa đầy đủ. Hay nói cách khác, người khuyết tật vẫn đang gặp nhiều rào cản để hòa nhập và cuộc sống và vươn lên.
Bởi vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn nữa đến người khuyết tật, làm sao tất cả người khuyết tật được khám, đánh giá mức độ khuyết tật để được hưởng các quyền lợi ưu tiên như đi tàu xe, đi khám bệnh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… giúp họ vơi bớt khó khăn, có niềm tin và động lực để vươn lên", người thương binh đau đáu với cộng đồng người khuyết tật.