Đắk Lắk:
Nước mắt hạnh phúc khi tìm được phần mộ liệt sĩ sau 46 năm tìm kiếm
(Dân trí) - Nhiều người đã bật khóc vui sướng khi được thông báo tìm được phần mộ của người thân sau 46 năm ròng rã đợi chờ, đó những liệt sĩ đã anh dũng hi sinh cho tổ quốc.
Đã nhiều lần từ Nghệ An vào Đắk Lắk nhưng có lẽ đối với ông Hồ Đình Châu (68 tuổi, ở xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đây là chuyến đi hạnh phúc, vui sướng nhất trong cuộc đời.
Đã 46 năm qua ông và cả dòng tộc mòn mỏi tìm kiếm mộ phần của người anh trai là liệt sĩ Hồ Đình Quy. Mãi đến những ngày này, mộ phần người anh trai của ông đã chính thức được tìm thấy.
Quỳ sụp bên mộ anh trai, ông Châu đã khóc nấc vì vui mừng. Ông cho biết, liệt sĩ Hồ Đình Quy hi sinh tại Đắk Lắk vào ngày 11/7/1974 trong một trận chiến. Tuy nhiên, cả gia đình ông đều không biết đâu là phần mộ của người thân mình để được thăm viếng.
"Suốt ngần ấy năm gia đình tôi trông ngóng và tổ chức tìm kiếm khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Bố mẹ tôi không tìm được anh Quy nên đau khổ vô cùng, trước khi mất ông bà vẫn dặn chúng tôi phải cố gắng tìm bằng được anh ấy. Nay được Đảng, nhà nước tổ chức giám định ADN tìm được phần mộ của anh tôi, thật sự chúng tôi xúc động và biết ơn vô cùng", ông Châu bày tỏ.
Cũng theo ông Châu, dòng tộc ông quyết định sẽ không đưa hài cốt của liệt sĩ Hồ Đình Quy về Nghệ An mà sẽ để ở lại Nghĩa trang liệt sĩ Đắk Lắk để liệt sĩ được ở cùng với các đồng đội năm xưa.
"Hiện vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sĩ vô danh, tôi rất mong những gia đình các liệt sĩ khác cũng sẽ sớm tìm được người thân như chúng tôi hôm nay", ông Châu chia sẻ.
Tương tự ông Châu, ông Bùi Xuân Phú (65 tuổi, ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cũng không giấu sự hạnh phúc khi đã tìm được phần mộ người anh trai là liệt sĩ Bùi Xuân Khang hi sinh năm 1974.
"Bao nhiêu năm tìm kiếm trong vô vọng đã có lúc gia đình tôi tưởng chừng sẽ không bao giờ tìm thấy phần mộ của anh ấy nữa. Nhận được thông báo từ phía chính quyền đã xác định được phần mộ của anh, đại gia đình tôi vui mừng khôn xiết. Giây phút này, tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, nhà nước đã quan tâm và có trách nhiệm rất cao trong công tác đền ơn đáp nghĩa để gia đình chúng tôi có được giây phút hạnh phúc này", ông Phú tâm sự.
Còn bà Bùi Thị Lan (66 tuổi, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã cùng con, cháu đến gặp, hương khói cho người anh rể là liệt sĩ Đặng Văn Sửu hi sinh năm 1973. Gia đình bà Lan từng tìm kiếm người thân khắp nơi từ Gia Lai, Kon Tum và nhiều khu vực tại Đắk Lắk những không thể tìm thấy.
"May mắn cho chúng tôi khi được các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện giám định ADN để tìm được người thân, điều này đã an ủi không những cho liệt sĩ đã mất mà những người còn sống như chúng tôi cũng không còn cảm giác day dứt như suốt mấy chục năm qua", bà Lan cho hay.
Để xác định danh tính các liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã phối hợp cùng Viện Pháp y Quân đội (Cục Quân y) ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cùng cơ quan chức năng tiến hành khai quật 106 mộ tại lô E nghĩa trang Đắk Lắk và nghĩa trang huyện Cư M'gar để giám định hình thái, phân tích ADN. Kết quả xác định được danh tính cho 34 hài cốt liệt sĩ.
Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đắk Lắk là một trong những địa bàn chiến lược của mặt trận Tây Nguyên. Giải phóng Buôn Ma Thuột là trận chiến mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 được giao nhiệm vụ chiến đấu tại đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ).
Đây là một cứ điểm quan trọng, huyết mạch từ tỉnh Gia Lai nối với các tỉnh miền Trung lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nên thường xuyên xảy ra những trận đánh ác liệt và có khoảng 260 chiến sĩ của Trung đoàn 25 đã hi sinh.