Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật

Trần Lê

(Dân trí) - Sinh ra với cơ thể không lành lặn, nhưng cuộc đời đã se duyên cho họ gặp nhau, rồi cùng nhau viết nên câu chuyện cổ tích về tình yêu và nghị lực sống giữa đời thường...

Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng anh Lê Quang Mẫn (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Luyến (SN 1992), ở khu Lý Yên, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh Mẫn, chị Luyến, không ai nghĩ, họ là những con người vốn có khiếm khuyết về thể xác.

Phải làm cái gì đó, để mọi người thay đổi cách nghĩ về mình

Trong ngôi nhà của mình, vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Luyến vừa bận rộn thực hiện các giao dịch với khách hàng qua điện thoại di động: "Anh thông cảm, công việc của em nó vậy, khách hàng là thượng đế mà".

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 1
Chị Nguyễn Thị Luyến luôn bận rộn với công việc của mình.

Điều dễ cảm nhận nhất khi tiếp xúc với chị Luyến đó là gương mặt trẻ trung, xinh xắn và luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện về cuộc sống gia đình, về công việc với mọi người. Còn anh Mẫn là người chồng luôn biết quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ vợ trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Nhắc lại quá khứ, ánh mắt chị Luyến chùng xuống khi ký ức tuổi thơ không ít nỗi buồn của mình cứ ùa về. Theo mẹ Luyến cho biết, năm 1 tuổi do bị sốt bại liệt, dù đã được chạy chữa, nhưng từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Luyến bất ngờ trở thành cô bé khuyết tật với 2 chân và tay trái bị teo nhỏ.

Mỗi khi muốn đi đâu, Luyến phải nhờ bố mẹ, anh chị đưa đi. Khi bắt đầu biết nhận thức, thấy cơ thể mình không giống như các bạn, Luyến có mặc cảm về bản thân.

Lớn lên, rồi Luyến cũng dần quen với khiếm khuyết của bản thân và ý thức được rằng, mình không có quyền lựa chọn. Luyến đã dần chấp nhận với khiếm khuyết của mình, rồi quyết tâm học cách thích nghi.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 2
Chị Luyến luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện về cuộc sống gia đình, về công việc với mọi người.

Ngày nhỏ, do bị khuyết tật nên lúc đầu không được đi học. Năm lên 8 tuổi, thấy bạn bè cắp sách đến trường, Luyến cũng đòi bố mẹ cho đi học. Thương con, gia đình đã đồng ý để Luyến được đến trường. Hành trình đến trường với Luyến cũng đầy gian nan. Do không tự đi lại được nên bố mẹ, anh chị và bạn bè thay nhau cõng Luyến đến trường.

Lên cấp 3, nhà xa, gia đình phải thuê trọ cho Luyến học gần trường. Cơ thể khiếm khuyết, nhưng bù lại, Luyến được ông trời ban cho khuôn mặt rạng rỡ, tính tình cởi mở, hoạt bát và sự thông minh nên trong suốt quá trình học tập và cuộc sống, Luyến luôn biết cách vươn lên cũng như hòa nhập với bạn bè và mọi người xung quanh.

Cũng chính sự cố gắng, nỗ lực mà suốt 12 năm học phổ thông, Luyến luôn là học sinh giỏi: "Đặt ra mục tiêu cho mình là phải làm một cái gì đó, để mọi người thay đổi cách nghĩ về mình và luôn cố gắng học giỏi, năm nào em cũng đứng đầu lớp".

Kết quả của những cố gắng, nỗ lực trong suốt những năm học phổ thông được minh chứng khi năm 2010, Luyến đỗ cùng lúc 2 trường là Đại học Thương mại và Đại học Hồng Đức.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 3

Để tiện cho việc học hành gần nhà, Luyến quyết định theo học ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Hồng Đức và là một trong những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất. Sau 4 năm đèn sách, Luyến đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi.

Với tất cả sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân và những kết quả đạt được, tưởng chừng như mọi việc sẽ thuận lợi hơn với mình. Khi những bộ hồ sơ xin việc được gửi qua đường bưu điện đã nhận được sự đồng ý của nhà tuyển dụng, nhưng khi trực tiếp nhìn thấy cơ thể khiếm khuyết của mình, Luyến lại nhận được những cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng.

Hạnh phúc đến từ một cuộc thi

Bản thân khuyết tật, chỉ mong có một công việc ổn định để bố mẹ đỡ vất vả, chưa bao giờ, chị Luyến nghĩ rằng, mình sẽ có một mái ấm gia đình hạnh phúc như hôm nay. Bởi trong suy nghĩ của chị, không muốn mình trở thành gánh nặng cho người khác.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 4
Vượt qua những khó khăn, họ đã đến với nhau để cùng xây hạnh phúc gia đình.

Nói đến đây, chị đưa ánh mắt trìu mến nhìn người chồng ngồi cạnh bên, cười chia sẻ: "Chúng em đến với nhau cũng rất tình cờ, đó là trong khoảng thời gian 2 tháng tham gia cuộc thi "Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc" vào năm 2016, rồi quen biết và có tình cảm với nhau".

Anh Mẫn vốn bị liệt teo cơ 2 chân từ lúc 7 tuổi do cảm biến chứng. Nhưng sự chân thành của anh Mẫn đã cảm hóa chị Luyến và hai người đã đến với nhau. Sau thời gian dài quen và có tình cảm với nhau, chị Luyến quyết định đưa bạn trai về ra mắt gia đình. Tưởng chừng như tình yêu chân thành của mình và anh Mẫn sẽ được gia đình chấp thuận. nhưng vì muốn con có một chỗ dựa vững vàng nên gia đình chị Luyến phản đối.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 5
Cuộc sống hạnh phúc của hai vợ chồng chị Luyến.

"Nhiều người khuyết tật mong muốn lấy được người bình thường để đỡ vất vả, nhưng sẽ khó có sự đồng cảm", chị Luyến nhận định.

Trước sự ngăn cản của gia đình, cả hai vẫn quyết tâm đến với nhau. Tình yêu, sự chân thành của đôi trẻ đã được gia đình hai bên chấp nhận. Và một đám cưới đơn sơ nhưng đầy ắp nụ cười hạnh phúc của đôi bạn trẻ đã diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình bà bạn bè.

"Không nên quá mặc cảm về bản thân, phải cố gắng vì hạnh phúc bản thân, sự đồng cảm đã giúp hai vợ chồng em có cuộc sống hạnh phúc. Từ khi còn học được sự giúp đỡ của các bác trong Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, các bác cũng chính là cầu nối cho vợ chồng em đến với nhau", chị Luyến chia sẻ.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 6
Chị Luyến vốn có "máu" kinh doanh từ ngày còn đi học.

Thời điểm mới cưới nhau, cả hai vợ chồng đều không có công ăn, việc làm, họ đến với nhau bằng hai bàn tay trắng và chỉ có tình yêu để cùng nhau cố gắng vượt qua tất cả.

Chị Luyến bắt đầu lên mạng xin làm cộng tác viên bán các mặt hàng online, nhưng thu nhập bấp bênh. Một năm sau ngày cưới, niềm vui lớn nhất của đôi vợ chồng là cô con gái đầu lòng chào đời được đặt tên là Lê Hoài An.

Vốn có "máu" kinh doanh từ ngày còn học phổ thông, cũng như đại học, cuối năm 2016, có người gợi ý và giúp đỡ, chị Luyến nhờ mẹ chồng vay vốn chính sách và người thân để mở cửa hàng bán đồ gia dụng, đồ điện.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 7
Cô con gái Lê Hoài An năm nay 4 tuổi của vợ chồng anh chị.

Cuối năm 2017, sau khi đã tích lũy được ít vốn, nhưng do công việc vất vả với người khuyết tật khi phải di chuyển nhiều, vợ chồng lại bàn tính tìm cách làm ăn mới. Sau đó, vợ chồng chị Luyến chuyển qua kinh doanh mặt hàng sim, thẻ cào chiết khấu cao nên thu hút được nhiều khách hàng. Khi đã có kinh nghiệm, chị Luyến nhập sim cũng như máy móc về để hỗ trợ cho việc kinh doanh.

Chưa dừng lại ở đó, chị Luyến còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên với hàng trăm người trên khắp cả nước, trong đó có khoảng 30 người khuyết tật, có những người có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

"Ngày trước khi mình còn khó khăn, nhận được sự giúp đỡ từ xã hội nên giờ muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình", chị Luyến tâm sự.

Hạnh phúc diệu kỳ và mong ước được giúp người của đôi vợ chồng khuyết tật - 8
Hiện công việc của hai vợ chồng mang lại nguồn thu nhập ổn định và còn giúp được nhiều người khác.

Hiện chị Luyến tham gia Ban chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên, sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. Nói về tương lai, anh Mẫn cho biết, hai vợ chồng đã vượt qua nhiều khó khăn, chông gai để đến với nhau, nên sẽ cùng nhau cố gắng để tiếp tục vun vén cho một gia đình hạnh phúc. Còn chị Luyến mong sau này mình được là người đi tài trợ cho người khác, không mong lấy sự khiếm khuyết của bản thân ra để chờ sự giúp đỡ của người khác.

"Đừng quá mặc cảm về bản thân mà hạn chế khả năng phát triển của mình. Ông trời không lấy của ai cái gì tất cả. Nếu khiếm khuyết về cái này, sẽ được bù lại cái khác", Luyến chia sẻ thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm