DMagazine

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi "đòi chồng"

(Dân trí) - Cầm tờ giấy báo tử, bà Nguyễn Thị Lương như chết lặng, nhưng rồi nhìn kỹ, thời gian hi sinh trước cả lá thư gần nhất của chồng mà bà nhận được. Biết đâu, người ta báo tử sai?...

Cầm tờ giấy báo tử, bà Nguyễn Thị Lương như chết lặng, nhưng rồi nhìn kỹ, bà thấy thời gian hi sinh trước cả lá thư gần nhất của chồng mà bà nhận được. Biết đâu, người ta báo tử sai...

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 1

Những lá thư - cầu nối duy nhất giữa bà Nguyễn Thị Lương (thành phố Vinh, Nghệ An) và chồng, người lính Nguyễn Văn Kiền, thưa dần, thưa dần rồi mất hút. Có lẽ chiến tranh ác liệt quá, anh ấy không có thời gian để viết hoặc thư từ bị thất lạc đâu đó, bà Lương bám víu vào giả thiết ấy để nuôi hi vọng và chờ đợi ngày chồng trở về.

Nhưng chiến tranh kết thúc, anh vẫn không trở về như lời hẹn ước.

"Nếu anh ấy không còn thì quân đội, đơn vị đã gửi giấy báo tử về. Chắc anh bận công tác bí mật nào đấy không thể tiết lộ được thông tin, hay đang an dưỡng ở đâu đấy chưa về. Tôi tự nhủ lòng như thế và tin là như thế, thậm chí tôi nói với mọi người là anh đang đi an dưỡng, sắp về rồi. Tôi không muốn tin, không muốn chấp nhận sự thật anh đã hi sinh, không thể trở về với mẹ con tôi nữa", bà Lương bật khóc.

Năm 1976, nhận được giấy báo tử của chồng, bà không còn nước mắt để khóc, ôm chặt tờ giấy mỏng manh ấy, đôi mắt trân trân nhìn bất định vào khoảng không trước mặt. Đôi tay run rẩy vuốt mảnh giấy với dòng chữ đau đớn.

Tim bà đánh thót một cái khi đọc tới dòng chữ: "hi sinh ngày 17/10/1972".

Không! Không phải là anh ấy! Bà vội vã chạy vào buồng, lục tung xấp thư dày cộp vẫn đặt dưới gối. Đây rồi, lá thư cuối cùng của chồng gửi về viết vào ngày 4/10/1973, bà nhận vào tháng 4/1974, nghĩa là viết và gửi sau ngày hi sinh được ghi trong giấy báo tử.

Bà đi dò hỏi khắp nơi, hi vọng ai đó có biết thông tin về chồng mình.

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 3

"Một người trong xã, cũng đi B trở về khẳng định với mẹ tôi, năm 1973 gặp ba tôi ở chiến trường. Như vậy, giấy báo tử ghi ba tôi hi sinh năm 1972 chắc chắn là không đúng. Những dữ liệu ấy càng củng cố lòng tin của mẹ tôi rằng ba tôi không chết, chỉ là ba đang ở đâu đấy chưa về mà thôi. Có nhiều người báo tử hàng năm trời vẫn trở về sờ sờ đấy thôi!", chị Nguyễn Thị Thu Hiền, con gái độc nhất của vợ chồng bà Lương, kể. 

Bà Lương cầm lá thư và giấy báo tử lên ủy ban xã "khiếu nại" về sự nhầm lẫn ấy với niềm hi vọng rằng người ta đã báo tử sai. Kể cả khi giả thiết có thể ông thực hiện một nhiệm vụ bí mật nào đấy buộc đơn vị phải ghi "chệch" thông tin hi sinh, hoặc có thể do nhầm lẫn, sơ suất trong quá trình ghi giấy báo tử, bà vẫn không chịu tin, hay nói cách khác, bà cố bấu víu vào cái thông tin sai lệch ấy để hi vọng.

Sau nhiều lần đi "đòi" chồng, cuối cùng, thông tin trong giấy báo tử đã được sửa lại, thời gian hi sinh là 17/10/1973, chỉ ít ngày sau khi lá thư cuối cùng được gửi đi.

Bà vẫn không chịu tin vào sự thật nghiệt ngã ấy. Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Thế nhưng biết tìm anh ấy ở đâu giữa mênh mông đất trời, khi tờ giấy báo tử chỉ vẻn vẹn mấy chữ "hi sinh ở mặt trận phía Nam".

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 5

"Thời ấy, đất nước mới ra khỏi chiến tranh, khó khăn thiếu thốn bộn bề, cơm ăn không đủ no. Tôi thì phận đàn bà con gái, lại con nhỏ nữa, nên muốn đi tìm chồng cũng không thể đi được. Biết là chiến tranh, biết là cũng có bao nhiêu người như mình, nhưng đêm về vò võ một mình, ôm con mà nước mắt cứ tuôn ướt đẫm gối. Thương mình, thương con, thương chồng, không biết anh ấy còn nằm nơi đâu...", bà Lương hồi tưởng.

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 7

Vào một ngày tháng 6/2009, bà Lương nhận được lá thư của ông Nguyễn Viết Quản (trú tại quận 6, TPHCM). Trong thư ông Quản thông tin về ngôi mộ liệt sĩ mang tên Nguyễn Lương Kiền, hiện đang an táng tại nghĩa trang Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh), hi sinh ngày 29/4/1975, quê quán xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản, ông là quân số Đoàn đặc công 429 miền Đông Nam Bộ, chi viện cho Tỉnh đội Tây Ninh.

"Trước mỗi trận đánh, anh em chúng tôi nói với nhau: "Sau này hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết đưa về quê cha đất tổ". Là người may mắn sống sót sau cuộc chiến, tôi xem đó là lời thề thiêng liêng giữa những người lính nên có thời gian là tôi đi tìm đồng đội.

Tôi đi khắp các nghĩa trang ở huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Biên, Hòa Thành (Tây Ninh) ghi chép cẩn thận những bia mộ liệt sĩ cùng đơn vị để gửi về quê hương.

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 9

Ở Nghĩa trang Hòa Thành, tôi phát hiện bia mộ liệt sĩ Nguyễn Lương Kiền, Tiểu đoàn 16, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh. Năm 1972, tôi từ Tiểu đoàn 18, Đoàn đặc công 429 miền đông Nam Bộ, chi viện cho Tỉnh đội Tây Ninh, chiến đấu cùng Tiểu đoàn 16 với anh Kiền. Hồi đó anh em có trò chuyện, tâm sự với nhau nên tôi có biết vợ anh ấy tên Lương. Có thể vì thương nhớ vợ mà anh Kiền đã lấy tên vợ làm tên lót, nên dẫn tới nhầm lẫn trong bia mộ", ông Quản nhận định. 

Nhận được lá thư của ông Quản, ngay lập tức, bà Lương gọi theo số điện thoại trong thư, để hỏi thêm thông tin. Tuy nhiên, thông tin trên bia mộ và thông tin trên giấy báo tử không giống nhau về tên lót, thời gian hi sinh khiến việc xác định hài cốt liệt sĩ gặp khó khăn.

Bà Lương lại lên xã, đề nghị kiểm tra lại các thông tin và xác nhận bằng văn bản ở địa phương chỉ có duy nhất liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền (SN 1946), có bố là Nguyễn Cầu, mẹ là Phan Thị Đìu, vợ Nguyễn Thị Lương và con gái là Nguyễn Thị Thu Hiền.

Giấy xác nhận, đơn tường trình, đơn đề nghị tìm phần mộ của bà Lương được gửi vào cho ông Quản để xác minh thông tin phần mộ liệt sĩ có tên Nguyễn Lương Kiền.

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 11

"Tôi lên Tỉnh đội Tây Ninh, Quân khu 7 trình bày sự việc cụ thể. Các anh ấy nghe xong, mở hồ sơ lưu trữ để kiểm tra, đối chiếu. Các thông tin về thân nhân, quê quán, đơn vị, thời gian hi sinh, vị trí chôn cất, quy tập... đều đúng với nhận định ban đầu của tôi.

Cầm tờ giấy của Ban Chính sách Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh xác nhận "Liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, tên thường gọi là Nguyễn Lương Kiền, quê quán xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh, hi sinh ngày 29/4/1975, đơn vị Tiểu đoàn 16/Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, cấp bậc: Trung sỹ, chức vụ: Trung đội phó...", tôi mừng rơi nước mắt. Có thể thời gian hi sinh của anh Kiền trong quá trình viết báo tử bị sai lệch", ông Quán kể. 

Tuy nhiên, khi làm thủ tục bổ sung, chỉnh lý thông tin trên bia mộ và thông tin trong giấy báo tử để gia đình liệt sĩ thăm viếng, di chuyển lại gặp khó khăn do ông Quản không phải là thân nhân của liệt sĩ. 

Sau nhiều tháng trời, với sự giúp đỡ của đại diện Tỉnh đội Tây Ninh, Quân khu 7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh và các cá nhân khác, cuối cùng ông Quản cũng có thể giúp gia đình bà Lương hoàn thành tâm nguyện.

Người vợ liệt sĩ cầm thư đi đòi chồng - 13

Cuối năm 2009, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền đã được cất bốc, đưa về an táng tại quê nhà. Sau 38 năm xa cách, ông đã được trở về quê hương, bên người thân và có thể an lòng yên nghỉ.

Người lính ấy đã ra đi vì nghĩa lớn, người vợ nơi quê nhà vẫn trọn vẹn một lời thề thủy chung son sắt và cô con gái có cuộc sống bình yên như chính niềm mơ ước của ông..

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Tuấn Huy