Ông ngoại cùng đường, đưa cháu gái mồ côi đi phụ hồ sau đại dịch
(Dân trí) - Sau khi bà ngoại mất vì Covid-19, K.H chỉ còn ông ngoại là chỗ dựa. Hơn nửa năm nay, ông thường chở cháu gái theo mình phụ hồ ở các công trình cách nhà trọ hàng chục km vì không có ai trông.
Bé gái mồ côi vẫy chào ông trước cổng khu cách ly
Mới gần 6h sáng, ông Bùi Văn Chí, 56 tuổi đã đánh thức cháu ngoại K.H, 7 tuổi. Vệ sinh cá nhân xong, H. soạn một ít sách vở cho vào balo, mặc áo khoác, đội nón, leo lên xe máy để ngoại chở đi làm cùng. Trên đoạn đường hơn 20km từ nhà trọ ở đường Ba Đình, Quận 8 xuống công trình ở Cần Giuộc, Long An, ông Chí nói đủ thứ chuyện để cháu gái không ngủ gục. Hơn nửa năm nay, ông Chí thường đưa H. đi làm cùng vì gia đình ông chẳng còn ai.
Mẹ H. qua đời năm em lên hai. Cho đến lúc đó, ông ngoại vẫn không biết cha của cháu mình là ai. Từ ngày mất mẹ, 5 năm nay, ông bà ngoại trở thành người cha, người mẹ thứ hai của cô bé mồ côi.
Nhưng rồi dịch Covid-19 đã cướp mất bà ngoại của H. hồi tháng 8/2021. Lần đó, em và ông ngoại cũng nhiễm bệnh, phải vào bệnh viện dã chiến điều trị.
Ngày cháu ngoại được xuất viện, ông Chí vẫn chưa khỏi bệnh. Ở Sài Gòn không còn người thân, em được các bác sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ một chuyến xe đưa về nhà người bà con ở Long An ở tạm. Hôm chia tay cháu, ông Chí đứng cách H. cả chục mét, vẫy tay tạm biệt. Cảnh tượng được bác sĩ ghi lại, sau đó được chia sẻ trên mạng, gây xúc động trong dư luận.
Cuối tháng 8, ông Chí xuất viện về nhưng chủ nhà trọ cũ ở Bình Chánh chỉ cho ở được thêm hai tháng. Ngày Sài Gòn được nới lỏng giãn cách, ông Chí quay về nơi từng sinh sống hơn chục năm trước để tìm phòng trọ. Khu trọ ở gần trường tiểu học, nơi K.H đã theo học lớp 1 từ năm ngoái. Sau đó, ông về nhà họ hàng ở Long An đón cháu ngoại lên ở.
"Ngoài mẹ H., tôi còn một con gái nữa nhưng gia cảnh cũng nghèo khó, đã có tới con, khó gánh vác thêm nên hai ông cháu chỉ còn cách tự lo liệu", ông Chí kể.
Ngày gặp lại cháu gái, ông Chí bất ngờ khi thấy H. ốm nhom, hỏi ra mới biết con bé nhớ bà ngoại nên chẳng thiết ăn uống. Ông ngoại chở đi bác sĩ, H. được chẩn đoán suy dinh dưỡng và thiếu máu.
"Tôi không có điện thoại thông minh để thấy hình cháu nên không biết con bé ốm như thế. Mỗi lần gọi điện, cháu gái luôn hỏi tôi có khỏe không rồi nhắc tôi giữ gìn sức khỏe", ông Chí lặng lẽ lau nước mắt khi kể lại câu chuyện gia đình.
Sau đại dịch, ông Chí được chủ thầu xây dựng gọi đi làm lại. Vì sức khỏe yếu nên ông chỉ phụ việc vặt như trộn hồ, bưng gạch... lương 300.000 đồng/ngày. Việc không đều, làm được vài hôm, ông lại phải nghỉ, khi nào có công trình khác chủ thầu mới gọi đi làm.
"Không có cháu gái, tôi buồn không sống nổi"
Là hàng xóm của gia đình ông Chí hơn chục năm trước, bà Trương Thị Hằng (69 tuổi, ở đường Ba Đình) rất vui mừng khi thấy ông Chí quay lại khu nhà cũ mướn phòng nhưng cũng xót xa khi thấy đi đâu ông ngoại cũng chở cháu theo, hôm thì con bé say nắng, hôm thì ông cháu cùng đội mưa vất vả.
"Ông ngoại cưng con bé lắm. Tôi hay thấy ông ấy dẫn cháu ra quán phở, gọi một bát cho con bé, còn ông thì nhịn hoặc cùng lắm là ăn cái bánh mì hay gói xôi thôi", bà Hằng chia sẻ.
Thương hai ông cháu, bà Hằng ngỏ ý trông H. giúp để ông an tâm đi làm. Nhưng ông Chí chỉ gửi cháu những lần đi lo công chuyện nhanh, vài tiếng. Còn khi đi làm xa, xuống Long An chẳng hạn, ông vẫn chở cháu gái theo vì không dám phiền hàng xóm.
Tại công trình, trong lúc ông ngoại làm việc thì H. tự chơi một mình ở góc vườn, dưới hiên nhà. Tới giờ, cô bé lấy chiếc điện thoại của bà ngoại để lại ra học online. Nhiều lúc ham vui, H. cũng muốn chạy đi chơi cùng đám trẻ con nhưng sợ ngoại đi tìm nên chỉ thui thủi chơi một mình.
Tuy sức khỏe kém nhưng em chưa bao giờ than mệt với ông ngoại. Những hôm Sài Gòn trở lạnh về chiều, về đến phòng trọ là cô bé ngồi co ro cả buổi không dám cởi áo khoác, ông Chí lại xót xa.
K.H thích nhất là món cá nục chiên. Những ngày thất nghiệp, rảnh rỗi, ông Chí ra chợ mua hai con cá 30.000 đồng chia làm hai bữa. Ông ngoại lần nào cũng dành phần cá nạc gắp cho cháu. "Sao ngoại ăn xương không vậy?" - H. hỏi rồi gắp miếng cá ngoại vừa bỏ cho mình vào chén của ông.
Trước đây, ông Chí thường chỉ tập trung đi làm, kiếm tiền, việc chăm sóc cháu do một tay vợ lo. Vì thế, ông không biết một số thói quen sinh hoạt của cháu gái. "Hôm mới đón con bé lên lại, tôi gội đầu cho cháu, con bé nói để tóc mượt hơn thì ngoại phải mua thêm gói dầu xả", ông cười, kể lại.
K.H được bà ngoại cưng, mua cho nhiều búp bê chơi nhưng sau khi chuyển chỗ trọ, ông Chí để lạc mất số đồ chơi. Thấy cháu hay bật điện thoại, lên mạng xem búp bê, ông biết H. thích nhưng chưa từng đòi ông mua.
"Tôi vừa đi làm được chục ngày, lãnh lương xong, giờ lại thất nghiệp. Chờ đợt lương sau, nhất định tôi sẽ mua một con búp bê lớn cho cháu gái", ông Chí quả quyết.
Ngày 19/11, người Sài Gòn dành một đêm để tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19, hai ông cháu K.H cũng vào chùa, nơi vợ ông đang an nghỉ. Đứng trước di ảnh của bà ngoại, em hỏi ông phải vái lạy bà sao cho đúng.
"Về nhà trọ, con xin ông ngoại cho lấy hình bà ra xem nhưng ông không chịu. Nhớ bà nhưng con không khóc", H. kể, giọng nghèn nghẹn.
"Tôi vẫn chưa thể bình tâm sau khi vợ ra đi, tôi sợ mình sẽ khóc, làm cháu gái buồn nên không dám xem ảnh vợ", ông Chí phân trần.
Ông Chí cho biết, sau khi khỏi Covid-19 đến nay, sức khỏe của ông giảm sút hẳn, trong khi những di chứng của cơn đột quỵ 5 năm trước vẫn còn. Dù 6h sáng mới đánh thức cháu gái, nhưng ông đã dậy từ 4h, tự xoa bóp hai chân một hồi mới có thể đứng dậy, lo cơm nước cả ngày của hai ông cháu.
Bà hàng xóm chỉ gói nhỏ ông Chí cầm theo bảo, ngoài cô cháu gái thì túi thuốc là vật ông Chí luôn mang theo khi ra khỏi nhà.
Tuy cuộc sống khó khăn, công việc không ổn định nhưng ông luôn nghĩ, quyết định đón cháu gái lên sống cùng là điều đúng đắn. Sau Tết, H. được trở lại trường nên ít theo ông ngoại đến công trường hơn. Tuy nhiên, dù đi đâu, ông Chí cũng đều nhanh nhanh chóng chóng thu xếp cho xong việc để vội vàng về đón cháu gái vì sợ H. chờ lâu.
Trước đó, có người bà con ở quê ngỏ ý nuôi H. nhưng ông Chí không muốn xa cháu ngoại. "Tôi vẫn còn sức khỏe, tôi làm lai rai nuôi cháu thêm chục năm nữa là mãn nguyện. Nếu bây giờ không có cháu ngoại, chắc tôi cô đơn, buồn không sống nổi", ông Chí âu yếm xoa đầu cô cháu gái.