Đà tiến công của Nga ở Ukraine chậm lại
(Dân trí) - Đà tiến công, kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine của Nga đang ở mức chậm nhất kể từ tháng 8/2024.
Ukrainska Pravda dẫn thông tin từ DeepState, một nhóm nhà phân tích về tình hình Ukraine, ngày 1/2 cho biết, trong tháng 1, Nga kiểm soát thêm khoảng 325km2 lãnh thổ Ukraine. Đây là đà tiến công chậm nhất kể từ tháng 8/2024.
"Nga kiểm soát 325km2 lãnh thổ Ukraine trong tháng 1. Moscow tiếp tục thực hiện các hoạt động tấn công tích cực trên nhiều mặt trận, nhưng ở hầu hết các khu vực, lực lượng Kiev đang cố gắng làm chậm bước tiến của họ. Nhiều lợi ích đáng kể của Nga là kết quả của những sai lầm tái diễn từ phía Ukraine", DeepState cho hay.
Theo DeepState, Nga chỉ tiến quân ở phía nam Donetsk, phía nam Pokrovsk, phía bắc Ocheretyne, phía nam và phía bắc thành phố Kurakhove.
Một trong những trọng tâm chính của Nga là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Khu vực này bao gồm toàn bộ Lugansk và Donetsk mà Nga đã tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022, song đến nay vẫn chưa thể kiểm soát hết.
Năm ngoái, Nga đã đạt được những bước tiến nhanh chóng, kiểm soát lãnh thổ Ukraine với tốc độ kỷ lục sau khi Kiev mở chiến dịch tấn công vào tỉnh Kursk ở biên giới Nga.
Đà tiến công chậm gần đây có thể phần nào cho thấy Nga đang phải hứng chịu nhiều thương vong và phải vật lộn để bổ sung quân số.
Cả Nga và Ukraine đều nỗ lực giành ưu thế trên chiến trường trước một cuộc đàm phán tiềm năng do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện phải có những đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trả lời phỏng vấn AP hôm 1/2, ông Zelensky nói, kết nạp Ukraine vào NATO là sự đảm bảo an ninh "rẻ nhất" mà phương Tây có thể dành cho Ukraine và là cơ hội để Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng địa chính trị trước Nga.
Ông lập luận, việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ mang lại lợi ích chung cho Kiev và các quốc gia thành viên. Việc bổ sung lực lượng phòng thủ Ukraine cũng sẽ là một lợi thế đối với NATO, có khả năng cho phép Mỹ rút quân đồn trú ở nước ngoài.
Ông Zelensky nói thêm, đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn tiềm tàng với Nga cũng đang được thảo luận, song hiện vẫn còn những câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch này. Mặt khác, ông cũng cho rằng, chỉ riêng kế hoạch đó là chưa đủ.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong khi đó, Nga tuyên bố lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO là điều kiện then chốt của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.