DMagazine

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân

(Dân trí) - Người đàn ông có tấm lưng gập xuống mệt mỏi ngồi nghỉ sau những phút tất bật. Anh cười hạnh phúc khi hai cậu con trai thi nhau ngồi vào lòng. Người vợ chân thấp, chân cao cũng tập tễnh vui đùa.

Với đôi vợ chồng khuyết tật này, cuộc sống hiện tại là "món quà vô giá". Hạnh phúc của ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng suốt hơn 11 năm qua của họ.

Vừa nô đùa với các con, anh Ưng quay sang dặn vợ đừng để lạnh khiến đôi chân đau, trưa nay nhớ nấu món ăn mình thích rồi lại tất tả sang khu xưởng - nơi có những người khuyết tật chờ anh hướng dẫn, dạy nghề. 

Chốc chốc có xe đến giao, nhận hàng, người đàn ông này lại cặm cụi kiểm tra, ghi ghi, chép chép. Không ai hình dung, với tấm lưng gập xuống và việc di chuyển cũng như ngồi xuống, đứng lên không hề dễ dàng nhưng anh Ưng luôn tất bật với lượng công việc vô cùng lớn.

Miền Bắc đang trong những ngày rét "cắt da, cắt thịt", vậy mà trong buổi chiều lạnh giá ấy, ngồi bên đôi vợ chồng khuyết tật, nghe câu chuyện đầy xúc động của họ khiến ai cũng thấy ấm áp. Không chỉ sưởi ấm cho nhau bằng tình thương yêu, hơn chục năm qua, cặp vợ chồng Đinh Văn Ưng (38 tuổi), Lưu Thị Quyên (36 tuổi), thôn Trung Tâm, xã Yên Dương (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) còn tìm cách cưu mang, giúp đỡ cho hàng chục người cùng cảnh ngộ như mình.

Hơn 11 năm trước, chàng trai dị tật lưng và cô gái dị tật đôi chân đã quyết định kết duyên. Hai "mảnh ghép" ấy đã tạo nên một mái ấm hạnh phúc với 2 cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu khiến bao người ngưỡng mộ.

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 1
Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 3

Nhớ về tuổi thơ cơ cực với nỗi buồn là một đứa trẻ khuyết tật, cho đến giờ vẫn khiến chị Quyên không khỏi ám ảnh. Lên 5 tuổi, cô bé Quyên bị ốm, sau mũi tiêm của cô y tá xã, chân Quyên bắt đầu teo dần. Mỗi lần tự đi, Quyên xiêu vẹo như muốn ngã ra giữa đường.

Quyên lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lại mang dị tật nên tuổi thơ không có những buổi đến trường. Ngày ngày, Quyên đứng nép mình ở góc nhà, nhìn bạn gọi nhau đi học mà chảy nước mắt.

22 tuổi, Quyên được một người thân xin cho vào làm may tại một công ty gần nhà. Biết số phận mình nên Quyên chưa bao giờ mơ về tương lai sẽ có một ngôi nhà và những đứa trẻ. Người phụ nữ này luôn sống trong mặc cảm, tự ti, không giao tiếp với bạn bè xung quanh cho đến một ngày gặp được người đàn ông có nước da rám nắng, nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp ấy - chính là chồng chị bây giờ.

Cũng có chung số phận bất hạnh khi ở tuổi 12, sau trận ốm "thập tử nhất sinh", anh Ưng thấy cơ thể mình co cứng lại. Anh nằm liệt 3 năm, được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi mới có thể đi lại được. Nhưng cơ thể của anh chẳng thể bình thường như xưa với cái lưng gù xuống, ngồi cũng như đi lại không còn dễ dàng nữa.

Anh gặp chị trong một lần đến chơi nhà bạn. Nhìn người phụ nữ cùng cảnh, anh mang lòng thương rồi xin số điện thoại. Anh thấy chị hiền lành, chị thương anh thật thà, chịu khó. 

Ngỏ lời yêu chị, anh chỉ nói: "Anh thương yêu em là thật lòng, mong em đồng ý làm người tri kỉ của anh, mình nương tựa vào nhau sống đến cuối đời". Nghĩ rằng bản thân cũng như người đàn ông sẽ cùng mình sống suốt phần đời còn lại đều là hai "mảnh khuyết", sẽ vô cùng khó khăn nếu nương tựa vào nhau, khiến chị không khỏi do dự.

Dù không phản đối nhưng bố mẹ hai bên cũng ái ngại nếu cả hai lấy nhau, sinh con đẻ cái càng khiến chị suy nghĩ nhiều hơn. Bản thân đã phải sống trong nghèo khổ, thiệt thòi, mặc cảm, chị không muốn lấy chồng rồi các con cũng khổ theo mình, càng khiến chị suy nghĩ. 

Cuối cùng, nhờ sự kiên trì, thuyết phục của anh, đám cưới cũng được diễn ra. Năm 2010, anh chị về chung một nhà. 

Chị bảo, cũng đã hơn 11 năm từ ngày lấy anh, chưa bao giờ anh chị nặng lời với nhau. "Cũng có những lúc giận dỗi nhưng anh luôn là người làm lành trước. Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình lại bước sang trang mới kể từ khi gặp anh ấy", chị tâm sự.

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 7
Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 9

"Hai con người bình thường lập nghiệp với hai bàn tay trắng đã khó, hai vợ chồng khuyết tật thì khó gấp trăm, ngàn lần. Ông bà già yếu cũng không giúp đỡ được nhiều, bản thân mình chân tập tễnh, đi lại khó khăn, chồng cũng vậy nên khi sinh con vất vả vô cùng. Bình thường di chuyển đã khó, lúc bế con tập tễnh với những bước chân cà nhắc chỉ sợ làm ngã con", chị kể.

Có lẽ thiên chức và bản năng của người mẹ là sức mạnh khiến thân hình mỏng manh, yếu ớt của chị làm nên điều kỳ diệu. Hai con trai lần lượt ra đời và khỏe mạnh. Cậu bé đầu năm nay đã 11 tuổi, con trai thứ 2 lên 8 tuổi.

Ở với bố mẹ chồng được một năm, nhà đông anh em nên hai vợ chồng chị xin ra ngoài ở. Căn nhà riêng đầu tiên của vợ chồng chị là một túp lều ven sông được dựng lên bằng những tấm proximăng, rộng chừng 20 m2 trên mảnh đất khai hoang của ông bà từ nhiều năm trước.

"Mỗi lần đi ra, đi vào phải cúi xuống để không đụng đầu. Khổ nhất là mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì nước ngập, dột tứ tung, ẩm ướt. Thời điểm đó, không ai cho vay cả, ngân hàng thì không có gì để thế chấp, người thân thì không dám cho vay vì họ không nhìn thấy mình có khả năng để trả", chị Quyên nhớ lại những năm tháng khó khăn đến ám ảnh.

Chị vẫn còn nhớ, vào năm 2015, khi ra Hà Nội đặt vấn đề làm đại lý cho một nhà phân phối. Họ nhìn hai vợ chồng tàn tật rồi lắc đầu không đồng ý vì không tin tưởng vợ chồng chị có đủ khả năng làm được.

Không từ bỏ, ngày ra Hà Nội nhận tấm bằng khen của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, anh ôm tấm bằng khen đến trước mặt chủ phân phối và xin người ta hãy tin mình một lần và anh đã thành công khi thuyết phục họ.

Vậy là từ đó, anh không phải đi khắp các cửa hàng để mua từng thứ mà đã có xe ô tô đưa đủ mặt hàng về tận nơi. Nhờ sự chu đáo, nhiệt tình, nhiều khách không chỉ quý mến mà còn thương và cảm phục. Họ giới thiệu cho người thân, rồi càng ngày khách hàng của anh càng đông.

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 11
Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 13

Chị kể, khi lấy nhau về, nhiều người lời ra tiếng vào vì nghèo khổ thì xoay xở làm sao. Đặc biệt, có lần con trai đi học bị bạn bè trêu chọc là nhà nghèo, bố mẹ không lành lặn khiến chị thương con nhiều hơn.

"Chỉ mong đời mình khổ nhiều rồi, đời con không để nó phải khổ như mình nên lúc nào vợ chồng cũng bảo nhau phải cố gắng. Anh ấy tham công tiếc việc, có nhiều đêm làm xong mệt quá, đến khuya mới được ăn cơm, ngồi đâu ngủ đấy luôn", chị tâm sự.

Hành trình hơn 10 năm anh cố gắng và nỗ lực, chị chắt chiu, tằn tiện, góp nhặt từng đồng để giờ đây, từ túp lều hơn 20 m2, anh chị đã mở rộng khu xưởng với hơn 100 m2, sửa chữa, phân phối các mặt hàng điện gia dụng với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 15
Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 17

Tiệm sửa chữa điện gia dụng của anh không chỉ nuôi sống cả gia đình vượt qua những ngày tháng khốn khó mà là chỗ dựa cho hàng chục người khuyết tật như anh chị. Hơn 10 năm qua, ngôi nhà ven sông ấy, lúc đầu chỉ 2-3 học viên tìm đến học nghề dần dần lên đến gần chục người mỗi năm. Đến nay, đã có hơn 50 học viên là người khuyết tật được anh truyền nghề. 

Đáng nói, từ ngày còn khó khăn, anh chị vẫn đào tạo nghề miễn phí, nuôi ăn ở cho họ. Nhiều người làm tốt còn được anh trả lương. Có học viên gắn bó với anh đến giờ, cũng có người tách ra làm cơ sở riêng cho mình.

Anh Ưng bộc bạch: "Xuất phát từ việc khi mình đi học nghề phải đi vay khắp nơi mới có được 2 triệu đồng để đóng học. Ngày đó khó khăn, với mình 2 triệu đồng to lắm. Vì thế, mình nghĩ, ai đến với mình cũng giống mình ngày xưa nên dù lúc còn khó khăn mình dạy nghề cho anh em cũng chưa bao giờ lấy một đồng nào, ngược lại còn lo ăn ở cho họ".

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 19

"Tâm huyết của mình là làm sao để người khuyết tật có được cái nghề nuôi sống bản thân, để họ luôn suy nghĩ "tàn nhưng không phế". Hiện nay, mình đang liên hệ với chính quyền xin thuê đất mở cơ sở 2, với mong muốn người khuyết tật nếu yêu nghề này hãy coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình", anh Ưng trải lòng.

Những người khuyết tật nhìn vào gương anh mà cảm phục, cố gắng. Nhiều người tuyệt vọng, mặc cảm, tự ti gặp anh mà đổi thay…

Dù đã trải qua rất nhiều nghề nhưng anh Cao Văn Tú (SN 1982, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) khi đến với anh Ưng mới thấy mình đã tìm được nghề phù hợp. Tú bị dị tật bẩm sinh nặng khiến đi lại phải nhờ vào nạng. Ở đây, Tú bảo không chỉ học được nghề từ người thầy mà còn học được tính kiên trì, nỗ lực không ngừng vươn lên, vượt qua mặc cảm…

Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Gia đình anh Ưng là điểm sáng của gương người khuyết tật. Cả hai vợ chồng đều là khuyết tật nặng nhưng đã có ý chí vượt lên số phận. Bằng nghị lực phi thường, vợ chồng anh Ưng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Nhờ sự phấn đấu nỗ lực, trong những năm qua, tấm gương sáng Đinh Văn Ưng nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương cũng như của địa phương".

Hai con người không lành lặn nhưng hai trái tim không tật nguyền. Họ đã sống một cuộc đời tuyệt vời, không hề mặc cảm, không hề băn khoăn về chiều cao hay sức khỏe. Họ tự đứng thật vững chãi trên đôi chân của mình. 

Chuyện tình kỳ diệu của chàng trai lưng gập và cô gái teo chân - 21