DMagazine

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ

(Dân trí) - "Suốt 25 năm đi tìm, tôi chỉ hy vọng cha tôi còn sống để được một lần nhìn thấy ông. Nhưng hy vọng đó chẳng thể thành hiện thực. Cha tôi đã hy sinh thật rồi…".

"Suốt 25 năm đi tìm, tôi vẫn hy vọng cha còn sống để được một lần nhìn thấy ông. Nhưng hy vọng đó chẳng thể thành hiện thực. Cha tôi đã hi sinh thật rồi…".

Hành trình 1/4 thế kỷ đi tìm cha là liệt sĩ

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 1

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghé thăm gia đình liệt sĩ Tống Đình Đoàn (thôn Bùi Thượng, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Liệt sĩ Tống Đình Đoàn là trường hợp từng bị cắt chế độ và thu hồi bằng Tổ quốc ghi công suốt nhiều năm.

Vừa nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Tống Đình Đoàn mới được cấp lại cách đây chưa lâu, ông Tống Đình Dũng (SN 1964, con trai liệt sĩ) kể: "Năm 1967, khi tôi vừa tròn 4 tuổi, cha tôi lên đường nhập ngũ. Kể từ đó, tôi không còn được thấy mặt cha nữa. Mãi đến sau này khi lớn lên, tôi mới được nghe mẹ kể về cha từng là một người lính gan dạ, dũng cảm chiến đấu ở chiến trường miền Nam".

Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về. Theo đó, liệt sĩ Tống Đình Đoàn - Tiểu đội trưởng đơn vị KMB - hi sinh ngày 13/6/1969 tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang riêng của đơn vị gần mặt trận.

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 2

Ngày nhận giấy báo tử, bà Lưu Thị Chanh (vợ liệt sĩ Tống Đình Đoàn) đau đớn tột cùng. Ông hy sinh để lại người vợ trẻ, 3 người con thơ dại cùng mẹ già đau ốm. Nén đau thương, bà đã cố gắng vực dậy, thay chồng phụng dưỡng mẹ già, nuôi đàn con thơ.

Thế nhưng, đến năm 1975, gia đình được chính quyền thông báo dừng chế độ liệt sĩ đối với ông Tống Đình Đoàn và thu hồi bằng Tổ quốc ghi công.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch UBND xã Yên Phú, việc gia đình liệt sĩ Tống Đình Đoàn bị cắt chế độ là có thật. Sự việc xảy ra đã lâu, sau này ông mới được nghe kể lại.

"Ngày ấy, có một người địa phương sống ở Thành phố Hồ Chí Minh về quê nói là ông Tống Đình Đoàn đang còn sống ở trong ấy. Cũng không rõ thời điểm đó địa phương xác minh như thế nào nhưng sau đó bằng Tổ quốc ghi công của ông Tống Đình Đoàn bị thu hồi, chế độ trợ cấp dành cho thân nhân liệt sĩ cũng bị dừng", ông Nguyễn Văn Đạt cho hay. 

Việc dừng chế độ liệt sĩ gây ra không ít khó khăn đối với gia đình bà Lưu Thị Chanh nhưng nhen nhóm lên hi vọng rằng chồng bà, ông Tống Đình Đoàn còn sống và sẽ sớm trở về...

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 3

Một mình bà Lưu Thị Chanh bươn chải nuôi con trong khốn khó, thiếu thốn đủ bề. Khi chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ bị cắt, ông Tống Đình Dũng cũng phải nghỉ học để bớt gánh nặng cho mẹ. Tháng 2/1985, theo bước cha, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. 

Nhiều năm sau khi đất nước đã thống nhất, nhưng gia đình vẫn chưa thấy ông Tống Đình Đoàn trở về, niềm hi vọng gia đình đoàn tụ bị bào mòn theo năm tháng. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Tống Đình Dũng quyết định "Nam tiến" để tìm cha.

"Khi cha đi tôi còn quá nhỏ, không thể nhớ rõ mặt. Tôi đi tìm với hy vọng cha vẫn còn sống...", ông Tống Đình Dũng tâm sự.

Lần theo những thông tin từ giấy báo tử, ông đi khắp chiến trường phía Nam, gặp nhiều cựu binh để dò hỏi tin tức cha mình. Một, hai rồi nhiều năm trôi qua, bước chân ông đã đi khắp nhiều tỉnh, thành phía Nam. Có những nơi ông lưu lại hàng tháng trời để lần mò tin tức, nuôi hy vọng rằng cha vẫn còn sống.

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 4

Ông Tống Đình Dũng nhớ lại: "Ra đi với hai bàn tay trắng, để có tiền sinh hoạt và trang trải chi phí cho việc tìm cha, tôi phải lăn lộn với đủ thứ nghề. Có thời điểm không còn tiền tôi phải đi xin ăn từng bữa". 

Lấy vợ, sinh con, ông vẫn rong ruổi khắp nơi tìm cha. "Đó là khoảng thời gian vất vả nhất với gia đình tôi. Nhiều lần tôi phải nhờ vợ vay tạm lúa non của hàng xóm để làm lộ phí. Thời điểm đó, mọi gánh nặng kinh tế, chăm sóc gia đình đều dồn lên đôi vai của vợ", ông nói.

Nghe chồng kể, bà Nguyễn Thị Thanh (vợ ông Tống Đình Dũng) mắt ngấn lệ: "Ông ấy khổ một thì mẹ con tôi khổ mười. Nhưng vì thương hoàn cảnh của chồng nên tôi cũng chỉ biết động viên rồi ở nhà bồng bế, nuôi con để ông ấy yên tâm đi tìm cha".

Năm 1991, bà Lưu Thị Chanh qua đời. Ông Tống Đình Dũng đau đớn vì chưa thể hoàn thành tâm nguyện tìm cha về cho mẹ... Năm 2014, sau 25 năm mòn mỏi đi tìm cha không có kết quả, ông tạm dừng lại hành trình, trở về quê. 

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 5

Không còn hy vọng tìm được người cha thân yêu, ông Tống Đình Dũng gửi đơn kêu cứu khắp nơi để "đòi" lại công bằng, danh dự cho cha.

Sau khi tiếp nhận đơn của ông, chính quyền địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xem xét hồ sơ đối với trường hợp liệt sĩ Tống Đình Đoàn.

Theo ông Lê Việt Quang - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, sau khi tiếp nhận đơn của gia đình ông Tống Đình Dũng, đơn vị đã nhiều lần về địa phương và đến nhiều cơ quan chức năng liên quan để xác minh hồ sơ. 

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 6

"Qua xác minh, trong hồ sơ không hề có quyết định cắt chế độ liệt sĩ đối với đồng chí Tống Đình Đoàn. Tiền trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ Đoàn là do xã dừng chi trả trong suốt nhiều năm", ông Lê Việt Quang cho biết.

Sau khi thẩm tra lại hồ sơ, nghiên cứu các tài liệu lưu trữ, làm việc với các cơ quan liên quan, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa kết luận việc UBND xã Yên Giang (cũ) thu bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử, sổ gia đình liệt sĩ đối với liệt sĩ Tống Đình Đoàn là không đúng quy định. 

Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã ban hành quyết định truy lĩnh chế độ cho thân nhân liệt sĩ Tống Đình Đoàn. Ngày 18/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Tống Đình Đoàn. 

Hành trình 25 năm tìm cha là liệt sĩ - 7

Những ngày cuối tháng 7, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ, ông Tống Đình Dũng cũng cảm thấy rất bồi hồi.

Suốt 1/4 thế kỷ trôi qua, cuối cùng ông cũng đã tìm lại được công bằng cho cha. Hành trình tìm cha cũng đã khép lại với niềm vui và cả những giọt nước mắt. 

"Cha tôi cũng hy sinh thật rồi. Sự hy sinh của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cuối cùng cũng đã được nhìn nhận một cách chính xác và xứng đáng. Không chỉ riêng tôi mà con cháu sau này sẽ mãi khắc ghi niềm tự hào về cha, ông của mình", ông Tống Đình Dũng nghẹn ngào nói.