Trồng cau vàng và trúc Nhật đốm dưới tán xoài thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Người nông dân ở Vĩnh Long trồng cau vàng và trúc Nhật đốm dưới tán xoài, bỏ túi hơn nửa tỷ đồng/năm.
Vài năm trở lại đây, người dân ở xã Cù Lao huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) có thu nhập khá từ nghề trồng cau vàng. Hơn thế, cây cau vàng còn tạo việc làm ổn định cho các lao động phổ thông của địa phương.
“Mẹ đẻ” của cây cau vàng ở xứ cù lao này là bà Hồ Thị Ngọc Bích (60 tuổi, ngụ ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long).
Bà Bích cho biết, gia đình bà có 17 công đất (17.000m²) trồng các loại xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu và xoài xiêm.
Cách đây hơn 10 năm, bà nhận thấy thấy khoảng đất dưới tán xoài để không cỏ mọc nhiều quá, tốn công và chi phí làm cỏ. Bà Bích đã trồng thử nhiều loại cây thứ nhưng chưa thành công.
“Rồi có người bạn ở Bến Tre chỉ cho trồng cau vàng bán cho người ta làm hoa tươi. Tôi cũng đem về một mớ trồng thử. Thấy dễ trồng, khỏi lo đầu ra vì có thương lái đến tận nơi cắt thu mua. Mình chỉ việc ngồi đếm lá tính tiền thôi, giá từ 300- 500 đồng/lá tùy to nhỏ”, bà Bích cho biết.
Mỗi lần cắt lá bán, bà Bích cũng thu được 30 - 40 triệu đồng. Thấy được hiệu quả, bà mua giống về trồng hết vườn luôn.
Theo bà Bích, cây cau vàng này cứ 40 ngày là cắt một lần, có thương lái đến tận vườn thu mua luôn, giá tùy thời điểm. Mỗi năm trừ tất cả chi phí bà bỏ túi từ 200- 300 triệu đồng chỉ riêng lá cau vàng.
Bà Bích cho biết chăm sóc cây cau vàng này cũng không khó lắm, sau ba lần cắt thì thuê người đến rửa cau (cắt bỏ những lá già, lá sâu-PV) với tiền công 150.000 đồng/ngày/người.
“Mỗi lần rửa khoảng 5 người, rửa hơn một tháng mới xong, sau đó thì chỉ rải phân xịt thuốc sâu, do trồng dưới tán xoài nên xịt thuốc xoài cho cau ké luôn nên cũng đỡ tốn kém. Nếu nắng quá thì tưới đủ nước để cau không bị khô lá, còn mưa nhiều phải xịt thêm thuốc kẻo cau úng lá”- bà Bích nói thêm.
Sau khi trồng cau vàng có hiệu quả, nhiều thương lái đặt hàng bà Bích trồng thêm trúc Nhật đốm, loài cây này cũng dễ trồng, nhưng đầu tư ban đầu hơi cao.
Hiện tại, bà Bích còn có nửa công đất (500m²) trồng trúc Nhật đốm, cũng được các thương lái đến thu mua bán lại cho các vựa hoa tươi.
Bà Bích cho biết loại này thì khó trồng hơn vì phải có nhà lưới nếu không cây sẽ không phát triển được. “Trúc Nhật đốm giống “con nhà giàu” phải cưng dữ lắm, đầu tư hơi nặng, phải làm nhà lưới, giàn tưới phun mới trồng được. Thu nhập từ trúc Nhật đốm cứ mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng”, bà Bích cho biết.
Được biết, ngoài thu nhập từ cau vàng, trúc Nhật đốm, thì vườn xoài của gia đình bà Bích mỗi năm cũng khoảng 200 triệu.
Thấy được hiệu quả của mô hình trồng cau vàng dưới tán cây của bà Bích có hiệu quả, chính quyền địa phương đã cho nhân rộng mô hình ra toàn xã, những hộ gia đình muốn trồng cau đều được bà Bích hỗ trợ giống ban đầu hoặc chỉ chỗ để người dân mua giống. Theo bà Bích cho biết từ lúc trồng đến thu hoạch lần đầu là từ 8 tháng đến 1 năm.
Bà Huỳnh Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPNVN xã Quới Thiện cho biết, “Chị Bích bắt đầu trồng mô hình cau vàng này từ năm 2010, thấy được hiệu quả, Hội Phụ nữ xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã nhân rộng mô hình này ra toàn xã, mỗi năm đã giải quyết được trên 150 lao động nữ có việc làm ổn định. Đến nay, toàn xã có hơn 300 hộ trồng cau vàng, cho thu nhập bình quân của mỗi hộ từ 100 -120 triệu đồng/năm.”