(Dân trí) - Một cánh tay bị liệt, hiệp sĩ Lê Minh Tâm không thể truy bắt tội phạm như trước. Không chịu khuất phục số phận, anh đứng ra nhận lo mai táng 0 đồng cho người nghèo.
"Hiệp sĩ" đường phố liệt tay sau tai nạn, "máu nghĩa hiệp" vẫn không ngừng sục sôi!
Một cánh tay bị liệt, hiệp sĩ Lê Minh Tâm không thể truy bắt tội phạm như trước. Không chịu khuất phục số phận, anh đứng ra nhận lo mai táng 0 đồng cho người nghèo.
"Hiệp sĩ" định quyên sinh
Sâu trong hẻm nhỏ dẫn từ Quốc lộ 1K, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhà của Lê Minh Tâm, 31 tuổi, nằm ở đầu một con dốc. Không gian yên tĩnh, anh chơi đùa cùng con gái 3 tuổi, chốc chốc lại kiểm tra điện thoại xem có ai nhắn tin nhờ giúp đỡ. Từ ngày bị tai nạn, liệt tay phải, Minh Tâm dừng hoạt động ở đội Thanh niên xung kích phòng chống tội phạm phường Tân Đông Hiệp, lui về làm đủ nghề để sống.
Nhưng "máu" hiệp sĩ trong anh vẫn sôi sục. Không thể xông pha cùng đồng đội, Tâm lui về giúp đỡ cộng đồng bằng một việc trong khả năng của mình, đó là lo ma chay miễn phí cho người nghèo ở địa phương.
"Điều tiếc nuối nhất của tôi là đã "lơ" lời nhắc nhở của cha mẹ. Nếu chịu nghe lời, không ham bạn bè, nhậu nhẹt, tôi đã không tàn phế", Tâm nói rồi hồi tưởng về buổi trưa ngày 23/8 ba năm trước.
Hôm đó, anh dự tiệc sinh nhật của một người bạn. Khi trong người đã có chút hơi men, Tâm nhận được tin từ người dân địa phương báo mất xe máy. Thấy địa điểm nạn nhân gần mình, anh lái xe đến tận nơi, muốn hỏi thêm thông tin để báo đồng đội chia nhau truy tìm. Lúc bấy giờ, Tâm là đội trưởng của đội Thanh niên xung kích phòng chống tội phạm ở phường, tham gia từ năm 2011. Ở Bình Dương, đây là một lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng công an giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, được hoạt động hợp pháp.
Trên đường đi, gặp một chiếc xe taxi cùng chiều, Tâm có ý định vượt lên nên nhấn ga. Đúng lúc chiếc taxi quay đầu, Tâm tông vào taxi, gặp nạn. "Hiệp sĩ" đường phố ngã xuống, nằm bất tỉnh trên đường tỉnh 743, đoạn gần trạm thu phí Bình Thung, thành phố Dĩ An.
Tỉnh lại sau 4 ngày ở bệnh viện, Tâm hỏi người vợ đang mang bầu đứa con đầu lòng 7 tháng: "Cánh tay anh sao rồi?". Đáp lại chồng, vợ anh nói: "Chắc bỏ luôn rồi, bác sĩ nói sẽ bị liệt".
"Vốn quen chạy ngoài đường, tham gia đội Thanh niên xung kích, hoạt động không chỉ là nhiệm vụ mà còn làm đam mê của tôi, nghĩ cảnh phải dừng lại, tôi gào thét đòi trả lại cánh tay", Tâm hồi tưởng.
Ngày từ viện trở về nhà, bước xuống xe, Tâm vấp té vì chân phải còn rất yếu. Suốt một năm sau đó, Tâm và gia đình chạy chữa, châm cứu, từng phẫu thuật lấy gân chân nối lên tay để mong có thể phần nào hồi phục nhưng vô vọng. Tâm bất lực, bỏ mặc số phận, như chính cánh tay phải đang buông thõng của anh. Nhiều lúc bị co rút cơ, Tâm bị trẹo cổ, co giật đau đớn.
"Nhưng bình tâm lại mới thấy vấn đề lớn hơn, tôi còn vợ con, cha mẹ. Hơn nữa, có cảnh như ngày hôm nay là do tôi. Giá như tôi không nhậu nhẹt buổi tiệc đó để tập trung làm nhiệm vụ", chàng trai nói, vẫn đầy vẻ tiếc nuối…
Trước đây, khi làm hiệp sĩ, Tâm cũng có nghề làm dịch vụ mai táng, chăm sóc mộ phần ở nghĩa trang Triều Châu gần nhà. Hai năm nay, khi sức khỏe dần hồi phục, đã chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể, Tâm lao vào làm việc, phụ người vợ công nhân kiếm tiền nuôi con. Từ việc nhận cắm hoa đám tang, trồng cỏ, trồng hoa trên mộ cho đến bán vé số online, Tâm đều cố gắng xoay xở làm với một tay còn lại.
Không kêu gọi quyên góp vì sợ tiền sẽ làm mờ mắt
Vốn thích làm việc có ích cho xã hội, chứng kiến nhiều mảnh đời mất đi không có tiền mua nổi chiếc hòm, anh một mình đứng ra lo mai táng với giá 0 đồng giúp những người khó khăn. Không thành lập hội nhóm đông người, không kêu gọi hỗ trợ thu tiền, nếu thấy ai cần giúp, ước lượng số tiền ma chay, anh gọi điện từng người quen để xin hỗ trợ.
"Tôi sợ làm rầm rộ, khi nhận được nhiều tiền sẽ khiến mình mờ mắt, làm sai mục đích ban đầu", Tâm cho biết.
Bà Mai Thị Giang, 59 tuổi, mẹ của Tâm không ngừng quệt nước mắt khi kể lại ngày nhận tin con trai bị tai nạn. Vốn không thích cậu con trai duy nhất theo "nghiệp" hiệp sĩ vì sợ bất trắc, bà Giang từng nhiều lần cản con nhưng sau đành chịu thua.
Nhưng thương con, bà nói: "Miễn còn tính mạng là mừng, vì trước đó, bác sĩ đã từng tiên lượng Tâm không qua khỏi. Giờ con đã vượt qua được mặc cảm khiếm khuyết, vui vẻ hơn và tiếp tục giúp đỡ người khó khăn hơn, đó là điều vui mừng và an ủi của gia đình".
Một đám tang được hỗ trợ từ hòm cho đến tiền hỏa táng chỉ khoảng 8 triệu đồng, nếu thuê dịch vụ phải lên đến hơn 20 triệu. Gần hai năm nay, anh đã hỗ trợ ma chay được cho khoảng 50 gia đình khó khăn.
"Giàu có hay không lúc qua đời sẽ biết ngay, có gia đình chẳng mua nổi cái hòm, có nhà thì ở thuê, chủ trọ không cho đưa người mất vào làm đám nên phải mướn nhà quàn", Tâm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thủy, 57 tuổi, ở trọ cùng chồng gần nhà Minh Tâm. Hơn hai tháng trước, chồng bà bệnh nặng qua đời nhưng không có tiền lo đám. Hỏi mướn xe đưa chồng về quê mai táng thì được báo giá chi phí gần 20 triệu đồng, người phụ nữ và những người con làm công nhân tái mặt, rối bời.
"Cả năm bệnh tật, đi lại bệnh viện tốn kém, nhà tôi kiệt quệ rồi, đâu còn tiền mà lo. May mắn tổ trưởng dân phố chỉ tôi gọi chú Tâm giúp đỡ nên nhà tôi không phải chi phí gì thêm, ông ấy chắc cũng an lòng, mồ yên mả đẹp rồi. Mình đang khổ mà có người giúp là quý lắm", bà Thủy cho biết.
Tuy khó khăn, nhưng sau đám tang chồng, gia đình bà cũng gửi lại anh Tâm 1 triệu đồng thay lời cảm ơn và lời dặn "để dùng lo cho những đám sau".
"Tôi đi kiếm một lượng công đức cho con"
Nhưng không phải lúc nào Tâm cũng nhận lại được những nghĩa cử ấm áp như thế. Có gia đình khi lo ma chay xong là quày quả đi, hẳn là vì quá đau lòng, không kịp nhớ một lời cảm ơn. Thoáng chút buồn, nhưng Tâm tự dặn lòng: "Làm việc tốt không chờ để người cảm ơn. Mình làm cho người mất, miễn là lo được đúng người, đúng lúc, nghĩa tử là nghĩa tận…"
Ông Ngô Phước Chung, 62 tuổi, làm nghề chạy xe ôm ở nghĩa trang Triều Châu, nơi Tâm thường lui tới coi sóc mộ chia sẻ đã quen biết Tâm "hiệp sĩ" từ khi còn nhỏ. Chứng kiến chàng trai lớn lên, tình nguyện làm hiệp sĩ giúp đời, sau đó lại bị tai nạn rồi tàn tật, ông Chung tiếc, xót cho anh.
"Khu tôi sống, chưa thấy cậu thanh niên nào có cái tâm hướng thiện nhiều như Minh Tâm. Đặc biệt, việc lo lắng đến việc làm tang miễn phí cho người nghèo rất ý nghĩa. Cậu ấy nhiệt tình, xông xáo, tuy một cánh tay đã, không trực tiếp làm việc nặng. Hễ có trường hợp cần giúp, Tâm đều đến ngay, huy động, điều phối mọi người làm việc rất nhanh gọn", ông Chung nhận xét.
Nguyễn Thanh Trọng, 29 tuổi, Đội trưởng đội Thanh niên xung kích phòng chống tội phạm phường Tân Đông Hiệp hiện tại cho biết, sau tai nạn, Tâm đã có thời gian mặc cảm về bản thân.
"Gia đình anh Tâm rất khó khăn nhưng anh vẫn dành thời gian, công sức để tiếp tục giúp đỡ cộng đồng. Tuy không còn là hiệp sĩ, không còn là Đội trưởng của tôi nhưng anh em trong đội vẫn luôn xem anh Tâm là chỉ huy của mình", hiệp sĩ Trọng nói.
Buổi trưa, Tâm trở về nhà sau khi ra nghĩa trang làm việc. Cô con gái lon ton chạy ra đón ba, thấy anh xoa bóp cánh tay phải, cô bé cũng làm theo. Tâm đỡ tay phải vắt lên cổ rồi quàng tay trái bế con gái. Sau ba năm, anh đã quen dần với việc sinh hoạt bằng một tay. Khi những cơn đau về thể xác, tinh thần cũng nguôi ngoai, Tâm chưa từng nói ra với ai, nhưng vẫn thường nhắc đi nhắc lại, tự dặn lòng, giữ được mạng sống tức là đời còn ưu ái mình, còn một tay vẫn có thể làm nhiều điều có ích cho xã hội.
Nhiều người thấy anh tàn tật còn "làm chuyện bao đồng" từng nghi ngờ anh làm việc thiện nhưng mưu lợi cá nhân. Minh Tâm không cố phân bua, anh chỉ luôn đáp lại bằng một câu: "Người xưa nói 'của một đồng công một lượng', tôi nghĩ giờ mình tàn phế, chẳng thể làm gì to lớn để cho lo cho con gái có cuộc sống sung sướng. Thứ tôi có là công đức nhận lại từ những việc mình đã làm. Tôi đi kiếm một lượng công đức cho con, không vì một ít tiền mà phá hủy nó", Tâm trải lòng.
Diệp Phan