DMagazine

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết

(Dân trí) - Những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ đã bị bán khi mới chào đời trên một đất nước xa lạ. Đau lòng hơn, có người mẹ 2 lần bán chính những đứa con mình mang nặng, đẻ đau...

Những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ đã bị bán khi mới chào đời trên một đất nước xa lạ. Đau lòng hơn, có người mẹ 2 lần bán chính những đứa con mình mang nặng, đẻ đau...

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 1

Trong hai năm 2017 và 2018, trên địa bàn xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã xác nhận được 22 trường hợp phụ nữ mang thai khi sắp đến kỳ sinh đẻ đã ra nước ngoài sinh và bán con, tập trung chủ yếu ở bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Thông tin này đã từng gây chấn động dư luận vào thời điểm đó. Sau 4 năm, chúng tôi quyết định trở lại nơi từng là điểm nóng của vấn nạn mua bán bào thai này.

Con đường từ trung tâm xã Hữu Kiệm vào bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 không quá xa nhưng nhiều đoạn cua gấp, dốc đứng khiến không ít lần chúng tôi "chùn tay", phải nhờ cán bộ xã và công an viên xã dẫn vào.

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 3

Đầu giờ chiều một ngày đầu hè, bản Đỉnh Sơn vắng lặng, thỉnh thoảng bắt gặp toán phụ nữ ngồi tụ tập buôn chuyện phiếm với nhau hoặc vài cụ già, lưng địu cháu, miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể chuyện con cháu. "Đa phần người dân đã đi làm ăn xa, chủ yếu là vào Tây Nguyên làm cà phê, cao su. Ở nhà giờ phần lớn chỉ có người già và trẻ con", Thiếu úy Chích Văn Phươn, Công an xã Hữu Kiệm lí giải.

Hỏi về câu chuyện từng gây chấn động dư luận hơn 3 năm trước, chúng tôi chỉ nhận được ánh mắt lảng tránh của người dân, và thậm chí là của cán bộ phụ nữ bản. Chỉ có những đứa trẻ ngây thơ, vẫn hồn nhiên kể về đứa em chưa từng gặp mặt của mình. Chúng không nhớ mốc thời gian, thậm chí cả tên của mẹ mình cũng không nhớ, nhưng kí ức về khoảng thời gian bỗng nhiên mẹ biến mất khi mang bầu thì vẫn rõ mồn một.

"Mẹ đi khi con đang học lớp một, lúc đó đang mang bầu em thứ 5. Con lên học lớp 2 thì mẹ về. Mẹ về một mình thôi. Con hỏi thì mẹ bảo là em trai nhưng mẹ bán rồi", cô bé Lương Thị C. (10 tuổi) thật thà kể. Câu chuyện của cậu bạn Lữ Văn P. cùng lớp cũng tương tự như thế, chỉ khác là diễn ra khi P. đang học lớp 3. P. còn khoe khi mẹ về thì gia đình em làm nhà mới. Hỏi có nhớ em, thương em không, cậu bé lắc đầu. Cậu cũng không thấy bố mẹ nhắc gì đến người em này nữa, cứ như thể đứa nhỏ chưa từng là một phần của gia đình P...

Thiếu úy Chích Văn Phươn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đau lòng về các trường hợp đi bán bào thai ở bản Đỉnh Sơn 2. Trong những câu chuyện của Thiếu úy Phươn, nghèo chỉ là một trong những nguyên nhân được chỉ ra. Ẩn đằng sau những câu chuyện đau lòng ấy là quan niệm huyết thống ruột rà lệch lạc. Và một nguyên nhân nữa khiến những đứa trẻ chưa kịp chào đời đã bị trao gửi cho người khác khiến người nghe không khỏi xót xa...

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 5

"Có trường hợp, vợ mang bầu vừa đi Trung Quốc thì ở nhà chồng, bố mẹ chồng mặc định không đi rẫy nữa luôn. Hàng ngày họ đợi những người bán thịt dạo đi qua, có khi mua nợ cả cân thịt bò ăn rồi đợi vợ bán con mang tiền về trả. Có trường hợp đi bán bào thai về thì làm nhà mới, mua ti vi, sắm xe máy. Nhà này làm được, nhà kia không có lại so bì, lại theo nhau đi bán những đứa con chưa kịp sinh ra", giọng Thiếu úy Chích Văn Phươn buồn buồn.

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 7

Theo lời kể của bà Mùa Y Xài - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hữu Kiệm, có những trường hợp đã 2 lần bán con. Đến lần thứ 3 thì cán bộ bản, cán bộ xã phát hiện được và ngăn chặn kịp thời như trường hợp của chị Lương Thị H. (bản Đỉnh Sơn 1). Tuy nhiên, sau 2 lần vượt biên đi bán bào thai, không được chăm sóc hậu sản cẩn thận, lại sinh đẻ quá dày nên sức khỏe của chị H. giảm sút nhanh chóng. Cách đây 4 tháng, người phụ nữ này chuyển dạ nhưng tử vong do băng huyết, để lại đứa con đỏ hỏn chưa một lần được bú mẹ như 2 người anh chị của nó trước kia.

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 9

Ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết, sau thời gian rộ lên nạn bán bào thai vào năm 2018-2019, công an, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào cuộc ngăn chặn quyết liệt bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông chủ tịch xã, tình trạng này vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến âm ỉ.

"Hai năm nay cũng xảy ra một số trường hợp phụ nữ mang thai rồi rời bản đi không có lý do, không loại trừ đi bán bào thai nên chúng tôi giữ lại, giải thích và răn đe. Cũng có trường hợp hai vợ chồng đều đi, người vợ khi đi thì mang thai, thời gian sau trở về thì không thấy con đâu nữa", ông La Văn Hà cho biết.

Rời xã Hữu Kiệm, chúng tôi đến xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), nơi thời điểm 2019 cũng được xác định là điểm nóng của tình trạng vượt biên bán bào thai, tất cả đều vì lí do nghèo đói, cần tiền trang trải cuộc sống. Trong số đó có người không thể trở về. Tháng 9/2018, chị Moong Thị Lâm (bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu) và đứa con chưa kịp chào đời tử vong trong một vụ tai nạn giao thông ở Trung Quốc khi đang trên đường đến nơi chờ sinh con để bán.

Trời xẩm tối, căn nhà sàn của anh Lương Văn Hồng - chồng chị Lâm tù mù ánh điện. Người vợ 2 của Hồng bế đứa con 2 tháng tuổi cất tiếng ru buồn buồn. Hai năm sau khi vợ qua đời, anh Hồng đã lấy vợ mới để cùng chăm sóc 5 đứa con riêng của mình.

Kỳ 1: Theo nhau đi... bán bào thai, nỗi đau chưa có hồi kết - 11

"Mang bầu được 6 tháng thì vợ bảo đi Trung Quốc làm thuê rồi xảy ra tại nạn. Đợt đó tôi phải bán 3 con bò được 70 triệu, vay thêm ngân hàng 30 triệu và vay nóng 100 triệu nữa để thuê người dẫn sang Trung Quốc. Sau một tháng, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán 2 nước và ngành công an tôi mới đưa được vợ con về. Khi đó thằng út mới 2 tuổi", anh Hồng kể.

Mất vợ, mất con, gánh thêm khoản nợ "khổng lồ" nhưng bi kịch của người đàn ông này không dừng ở đó. Cuộc vượt biên bán bào thai của người mẹ không thành, 5 đứa trẻ trở nên côi cút, thiếu đói. Người con gái đầu 16 tuổi, đi làm công nhân ở Hà Nội, cô bé Lương Thị Tuyết (SN 2007) cũng nghỉ học từ hồi lớp 5, ở nhà trông em giúp bố hay làm những việc vặt trong nhà.

Nhắc đến chuyện đi học, đôi mắt buồn của Tuyết đỏ hoe. Nếu mẹ em không lựa chọn chuyến đi đánh đổi cả sinh mệnh ấy, biết đâu...

(Còn nữa..).

                                                                   Nội dung: Hoàng Lam

                                                                   Thiết kế: Tuấn Huy