(Dân trí) - Nghe chồng nói: "Chắc anh không qua khỏi. Em ở lại ráng lo cho hai con", chị Tú cúp điện thoại, ngăn không cho chồng nói tiếp "lời xúi quẩy" nhưng không ngờ, đó là lời trăn trối cuối cùng của anh...
Nghe chồng nói: "Chắc anh không qua khỏi. Em ở lại ráng lo cho hai con", chị Tú cúp điện thoại, ngăn không cho chồng nói tiếp "lời xúi quẩy" nhưng không ngờ, đó là lời trăn trối cuối cùng của anh...
Đó là cuộc gọi lúc 20h, ngày 27/7 năm ngoái, thời điểm TPHCM có hàng trăm người qua đời vì Covid -19 mỗi ngày. Qua màn hình điện thoại, chị Bùi Thị Cẩm Tú, 41 tuổi, ở Quận 4 thấy chồng vẫn tỉnh táo, không phải đeo mặt nạ thở. Chị động viên chồng: "Anh còn trẻ, không có bệnh nền, anh sẽ sớm về với mẹ con em".
Nhưng khi đó, anh Cường, 48 tuổi, chồng chị Tú, không có niềm tin vào sự sống, luôn miệng nói: "Chắc anh không qua khỏi". Không muốn chồng nói điềm chẳng lành, chị Tú cúp máy cái rụp khi thoáng rùng mình, gai người. Giật mình như chợt bừng tỉnh ngay sau đó, chị vội bấm máy gọi lại chồng nhưng đáp trả chỉ là những hồi chuông "tút tút".
Từ đó tới nửa đêm, chị gọi lại hàng trăm cuộc nhưng vô vọng. Khi đồng hồ vừa điểm qua ngày mới, chị đi đến bàn thờ Phật cầu nguyện: "Con nguyện hiến dâng quãng đời còn lại của mình để đổi mạng cho chồng". Nguyện đánh đổi xong, chị thất thểu đi khắp nhà kiếm cây kéo, tự cắt trụi mái tóc dài quá lưng của mình.
Lúc đó, chị và hai con cũng đang mắc Covid-19. Mẹ chồng chị thì đã qua đời vì dịch bệnh quái ác ít ngày trước đó.
"Chồng ở viện, tôi chẳng thể làm gì hơn. Cạo đầu là điều duy nhất thể hiện sự quyết tâm cứu chồng của tôi. Nhưng không có phép màu nào xảy ra, hôm sau, anh ấy qua đời khi đang trên xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên", nước mắt lăn dài, chị Tú kể lại.
Chị Tú là một y sĩ y học cổ truyền, có một phòng khám đông y ở Quận 5, TPHCM. Ngoài ra, chị còn có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề spa, thẩm mỹ. Trước khi gia đình trải qua nỗi đau mất mát, chia lìa giữa đại dịch năm ngoái, chị Tú đã dùng chính phòng khám của mình làm điểm trung chuyển để phân phối gạo, rau củ quả cho các điểm cách ly suốt nhiều tháng.
Điều đặc biệt, toàn bộ kinh phí để lo hàng trăm phần ăn hỗ trợ đồng bào mỗi ngày đều do chị bỏ tiền túi làm, không kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng. Bạn bè biết, mỗi người góp một vài triệu đồng, chung tay cùng lo chuẩn bị, phân phối đồ thiện nguyện. Nhưng mọi người cũng chỉ tham gia, hỗ trợ được trong tháng đầu tiên. Sau đó, chỉ còn một mình chị tiếp tục hoạt động hỗ trợ người nghèo trong khu phong tỏa.
Cũng từ đó, chị ở hẳn tại phòng khám để làm thiện nguyện.
"Tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nhưng không nhiễm bệnh. Khi hay tin chồng, con và mẹ chồng ở nhà mắc Covid, tôi tất tả bỏ hết công việc, chạy về lo cho gia đình", chị Tú cho biết, đó là một ngày giữa tháng 7/2021.
Sau khi chồng và mẹ chồng nhập viện, chị Tú cũng trở thành F0. Ngày nhận được điện thoại từ một người bác sĩ quen ở bệnh viện báo tin chồng đã mất, chị Tú chỉ biết gào lên một câu: "Anh Cường ơi!", rồi ngất lịm. Suốt khoảng thời gian chị bất tỉnh, hai cậu con trai ôm riết mẹ. Vừa mở mắt tỉnh lại, con trai lớn 12 tuổi của chị cố gắng động viên mẹ trong nước mắt: "Mẹ ơi, mẹ còn con đây".
"Tôi khó thở, oxy trong máu tụt, cứ đứng dậy đi được vài bước là vấp té, tưởng chừng cũng sắp theo chồng. Nhưng tôi sợ bỏ con bơ vơ, sợ ba mẹ buồn. Nỗ lực hết sức, tôi cố bò dậy nấu nước xông, nấu cháo loãng thêm đường, hút như nước, quyết tâm phải sống", chị nói.
Ngày 7/8, chị Tú thấy trong người khỏe lại, vào Facebook sau hơn nửa tháng, người phụ nữ trở về từ cõi chết thấy tràn ngập trong các hội nhóm là những dòng trạng thái của người nghèo xin thức ăn, xin thuốc để chữa bệnh.
"Tôi như vừa từ cõi chết trở về, để vuột mất chồng và mẹ chồng mà chẳng thể làm gì được. Bây giờ tôi còn sống, tôi còn ít tiền, tôi phải đi cứu người", chị nói, giọng chắc nịch.
Lập tức, chị vận dụng hết các mối quan hệ bạn bè trong ngành dược của mình, hỏi về những loại thuốc có thể hỗ trợ người nhiễm Covid. Họ cho chị một đơn thuốc gần chục loại, chị tìm các đầu mối để mua.
Xin được giấy phép đi đường, chị Tú một mình phân chia thuốc, chất đầy chiếc xe 7 chỗ, tìm đến những nơi người dân đang cần mình. Mỗi ngày tặng hàng trăm phần thuốc cho các F0 khắp Sài Gòn.
Buổi sáng chị lo cơm nước cho hai con xong rồi lái xe đi, trưa về cho con ăn xong rồi lại đi tiếp đến tối mịt. Ba mẹ con chị đã cùng nhau vượt qua Covid, cùng nhau cứu người như thế.
Chị Phạm Oanh, 37 tuổi, đến giờ vẫn không kìm được xúc động khi kể lại chuyện đại gia đình hơn 20 người của mình được chị Tú cứu sống.
Xóm của chị Oanh ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, một điểm cách xa trung tâm thành phố nên ít có các nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ thức ăn, thuốc men. Khi cả nhà nhiễm bệnh, chị Oanh không biết phải mua thuốc ở đâu nên đánh liều lên mạng xin. Tình cờ thấy bài đăng của chị Tú trên Facebook, chị Oanh nhắn tin xin thuốc. 2 tiếng sau, chị Tú đã trực tiếp lái xe mang thuốc đến.
"Chị ấy cho nhà tôi hơn chục phần thuốc, mỗi phần là 7 ngày uống với đầy đủ các loại thuốc, đều là loại tốt, ngoại nhập, từ vitamin tới thuốc ho, hạ sốt… Sau đó, tôi giới thiệu cho hàng xóm và gia đình em gái xin, cũng đều được đáp ứng. Cả trăm người trong con hẻm tôi sống đều nhờ thuốc của chị Tú", người phụ nữ sống ở ấp Mỹ Huề nói.
Còn sư thầy Thích Giác Hải ở đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4 thì kể, ông biết đến chị Tú vì được người quen giới thiệu đến nhà để cúng 49 ngày cho anh Cường, chồng chị. Biết chị Tú tặng thuốc cho F0, sư thầy đã kết nối, xin giúp cho hàng chục người. Thấy thầy có bếp ăn 0 đồng, chị Tú đi xin rau củ, gạo chở tới tận nơi hỗ trợ duy trì hoạt động của bếp.
"Tôi thấy người ta làm thiện nguyện, thường hay đăng bài lên mạng để kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng nhưng với cô Tú thì không. Cô ấy chỉ làm một mình, trong khả năng có thể", thầy Hải chia sẻ.
Vốn là một người mẹ từng trải qua nỗi đau mất con năm 2011, 10 năm sau lại thêm nỗi đau mất chồng, chị Tú nhiều lần cảm thấy cay cực, thấy cuộc đời đối xử nghiệt ngã với mình. Tuy nhiên, chị không nghĩ đi cứu người để đổi lại niềm vui hay mong nhận được sự đền ơn.
Suốt mùa dịch, công việc làm ăn bị ngừng lại, không có thu nhập trong khi bao nhiêu tiền bạc đều dành để mua thức ăn, mua thuốc cứu người, đến tháng 8/2021, chị Tú cũng cạn tiền. Nhưng chị còn một chiếc nhẫn kim cương trong hộc tủ. Đó là phần thưởng chị tự dành tặng cho mình từ nhiều năm trước nhưng ít có dịp đeo.
"Đến giờ, tôi đã cạo đầu, chiếc nhẫn quý giá hay vẻ ngoài xinh đẹp cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa", chị Tú bày tỏ tâm tư. Chị tìm nơi bán chiếc nhẫn quý với giá 160 triệu đồng. Số tiền đó đủ để chị mua hàng nghìn phần thuốc nữa, cho đến ngày Sài Gòn hết giãn cách xã hội.
"Tiền có thể kiếm lại được. Có tiền nhiều không hẳn là điều quan trọng nhất, mà hơn hết là sử dụng số tiền đó được như thế nào để mình thanh thản và mang lại ý nghĩa cho đời", chị Tú tâm niệm.
Tối 13/10/2021, một người bạn thân bất ngờ mang bánh sinh nhật đến đúng ngày chị Tú bước qua tuổi 41, kéo chị vào phòng thay váy áo, buộc chị đội tóc giả để mở tiệc mừng. Trải qua những biến cố, những cú sốc tưởng chừng khó vượt qua, những trải nghiệm cứu người mà một người y sĩ chưa từng biết đến, lần đầu tiên, chị Tú đăng một tấm hình cười tươi lên trang cá nhân.
Vượt qua nỗi đau, đầu năm 2022 chị Tú khai trương một spa chuyên về làm đẹp, chăm sóc da ở quận Bình Tân. Mỗi ngày, sau khi lo cho hai con xong, chị đến spa làm việc đến tối. Người phụ nữ cho rằng chị vẫn may mắn vì còn các con, còn công việc cuốn đi, giúp chị bớt nghĩ đến chuyện tiêu cực.
Tuy nhiên, vốn liếng đã cạn, để có thể mở lại spa, chị Tú phải vay mượn anh chị em trong nhà. Không chỉ hỗ trợ về tiền bạc, mọi người đều động viên và tự hào vì những việc chị Tú đã làm. Tạm thời, muốn dành nhiều thời gian cho bản thân và để hồi phục sức khỏe, chị Tú tạm đóng cửa phòng khám đông y.
Sinh nhật tuổi 13 của con trai lớn, em được lì xì 7 triệu đồng. Cậu bé chạy lại ôm mẹ, xoa cái đầu đinh y hệt mình của mẹ và nói: "Mẹ lấy tiền này mà đi giúp người". Giây phút đó, người phụ nữ nghĩ có lẽ đây là sự an ủi mà cuộc sống bù lại cho chị sau những mất mát.
"Ôm hai con vào lòng, tôi thấy mình đã bình tâm và nhẹ lòng hơn để tiếp tục đón nhận cuộc sống", chị Tú nói.
Nội dung: Diệp Phan
Thiết kế: Thủy Tiên