Rượu Vodka, bia Habeco, Sabeco làm ăn thế nào?

Mai Chi

(Dân trí) - Năm 2024, Habeco và Sabeco đều cải thiện về lợi nhuận, Halico giảm lỗ so với trước.

Cho đến nay, các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trên sàn chứng khoán đều đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024.

Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Rượu và Nước Giải khát Hà Nội (Halico - mã chứng khoán: HNR), trong năm vừa rồi, chủ thương hiệu rượu Vodka đạt 112,2 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ 8,4 tỷ đồng (năm trước lỗ xấp xỉ 10 tỷ đồng), ghi nhận chuỗi thua lỗ kéo dài 9 năm liên tiếp của Halico. Tuy vậy, mức lỗ năm nay của Halico đã giảm so với các năm trước.

Với giá vốn xấp xỉ 75 tỷ đồng, biên lãi gộp trong năm 2024 của Halico là 66,8%, giảm so với mức 72% của năm 2023. Trong khi lãi gộp đạt 37,3 tỷ đồng thì chi phí bán hàng là 28,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 23 tỷ đồng. Do vậy, Halico ghi nhận lỗ gộp 8,8 tỷ đồng.

Thời điểm 31/12/2024, Halico có tổng tài sản 370,4 tỷ đồng, giảm 5,6 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, hàng tồn kho là 114 tỷ đồng, tăng 15,7%. Tổng nợ phải trả xấp xỉ 23 tỷ đồng và đều là nợ ngắn hạn, tăng 14,4%. Công ty không có nợ dài hạn và cũng không có các khoản vay tài chính.

Rượu Vodka, bia Habeco, Sabeco làm ăn thế nào? - 1

Người Việt có nhu cầu tiêu thụ rượu bia lớn (Ảnh minh họa: Minh Nhật).

Tại Halico, tỷ lệ sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN) là 54,29% (tương ứng 10,86 triệu cổ phiếu).

Về phần Habeco, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được soát xét, năm 2014 hãng bia đạt 8.219,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với năm trước. Biên lãi gộp đạt 26,6%, cải thiện so với mức 24,7% của năm 2023 trong bối cảnh giá vốn hàng bán tăng nhẹ 3,3% lên 6.034 tỷ đồng.

Khép lại năm 2024, Habeco báo lãi 402,8 tỷ đồng, tăng mạnh 13,6% trong bối cảnh chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 0,2% còn 505,9 tỷ đồng còn bán hàng tăng 14,6% lên mức 1.376,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 11,3%, trong đó chi phí lãi vay giảm 66,1% còn 2.944,3 tỷ đồng.

Đối thủ của Habeco là Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 31.872,4 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 5% so với năm trước đó.

Giá vốn tăng 6% lên 22.554,2 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 2% lên 9.318,2 tỷ đồng. Với chi phí bán hàng giảm 10% còn 4.041,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5% lên 839,4 tỷ đồng, Sabeco khép lại năm 2024 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 4.494,8 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023.

Sabeco cho biết, doanh thu thuần trong năm qua tăng cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ vào nhu cầu tốt hơn từ việc nền kinh tế được cải thiện trong bối cảnh Nghị định 100 thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với tác động thuận lợi của việc tăng giá. Tương tự, lợi nhuận ròng cao hơn do lợi nhuận gộp cao hơn và chi phí bán hàng thấp hơn.

Yếu tố có thể ảnh hưởng đến ngành bia, rượu trong thời gian tới là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo dự thảo luật, thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm bia có thể tăng từ 70% lên 90% trong giai đoạn 2026-2030 (mỗi năm tăng 5%) theo phương án 1 hoặc tăng từ 80% lên 100% trong giai đoạn 2026-2030 (mỗi năm tăng 5%) theo phương án 2.

Dự thảo luật này đã được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2024 và sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025 và bắt đầu áp dụng vào tháng 1/2026.