Vợ chồng khuyết tật làm marketing online, tạo việc làm cho hàng trăm người
(Dân trí) - Cả hai đều là người khuyết tật, vợ chồng anh Nho (Thái Bình) phải làm việc gấp 3-4 lần người bình thường. Dịch Covid-19 vừa qua, anh chị vẫn tạo việc làm cho hàng trăm người từ nghề marketing online.
Anh Nguyễn Văn Nho (1987, Thái Bình) và chị Bùi Thị Nga (1992, Hải Phòng) đều bị khuyết tật ở chân. Họ gặp nhau ở trung tâm dạy nghề, yêu nhau và xây dựng hạnh phúc gia đình.
Cha mất sớm, anh Nho gánh trên vai trách nhiệm trụ cột gia đình. Nhưng tai họa ập xuống, 23 tuổi, anh bị tai nạn và mất đi đôi chân.
"Tương lai mất, thân thể mất, tôi vô cùng suy sụp. Tôi tìm đến trung tâm dạy nghề ở Hà Nội để trốn tránh gia đình. Ở đây, tôi đã gặp Nga - vợ tôi. Nhờ có sự động viên, đồng hành của Nga, cuộc đời tôi bước sang trang mới", anh Nho nói.
Cũng bị khuyết tật ở chân, chị Bùi Thị Nga từ Hải Phòng lên Hà Nội học nghề. Cùng cảnh ngộ nên hai người dễ đồng cảm và sẻ chia. Để trang trải cuộc sống ở thành phố, ban ngày anh chị làm văn phòng, đêm về viết content kiếm thêm thu nhập.
"Làm thêm qua mạng nên công việc của chúng tôi không ổn định, lại thường xuyên bị chủ quỵt tiền. Mỗi tháng, hai người chỉ kiếm được 15 triệu đồng".
Gom góp được 200 triệu, anh chị quyết định vay ngân hàng, mua chung cư hơn 1 tỷ và dọn về sống chung.
Áp lực trả lãi ngân hàng, anh chị nghỉ việc, tập trung làm marketing online. Ban đầu, nhóm chỉ có 5-6 người, anh Nho phụ trách tìm và trao đổi công việc với khách hàng, chị Nga quản lý CTV và kiểm duyệt nội dung. Các dự án truyền thông đổ về nhiều, tôi phải tuyển thêm 120 CTV mới xuể
"Từ viết content, SEO đến thiết kế đồ họa, website, youtube, cứ công việc nào kiếm ra tiền đều nhận.
Đối với người khuyết tật, marketing là nghề lý tưởng bởi mang lại thu nhập ổn định, không bó hẹp về không gian, thời gian. Chỉ cần một chiếc máy tính là có thể kiếm tiền", anh Nho nói.
Dịch covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông trực tuyến, anh chị "ăn nên làm ra" giữa mùa dịch. Trung bình mỗi tháng, nhóm cung cấp 10.000 bài viết, vài chục dự án thiết kế đồ họa, website. Doanh thu đạt vài trăm triệu đồng/tháng.
"Là người khuyết tật (NKT), vợ chồng mình phải cố gắng hơn người bình thường rất nhiều. Mọi người chỉ làm 8 tiếng/ngày. Chúng tôi phải làm 12-15 tiếng, hầu như không có ngày nghỉ. Mùng 1,2 Tết khách giục, vẫn phải làm.
Chỉ sau 2 năm nỗ lực, vợ chồng mình đã trả hết nợ và có khoản vốn nho nhỏ", chị Nga nói.
Nhờ nghề marketing online, vợ chồng anh chị không chỉ "sống khỏe" giữa Thủ đô mà còn tạo việc làm cho 120 CTV, đa phần là mẹ bỉm sữa, sinh viên và người khuyết tật.
Từng là giáo viên tiểu học, chị Trần Thị Huệ (38 tuổi, TP. Đà Nẵng) phải gánh lại công việc giảng dạy, về làm content do bị khuyết tật ở chân, sức khỏe suy yếu.
Chị Huệ cho biết: "4 năm nay, vợ chồng anh Nho chưa từng trả chậm lương, thiếu lương cho CTV. Tùy theo tình trạng sức khỏe, mình nhận số bài vở phù hợp. Mỗi tháng, mình kiếm được 7-8 triệu từ viết content, đủ chăm lo cho gia đình nhỏ. Chưa gặp ở ngoài đời nhưng mình rất cảm ơn và khâm phục Nho và Nga".
Khi nhà cửa, công việc ổn định, vợ chồng anh chị mong mỏi có con. Sau 2 lần thụ tinh nhân tạo, anh chị chào đón thành viên mới là một bé trai khỏe mạnh.
Ôm con trong lòng, chị Nga xúc động nói: "10 năm trước, mình chưa biết thế nào là niềm hạnh phúc trọn vẹn. Nay, mình có một mái ấm hạnh phúc, công việc ổn định. Đối với NKT như mình, thế là quá mãn nguyện rồi".
Chuyện tình của cặp đôi khuyết tật từng bị gia đình phản đối. Vượt qua mọi khó khăn, họ đã chứng minh NKT có thể nuôi sống bản thân, gia đình và sống hạnh phúc như bao người bình thường.
Bà Nguyễn Thị Vẹn, mẹ của chị Nga tâm sự: "Khi hai bạn ngỏ ý muốn kết hôn, vợ chồng tôi rất lo lắng. Cả Nga và Nho đều khuyết tật, hai bên nội ngoại đều khó khăn. Nhưng thấy hai bạn sống với nhau vui vẻ, động viên nhau làm ăn và sinh được đứa cháu là vợ chồng tôi thấy hạnh phúc mỹ mãn".
Hiện nay, nhiều NKT chưa tìm được đam mê và nghề nghiệp phù hợp. Anh Nho gợi mở "Trong thời đại số, có khá nhiều nghề NKT có thể kiếm được tiền như viết content, chỉnh sửa ảnh, thiết kế website, nghề thủ công… Các bạn cân nhắc và tìm cho mình công việc phù hợp. Và điều quan trọng là yêu nghề và kiên trì với nghề".