1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thái Nguyên: Làm giàu từ sức trẻ

Mô hình trồng cây ăn quả của anh Ngô Quang Học, xóm Ao Rôm, xã Khe Mo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm mô hình kinh tế của một số thanh niên ở huyện Đồng Hỷ.

Bằng sức trẻ cùng ước vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, họ đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở địa phương.

Thái Nguyên: Làm giàu từ sức trẻ - 1
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Ngô Quang Học, xóm Ao Rôm, xã Khe Mo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình chăn nuôi bò của chàng trai thuộc thế hệ 9x Trần Trọng Hải ở xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng tuy mới hình thành được khoảng 1 năm nhưng bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.

Trò chuyện với chúng tôi, Hải cho biết: Ở xóm này hầu hết thanh niên đều đi làm ở các công ty, nhà máy. Những người ở nhà làm nông nghiệp không nhiều vì ở vùng cao chủ yếu là đồi núi nên muốn phát triển kinh tế cũng không dễ dàng.

Với quyết tâm bám trụ lại mảnh đất nơi mình sinh ra, tôi đã suy nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì để vừa phù hợp với đồng đất ở địa phương lại vừa có hiệu quả kinh tế.

Cuối cùng tôi quyết định đầu tư vào chăn nuôi bò 3B bởi đây là giống bò cao sản dễ nuôi, sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh. Một con giống mua vào từ 20-25 triệu đồng, nếu chăn nuôi tốt thì sau khoảng 1 năm có thể bán được với giá 60-70 triệu đồng/con.

Nghĩ là làm, tôi dốc toàn bộ số vốn dành dụm được để chuẩn bị chuồng nuôi, lên kế hoạch chăm sóc bò cẩn thận. Với 100 triệu đồng, tôi “khởi nghiệp” nuôi 4 con bò giống 3B. Từ năm 2019 đến nay, tôi đã bán được 4 con, số tiền lãi tôi tiếp tục đầu tư vào con giống. Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là tiếp tục tăng số lượng đàn bò và tiến tới cung cấp con giống cho những hộ có nhu cầu.

Anh Ngô Quang Học, ở xóm Ao Rôm, xã Khe Mo cũng là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào lập thân lập nghiệp của huyện Đồng Hỷ khi xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

"Mô hình cây ăn quả của tôi có diện tích khoảng 1.000m2, hiện đang trồng các loại cây như dứa, ổi, bưởi... Do có kỹ thuật chăm sóc tốt nên chất lượng quả luôn được khách hàng đánh giá cao, hầu như tôi không phải lo đầu ra khi đến mùa thu hoạch" - anh Học cho hay.

Được biết, ở những địa phương khác của huyện Đồng Hỷ, nhiều thanh niên cũng đang ngày càng khẳng định được khả năng, vai trò trong việc tạo lập những mô hình kinh tế mới, mở ra nhiều hướng đi triển vọng cho phong trào thanh niên lập nghiệp. Đến nay toàn huyện đã có 83 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, mức thu nhập trung bình hàng năm đạt từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo anh Nông Khắc Huy, Phó Bí thư Huyện đoàn Đồng Hỷ: Để đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, thời gian qua Huyện đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, tập huấn cho đoàn thanh niên nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn vốn vay, đồng thời kiểm tra các hoạt động giải ngân, quản lý sử dụng vốn.

Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý trên 70 tỷ đồng, với trên 1.700 hộ vay. Phong trào thanh niên giúp nhau phát triển sản xuất được tích cực triển khai, đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.