"Chồng, cha mất rồi, gia đình tôi như nhà không cột!"
(Dân trí) - "Con sẽ phải cố gắng thật nhiều để đứng vững trên đôi chân của mình. Khoảng thời gian hạnh phúc, bình yên nhất là khi còn có ba", Mỹ Hạnh hứa, sau bữa cơm cúng 49 ngày của ba, hôm 5/9/2021.
Thay cha chăm mẹ, nuôi em
Vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành Điện - điện tử, Mỹ Hạnh đã trở thành trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho mẹ và cậu em trai câm điếc. Năm ngoái, cha Hạnh, anh Nguyễn Thanh Phương, tài xế taxi, qua đời vì Covid -19 ở tuổi 49.
Mẹ của Hạnh, chị Nguyễn Thị Phượng, 45 tuổi, làm nội trợ, cố gắng mở một quán tạp hóa nhỏ để kiếm tiền nuôi 2 con.
5 năm trước, chị Phượng được phát hiện mắc ung thư tuyến giáp, đến giờ vẫn đang điều trị, lại thêm bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Vì thế, khoản lương hơn 7 triệu đồng mỗi tháng của anh Phương là nguồn sống của cả gia đình khi đó.
Nhà nghèo nhưng vợ chồng anh chị vẫn lo cho Hạnh học đến cao đẳng. Còn em trai Hạnh, cậu bé T.P, 15 tuổi, vì câm điếc bẩm sinh nên được học trường chuyên biệt, học phí hơn 2 triệu mỗi tháng.
Trước khi đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn hồi năm ngoái, Hạnh vừa tốt nghiệp. Tháng lương đầu tiên, cô bé gửi mẹ 1 triệu đồng, phụ đóng học phí cho em trai. Những tưởng cuộc sống gia đình cứ êm ả trôi qua, cuộc sống sẽ bớt khó khăn sau khi Hạnh ra trường nhưng dịch bệnh ập đến khiến cuộc sống của gia đình nhỏ chênh vênh.
Cuối tháng 6, anh Phương lái xe chở Giám đốc lên công ty, chưa kịp về nhà thì trong công ty có ca Covid-19, anh bị đưa đi cách ly tập trung. Ít hôm sau, anh cũng có kết quả dương tính. Không ăn uống được nhiều, anh Phương nhanh xuống sức rồi trở nặng. Ngày 19/7, trong cuộc gọi về cho vợ con bị ngắt quãng vì không thở được, anh qua đời ở bệnh viện dã chiến, khi chưa kịp dặn dò điều gì.
"Chồng mất, gia đình tôi như nhà không cột", chị Phượng nói khi nghĩ về tương lai.
Với thu nhập chỉ vài chục nghìn từ việc bán dăm bao thuốc lá, chai nước ngọt lề đường, chị Phượng từng nghĩ đến chuyện cho con trai nghỉ học. Suốt những tháng dịch bùng phát, lòng người mẹ như lửa đốt, nhiều đêm thức trắng. Phần vì thương nhớ chồng, phần vì không biết lấy đâu ra sức khỏe để làm kiếm tiền đóng học phí.
Thấy nét u sầu trong mắt mẹ, vừa hết dịch, Hạnh lao vào tìm việc làm. Có bằng cao đẳng, em được nhận vào làm bộ phận kỹ thuật, điều khiển máy cho một công ty ở Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức. Với khoản lương chưa đến 10 triệu đồng nhưng Hạnh đã thành người thay ba nuôi em trai ăn học, lo thuốc thang cho mẹ mỗi tháng.
Dù làm ngày 8 tiếng, nhưng do đặc thù công việc nên Hạnh thường làm xoay ca. Những hôm làm ca chiều, hơn 23h đêm mới về, có hôm làm ca tối, sáng về nhà, chỉ ăn uống qua loa rồi ngủ vùi đến trưa để lấy sức chiều tiếp tục ca làm mới. Thấy con gái vất vả, chị Phượng chỉ biết động viên con và cũng tự động viên bản thân phải rắn rỏi, chịu khó hơn.
Chị Phượng cho biết, Hạnh tính vốn tiết kiệm, chịu khó và mạnh mẽ như con trai. Cha mất, Hạnh thay cha đấu nối ống nước, sửa điện, làm hết mọi việc của người đàn ông trong nhà. Ngoài giờ đi làm ở công ty, hễ hàng xóm mướn chở xe ôm hay gọi phụ bán hàng vài giờ, em cũng đều nhận lời.
"Mua cái gì con bé cũng đi khảo giá tìm chỗ nào rẻ nhất. Tháng trước, con phải chạy xa thêm gần chục km để mua cây dù cho tôi che trước quán nước. Thấy con chở cồng kềnh, tui trách thì nó bảo đi xa chút mà đỡ được hơn trăm nghìn. Nếu chồng tôi còn sống, chắc con sẽ đỡ vất vả", chị Phượng quệt nước mắt.
Cậu bé P. tuy đã 15 tuổi nhưng năm nay mới học chương trình lớp 4. Chưa an tâm về cậu út bệnh tật thiệt thòi, mỗi ngày chị Phượng đều đưa đón con đi học. Từ nhà đến trường phải chuyển 2 tuyến xe buýt nhưng để tiết kiệm 12.000 đồng tiền vé mỗi ngày, chị thường chỉ đi một chuyến, sau đó dắt con lội bộ thêm gần 2km nữa để đến trường.
P. sợ nhất là những ngày mưa, vì có lần em lỡ quên cất máy trợ thính, mưa thấm ướt, phải đi sửa. Đó là tài sản quý giá nhất trong gia đình mà P. được một nhà hảo tâm tặng từ mấy năm trước. Sợ mẹ tốn tiền, bây giờ, cứ mỗi chiều, Phúc lại tháo máy, cất kỹ vào cặp trước khi ra về.
"Mẹ ơi, chừng nào ba về?"
Cũng chung cảnh mất chồng, đồng thời mất đi trụ cột lo toan chính trong gia đình, chị Trần Thị Nguyệt (44 tuổi, ở quận Tân Phú) hiện phải nuôi hai con nhỏ ăn học với khoản lương công nhân chưa đến 8 triệu đồng/tháng.
17h chiều mỗi ngày, trong khi chị em đồng nghiệp ở xưởng may trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân kéo nhau ra về, chị Nguyệt còn mất hơn 10 phút cố gắng xoay người, tự đấm lưng thùm thụp một hồi xong mới có thể đứng dậy.
"Ngồi máy may suốt nhiều giờ liền trong nhiều năm, tôi bị thoát vị đĩa đệm nặng, ngồi lâu là đau nhức", chị Nguyệt phân trần.
Sau 30 phút chạy xe máy, chị Nguyệt về tới nhà trên đường Tây Thạnh. Hai con nhỏ H.S 15 tuổi và K.V 8 tuổi vừa đi học về. Trong khi anh hai thắp nhang cho ba rồi lục đục cắm nồi cơm thì cô em gái K.V bày một lố búp bê ra sàn nhà, kể rõ từng món đồ chơi được ba mua cho dịp nào, ở đâu.
Anh Tuyến, chồng chị Nguyệt trước đây làm bảo vệ. Dịch Covid -19 ập đến khiến hai vợ chồng cùng thất nghiệp từ tháng 6/2021. Lo lắng vào năm học mới không có tiền đóng học phí cho hai con, anh chạy vạy xin việc chỗ khác. Cuối tháng 8, anh dọn đồ tới công ty, ở lại luôn, quyết giữ việc để kiếm thêm thu nhập, mặc vợ can ngăn hết lời.
Mấy ngày sau, anh Tuyến có kết quả xét nghiệm dương tính. Anh được đưa vào bệnh viện dã chiến nhưng giấu vợ. Nhập viện mới mấy hôm, anh trở nặng nhanh vì ăn gì xong cũng ói hết, đến kiệt sức. Ba ngày trước khi mất, anh mới chịu nhờ bệnh nhân cùng phòng kết bạn zalo để gọi gặp mặt vợ con bởi trước khi vào viện, anh bị mất điện thoại.
Ngày bệnh viện báo tin chồng mất, chị Nguyệt không gào khóc nhưng không thể đứng vững. Những người hàng xóm gần nhà mua nhang đèn, phụ chị lập bàn thờ. Hai đứa trẻ vẫn ngơ ngác, chưa tin đã mất ba. "Chừng nào ba về", S. và V. gặng hỏi mẹ, nước mắt lưng tròng.
Từ hôm bộ đội giúp mang hũ tro cốt của ba về, S. thường thức cả đêm đốt nhang cho ba, không để tắt khói dù chỉ một giây. Mấy hôm sau, chị Nguyệt thấy con trai gọi em gái vào phòng nói chuyện. Tưởng anh hai la mắng em, chị lo lắng đứng bên ngoài nghe thì mới biết thằng bé dặn em từ nay đừng khóc nữa, kẻo mẹ buồn. Thấy mẹ rơi nước mắt, V. lấy tay gạt ngang. "Mẹ đừng khóc nữa mà con khóc theo", cô bé 8 tuổi bỗng chốc vụt già đi trước tuổi.
May mắn hơn chị Phượng, chị Nguyệt vẫn còn đủ sức khỏe để tiếp tục đi làm. Sau dịch, chị trở lại nhà máy ngay lập tức.
Trước đây, anh Tuyến luôn chọn làm ca đêm để ban ngày phụ vợ lo việc nhà, nấu cơm và đưa đón con đi học. Vì thế, sau khi chồng qua đời, ngoài gánh nặng về kinh tế, việc chăm sóc hai con khiến chị cũng lo không thể chu toàn.
"Chồng tôi thương vợ thương con, ngoài đi làm kiếm tiền thì mọi sinh hoạt, học tập của con cái, ảnh một tay lo hết. Thiếu vắng anh, 3 mẹ con như rơi vào cảnh bơ vơ không nhà", chị Nguyệt nghẹn lời.
Từ ngày đi làm lại đến nay, chị Nguyệt luôn thấy con trai tự dậy sớm, lo cắm cơm. Mẹ đi làm, hai anh em ở nhà tự đưa nhau đi học. Có hôm về sớm, V. đói bụng nhưng không biết gọi ai, cô bé tự nấu cơm và chiên trứng ăn, chờ mẹ và anh hai về.
Mỗi chiều, S. thường xem trong tủ lạnh có sẵn đồ ăn gì thì nấu nướng, chuẩn bị trước. Cậu con trai tuổi mới lớn trước đây ít quan tâm đến mẹ, nay mỗi tối đều mang một ly nước ấm vào phòng cho mẹ. Nửa đêm thức giấc, cậu lại quay sang hỏi: "Mẹ có mệt không, con đi pha nước nha".
Ngày Sài Gòn nới lỏng giãn cách đến nay, nhiều đồng nghiệp, họ hàng qua lại, thăm nom mẹ con chị Nguyệt, chị Phượng. Mọi người thường kể cho nhau những kỷ niệm về người chồng, người cha rất mực yêu thương vợ con. Mỗi lần như thế, chị Nguyệt và chị Phượng lại không kìm nổi nước mắt.
Tuy bên ngoài mạnh mẽ, luôn vui cười với con cái, hàng xóm, nhưng chị Phượng lại hay khóc một mình. Nỗi đau mất chồng vẫn chưa thể nguôi ngoai bởi chị còn nhiều điều muốn tâm sự, chia sẻ cùng anh mà chưa kịp nói ra.
"Có nhà hảo tâm hứa hỗ trợ vốn để mở rộng tiệm tạp hóa. Trước đây tôi sợ lỡ làm lỗ không có tiền trả nên chưa mở lời. Giờ thấy con gái vất vả quá, tôi nghĩ mình phải quyết tâm hơn, không thể gục ngã", chị Phượng quả quyết.
Cũng giống chị Phượng, càng nhớ thương chồng bao nhiêu, chị Nguyệt càng đau lòng bấy nhiêu. "Nhưng hai con còn biết vượt qua và động viên mẹ, cớ sao tôi lại cứ mãi đau buồn, mềm yếu được", chị Nguyệt gắng gượng.