(Dân trí) - Suốt 25 năm, anh Ngô Văn Dư đã hiến máu 98 lần với 147 đơn vị máu. Anh Dư tâm sự: "Khi hiến máu, tôi luôn mong mỏi "máu chờ người chứ không phải để người chờ máu". Với tôi, hạnh phúc chỉ là vậy... ".
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3):
Người hiến máu 98 lần: "Hạnh phúc là khi máu chờ người... "
Suốt 25 năm, anh Ngô Văn Dư đã hiến máu 98 lần với 147 đơn vị máu. Anh Dư tâm sự: "Khi hiến máu, tôi luôn mong mỏi "máu chờ người chứ không phải để người chờ máu". Với tôi, hạnh phúc chỉ là vậy... ".
25 năm thầm lặng cứu người
Tháng 11/2020, tại Hà Nội, anh Ngô Văn Dư (sinh năm 1974) đã vinh dự là một trong 400 tấm gương tiêu biểu tham gia buổi Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng". Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Người đàn ông 47 tuổi này đang sống cùng người thân trong căn nhà trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TPHCM).
Tham gia công tác hiến máu từ rất sớm, vào những năm 1995 đến nay, anh Dư cho biết: "Vào năm 1995, khi tôi đang chăm sóc một người bạn tại bệnh viện Chợ Rẫy. Chứng kiến trường hợp người nhà bệnh nhân cấp cứu chạy đôn đáo tìm máu, tôi rất muốn giúp nhưng lại có chứng sợ máu và chưa biết có bị ảnh hưởng tới sức khỏe sau khi cho máu hay không...".
Sau khi về nhà, anh Dư không lúc nào không nghĩ về hình ảnh "người chờ máu" của gia đình bệnh nhân.
Lương tâm anh cắn rứt và luôn tự đặt câu hỏi là "Sẽ ra sao nếu người nhà bệnh nhân đó không tìm được người truyền máu? Nếu không có máu để bác sĩ kịp thời cấp cứu thì tính mạng người đó thế nào?...". Những câu hỏi đó cứ ám ảnh anh Dư một thời gian dài.
Ngoài việc thường xuyên tham gia các buổi hiến máu nhân đạo, anh Dư còn là một thành viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tại địa phương.
Đến năm 1996, anh Dư tham gia công tác Chi Đoàn dân quân tự vệ tại địa phương. Qua đó, anh biết tới phong trào hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Trung ương phát động. Anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia liên tục cho tới nay.
Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên hiến máu, anh Dư nói: "Khi đó, trong tôi xuất hiện 2 luồng cảm xúc. Thứ nhất là hồi hộp. Vì tôi rất sợ máu và kim tiêm. Khi thấy bịch đựng máu, tôi bị chóng mặt và muốn bỏ về ngay lập tức. Nhưng khi nghĩ lại trường hợp năm 1995, tôi tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình".
Sau khi hoàn thành công tác hiến máu, anh Dư cảm rất vui mừng và hạnh phúc vì đã vượt qua chính nỗi sợ và tôi đã làm được một việc có ích.
Anh Dư thường xuyên tập luyện thể thao và ăn uống đầy đủ để không ảnh hưởng đến việc hiến máu.
Anh Dư cho biết: "Thời điểm năm 1996, việc vận động người dân tham gia hiến máu gặp rất nhiều khó khăn. Do tôi vận động chủ yếu là các đoàn viên, dân quân tự vệ, đa phần là các bạn thanh niên. Vì vậy nhiều khi mấy bạn có những tâm lý sợ bệnh viện, sợ xét nghiệm,… Nên tôi cực kỳ vất vả và khó khăn để đi vận động".
Tính đến tháng 3/2021, anh Dư đã tham gia hiến máu 98 lần với 147 đơn vị máu. "Sau mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường. Cộng với việc ăn uống điều độ và rèn luyện thể dục thể thao, bản thân vẫn duy trì được thể lực và ít bị bệnh tật", anh Dư cho biết.
Những tấm hình khi hiến máu được anh Dư lưu lại trong điện thoại để làm kỷ niệm.
Mong muốn hiến xác sau khi mất
Anh Dư đã kết hôn và có một người con gái 13 tuổi, hiện đang ở với mẹ ở nước ngoài. Sau khi biết những việc làm của anh thì rất ủng hộ và tự hào.
"Con gái tôi sau khi biết tôi làm những việc có ích giúp xã hội rất vui, bé còn đăng hình cả 2 cha con trên mạng xã hội. Điều mà nó chưa từng làm trong 9 năm trời sống xa cách", anh Dư tâm sự.
Việc làm thiện nguyện của anh đang được các thành viên trong gia đình và bạn bè ủng hộ. Nhưng ít ai biết được, để nhận được sự ủng hộ này, anh Dư đã phải kiên định giữ vững lập trường qua bao thử thách và sức ép khi ban đầu.
"Trước đây, gia đình tôi khi nghe đến hiến máu thì đều có tâm lý rất là sợ. Lúc đó, người ta nghĩ máu lấy đi thì sẽ mất lượng máu đó không thể tái tạo lại nên đã phản đối rất nhiều. Tôi chỉ còn cách dùng hành động để chứng minh cho lời nói của mình. Cứ 3, 4 tháng, tôi lại đi hiến máu một lần. Sau một khoảng thời gian thì gia đình đã hiểu và ủng hộ tôi", anh Dư cho biết.
Nói về việc được Thủ tướng tặng Bằng khen trong Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng", người đàn ông 47 tuổi cho biết: "Đây là niềm vinh dự đối với tôi, khi được trực tiếp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hà Nội. Đây cũng chính là động lực để bản thân tôi cố gắng phấn đầu để làm những việc có ích cho cộng đồng nhiều hơn nữa".
Anh Dư mong muốn được hiến xác cho y học sau khi qua đời.
Anh Dư cho biết thêm, hành trình hiến máu của anh sẽ không dừng lại ở những con số 98, hay 100 lần mà nó sẽ kết thúc khi bản thân anh không còn đủ điều kiện và sức khỏe để tiếp tục hiến máu. Nếu còn sức khỏe anh vẫn sẽ còn tiếp tục làm những việc vì phương châm hãy để "máu chờ người chứ đừng để người chờ máu".
"Thông qua việc hiến máu, tôi muốn truyền tải đến một thông điệp. Một con én thì không làm nên được mùa xuân, nếu mọi người nên chung tay vì cộng đồng, tham gia công tác hiến máu vì đây là một việc làm rất nhân văn giữa con người với con người", anh Dư tâm sự.
Bày tỏ với PV, anh Dư có một tâm nguyện: "Ngoài việc tôi sẽ hiến máu đến ngày cuối cùng, nếu sau này tôi mất đi thì tôi nguyện hiến xác cho bệnh viện để nghiên cứu khoa học hoặc cứu người".
Hạnh phúc khi chia sẻ những giọt máu thiện nguyện
Chia sẻ với Dân trí, anh Ngô Văn Dư cho biết luôn hạnh phúc với công việc hiến máu trong suốt 25 năm qua. Anh hy vọng những việc làm nhỏ bé của mình sẽ góp phần mang đến những hạnh phúc lớn cho người khác.
"Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản, bản thân mình là người Việt Nam và hãnh diện vì điều đó nên tôi làm được việc gì cho cộng đồng thì tôi sẽ làm việc đó. Công tác hiến máu là việc mà tôi hoàn toàn có thể làm vì cộng đồng và không nghĩ bản thân sẽ nhận được lại bất cứ thứ gì. Tôi chỉ nghĩ, những giọt máu cho đi sẽ giúp nhiều mảnh đời được ở lại.
Với tôi, hạnh phúc trong cuộc sống không cần làm những việc to tát. Đôi khi chỉ cần làm những việc nhỏ như một lời chúc, một lời động viên người khác trong cuộc sống đầy khó khăn này. Bản thân tôi, cứ mỗi sáng tôi đều gửi một lời chúc, lời động viên đến bạn bè, cứ như vậy "tích tiểu thành đại", càng làm nhiều việc nhỏ thì sẽ thành việc lớn.
Những giọt máu mà tôi cho đi thì đều được các bệnh nhân nhận, họ giống như người thân của tôi. Nếu rơi vào hoàn cảnh đang cần máu thì đồng bào dang tay giúp đỡ lẫn nhau. Sự hạnh phúc nhất đối với tôi là những giọt máu của mình được đưa đến kịp thời đến bệnh nhân. Hãy để máu chờ người chứ đừng để người chờ máu", anh Dư tâm sự.
"Bản thân tôi rất là hạnh phúc vì những việc làm của mình dù nhỏ nhưng về mặt ý nghĩa nó giống như một động lực giúp mọi người quan tâm đến công tác hiến máu này nhiều hơn".