DNews

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Trong hành trình quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của chính quyền và nhân dân Lào", Thượng tá Lân nói.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ

Tình nghĩa Việt - Lào son sắc

Từ chủ trương của Bộ Quốc phòng, công tác quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào đã trở thành chủ trương chung của 2 Đảng, 2 Nhà nước. Và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền của nước bạn Lào đối với công tác quy tập đã trở thành minh chứng rõ nét nhất về tình nghĩa Việt - Lào gắn bó, thủy chung, son sắc không ngừng được xây dựng và vun đắp.

3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viên Chăn và Xây Sổm Bun đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đặc biệt từ tỉnh xuống tận bản để hỗ trợ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 1

Quân đội Lào điều trực thăng hỗ trợ tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam (Ảnh: Gia đình Đại úy Trần Văn Thành cung cấp).

"Đã có 5 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí của bạn bị thương trong quá trình giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên đất Lào. Sự hi sinh và tình nghĩa của bạn đối với công tác đặc biệt này không gì có thể đong đếm được", Thượng tá Chế Ngọc Hà, Đội trưởng đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An khẳng định.

Theo Đại tá Hồ Trọng Bình, người có 30 năm gắn bó với công tác quy tập hài cốt liệt sỹ (1984-2014), trong thời gian đầu, công tác quy tập gặp rất nhiều khó khăn, khi các lực lượng "địch rừng", "địch ngầm" (tàn dư hoặc nhóm thân phỉ Vàng Pao) đang hoạt động.

Bởi vậy, cùng với tìm kiếm, thu thập thông tin liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, Đoàn quy tập (sau này là Đội quy tập) tỉnh Nghệ An phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đối ngoại, giúp bạn ổn định tình hình chính trị, nắm lực lượng địch, xây dựng cơ sở và từng bước giúp người dân Lào ổn định đời sống.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 2

Bác sĩ Đội quy tập Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An khám, cấp phát thuốc chữa bệnh cho người dân Lào (Ảnh: Trọng Kiên).

"Quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin của nhân dân Lào. Khi đã có lòng tin, bạn sẵn sàng giúp ta mọi thứ. Bạn còn khó khăn nhưng điều trực thăng, điều quân đội hỗ trợ chúng ta tìm hài cốt đồng đội. Thời ấy, đời sống người dân Lào còn khó khăn lắm nhưng họ san sẻ với bộ đội quy tập từng nắm rau xanh, từng củ sắn, củ khoai, sẵn sàng trèo đèo lội suối vào rừng sâu, núi cao tìm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam", Đại tá Bình nhớ lại.

Thiếu tá Thái Bá Ngọc (Ban quân sự huyện Diễn Châu, Nghệ An, cựu nhân viên Đội quy tập) cho rằng, trong quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, công tác dân vận giữ vai trò hết sức quan trọng. Nối tiếp hình ảnh người lính tình nguyện năm xưa, cán bộ, nhân viên Đội quy tập với phương châm 4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào", san sẻ với bà con từng hạt muối, viên thuốc... đã làm sáng đẹp thêm hình ảnh "bộ đội cụ Hồ", được nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến.

Không chỉ cung cấp thông tin mộ liệt sỹ, dẫn đường vào rừng sâu để quy tập, nhân dân Lào còn chở che bộ đội quy tập trước bọn "địch rừng", "địch ngầm" ẩn náu trong rừng.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 3

Thiếu tá Ngọc kể về bố kết nghĩa người Lào đã giúp anh và đồng đội tìm hài cốt liệt sỹ (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong suốt chiều dài 40 năm công tác quy tập, những mối tình cảm kết nghĩa cha con, kết nghĩa anh em giữa bộ đội quy tập Việt Nam và người dân Lào đã được hình thành.

Dù rời đội quy tập đã lâu nhưng Thiếu tá Ngọc vẫn duy trì liên lạc, thỉnh thoảng vào dịp lễ tết mua quà gửi sang Lào tặng người bố kết nghĩa Phò Chăn Đi (trú huyện Mường Khăm, Xiêng Khoảng).

Ông Chăn Đi từng đi bộ đội trước khi trở về và trở thành một giáo viên. Ông biết tiếng Việt, lại là người cao tuổi, có uy tín với dân bản, nên anh Ngọc, khi đó là tổ trưởng thường trực tiếp làm việc, nhờ ông Chăn Đi giúp đỡ tìm thông tin vị trí an táng bộ đội tình nguyện Việt Nam.

"Bố Chăn Đi bảo ngày xưa bộ đội tình nguyện Việt Nam sang đây giúp nhân dân Lào đánh giặc, đối xử tốt với bà con nên bố yêu mến bộ đội Việt Nam lắm. Giờ bộ đội Việt Nam sang đây tìm và đưa bộ đội tình nguyện về, bố lại càng quý, càng thương nên bố xin nhận các con làm con nuôi để đi lại cho tình cảm", Thiếu tá Ngọc kể.

Bố Chăn Đi tuy tuổi đã cao nhưng có thông tin về mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở đâu cũng sẵn sàng trở thành người dẫn đường. Có những chuyến đi kéo dài gần cả tháng trời, ăn ở trong rừng sâu, thiếu thốn đủ bề. Anh em thương bố tuổi cao, sức khỏe kém nhưng bố gạt đi, vì bố "phải giúp các con tìm cho được các bộ đội Việt Nam".

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 4

Bộ đội quy tập và người dân Lào dẫn đường trong bữa cơm giữa rừng khi tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam (Ảnh: Trọng Kiên).

Thượng úy Nguyễn Khắc Âu (Trung đội Vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) dù đã rời nhiệm vụ quy tập khá lâu nhưng nhớ cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt của người dân bản Thương Binh (tỉnh Xiêng Khoảng). Đây là nơi sinh sống của những người lính Pa Thét Lào bị thương trở về khi chiến tranh kết thúc, nên mới có cái tên khá đặc biệt như vậy. Cùng kề vai sát cánh trong chiến đấu nên họ rất yêu mến bộ đội tình nguyện Việt Nam.

"Hôm đấy, anh em chúng tôi đến bản, các bố ùa ra, vừa ôm từng người vừa khóc. Các bố trách "đợi lâu lắm rồi, sao các con giờ mới đến". Bố nói có nghĩa trang bộ đội tình nguyện Việt Nam trên núi, lần nào đi qua bố cũng đứng nhìn một lúc. Bố chờ bộ đội quy tập đến để đưa đi đón các anh ấy về. Nhờ sự giúp đỡ của người dân bản Thương Binh, chúng tôi tìm thấy 16 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam", Thượng úy Âu kể. 

Vận động "địch rừng" giúp bộ đội quy tập tìm hài cốt đồng đội

Công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh, nằm lại trên đất nước bạn Lào. Thế nhưng "dân vận" với "địch rừng" hay với những người từng là lính phỉ Vàng Pao, điều đó không hề dễ dàng.

Thượng tá Hoàng Ngọc Lân, nguyên Phó đội trưởng Đội quy tập vẫn nhớ như in quãng thời gian kéo dài 6 tháng "4 cùng" với "địch ngầm" tại Nậm Ngừm (Viêng Chăn) vào năm 2006.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 5

Thượng tá Hoàng Ngọc Lân kể về công tác vận động "địch ngầm", "địch rừng" trên đất bạn Lào (Ảnh: N.T.V).

Thời điểm đó, công trình thủy điện Nậm Ngừm - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Dương - sắp được khởi công. Nếu không kịp thời cất bốc hài cốt liệt sỹ ở đây, khi công trình thủy điện được xây dựng, nhiều hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới biển nước. Trước tình hình này, Đảng ủy đơn vị cử Thượng tá Hoàng Ngọc Lân, dẫn một lực lượng lên Nậm Ngừm để thu thập thông tin về hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.

Suốt 6 tháng trời "4 cùng" với đồng bào ở đây, Thượng tá Lân cùng các đồng đội đã thu thập được nhiều thông tin quý báu. Trong đó, một thành công lớn của tổ công tác là vận động được gần 300 "địch rừng" ra hàng.

"Do ẩn náu trong rừng sâu nên đây là lực lượng nắm được nhiều thông tin về các khu vực chôn cất liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Khi được chúng tôi vận động, thuyết phục, nhiều người đã tình nguyện dẫn đường đi tìm hài cốt. Trong đó, riêng khu vực dự kiến xây dựng đập thủy điện Nậm Ngừm, họ đã chỉ cho chúng tôi tìm kiếm, quy tập được 30 hài cốt liệt sỹ", Thượng tá Lân kể.

Cuộc vận động cựu Trung đội trưởng trinh sát Vàng Pao - Thiếu tá Bua Văn (huyện Mường Khăm, Xiêng Khoảng) cũng là một quá trình dày công của Thượng tá Lân.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 6

Bạt núi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Lào (Ảnh: Trọng Kiên).

Khi Vàng Pao thất thủ, chạy ra nước ngoài, đội quân dưới quyền cũng chỉ cầm cự được khoảng 2 tuần trước khi bị bộ đội Pa Thét Lào đánh tan tác. Hòa bình lập lại, Bua Văn và nhiều cựu lính Vàng Pao khác trở về quê cũ sinh sống. Thời gian có mặt trong đội hình quân Vàng Pao, cựu thiếu tá Bua Văn nắm được nhiều thông tin về các trận đánh và khu vực chôn cất bộ đội quân tình nguyện Việt Nam. Tuy nhiên, với nỗi sợ cố hữu, Bua Văn thường né tránh mỗi khi bộ đội quy tập Việt Nam tìm đến.

"Tôi bảo "bố Bua Văn ơi, đó là câu chuyện của quá khứ rồi. Bây giờ mình đều là người cách mạng, đều là người tốt rồi, cái gì quên được chúng ta phải quên đi. Bộ đội tình nguyện cũng như bố, đều muốn trở về với gia đình, bố giúp chúng tôi đưa các anh ấy về, cũng là cách để chuộc lỗi với quá khứ".

Thuyết phục mãi, cuối cùng bố cũng cởi bỏ "bóng ma" tâm lý của mình, đồng ý dẫn chúng tôi đi tìm mộ liệt sỹ. Lần đó, với sự giúp đỡ của ông Bua Văn, chúng tôi tìm thấy khu vực an táng tập thể gồm 7 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam", Thượng tá Lân kể.

Chuyện thiếu tá phỉ Vàng Pao giúp bộ đội Việt Nam tìm liệt sỹ - 7

Đưa các anh trở về... (Ảnh: Trọng Kiên).

Những việc làm thiết thực và tình cảm của bộ đội quy tập Việt Nam đã theo câu chuyện của nhân dân các bộ tộc Lào vươn ra khỏi biên giới, thay đổi suy nghĩ của những người ở bên kia "giới tuyến" đã sang nước ngoài sinh sống lâu năm. Từ sự giúp đỡ, kết nối của một người dân Lào, Thượng tá Lân liên lạc được với một "cựu binh" của Vàng Pao. Qua điện thoại, người này đã chỉ chính xác vị trí chôn cất 2 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại một khu vực hẻo lánh.

"Từ thông tin cung cấp qua điện thoại của người này, chúng tôi tìm thấy 2 bác, có danh tính đầy đủ", Thượng tá Hoàng Ngọc Lân nói. Niềm vui tìm thấy đồng đội với danh tính đầy đủ ở nơi lâu lắm rồi không có dấu chân người khiến Thượng tá Lân và đồng đội bật khóc vì quá đỗi vui sướng.

(Còn nữa)