1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới?

(Dân trí) - Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson buộc phải tuyên bố từ chức hôm 5/4, chỉ 24 giờ sau khi tài khoản bí mật vợ ông nắm giữ ở nước ngoài bị phanh phui . Và đây có lẽ mới chỉ là nạn nhân đầu tiên trong cơn “địa chấn” mang tên Hồ sơ Panama.

Nạn nhân đầu tiên

Theo hãng tin AFP, quyết định từ chức của ông Gunnlaugsson được phó chủ tịch đảng Tiến bộ Sigurdur Ingi Johannsson công bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình. Trước đó, thông tin được tiết lộ hôm 4/4 cho thấy vợ của ông Gunnlaugsson nắm một công ty ở nước ngoài và đang sở hữu những món nợ lớn của các ngân hàng Iceland đã phá sản.

Ông Gunnlaugsson đã phải từ chức thủ tướng Iceland vì áp lực sau bê bối Hồ sơ Panama. (Ảnh: EPA)
Ông Gunnlaugsson đã phải từ chức thủ tướng Iceland vì áp lực sau bê bối Hồ sơ Panama. (Ảnh: EPA)

Quan hệ xung đột lợi ích này chưa từng được Gunnlaugsson khai báo, và đã khiến người Iceland nổi giận, biểu tình trên đường phố yêu cầu vị thủ tướng từ chức. Ông Gunnlaugsson chỉ là một trong số 12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và đã mãn nhiệm bị “tố” có liên quan đến các công ty ở nước ngoài, được thành lập bởi hãng tư vấn luật Mossack Fonseca tại Panama.

Có tổng cộng 140 chính trị gia đã được chỉ đích danh trong tài liệu này, trong đó có những nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Putin, họ hàng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cha quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron, cùng các ngôi sao thể thao, điện ảnh.

Tài liệu bị rò rỉ cho thấy cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới được tin là đã sử dụng tài khoản ở nước ngoài để che giấu tài sản hoặc né thuế.

Hồ sơ Panama là gì?

Hồ sơ Panama là 11,5 triệu tài liệu, với dung lượng 2,6 terabytes, được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Süddeutsche Zeitung tại Đức hơn một năm trước. Số tài liệu này được lấy từ hồ sơ của công ty luật Mossack Fonseca - hãng luật nước ngoài lớn thứ tư thế giới.

Báo Süddeutsche Zeitung sau đó chia sẻ dữ liệu với Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận, cùng với phóng viên từ hơn 100 cơ quan truyền thông khắp thế giới. Bởi vậy trong những ngày tới, sẽ còn có thêm nhiều bài viết dựa trên Hồ sơ Panama.

Những cáo buộc nghiêm trọng nhất trong Hồ sơ Panama

Điều tra của Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy, gần 215.000 công ty vỏ bọc ở nước ngoài và 14.153 khách hàng có liên quan đến Mossack Fonseca. Trong số khách hàng đó có 143 chính trị gia, đặc biệt là 12 nhà lãnh đạo cấp cao, gia đình và các cộng sự thân cận của họ đã sử dụng các thiên đường thuế để che giấu khối tài sản khổng lồ.

12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. (Ảnh: Telegraph)
12 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. (Ảnh: Telegraph)

Những tên tuổi lớn bao gồm Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Ukraine Petro O. Poroshenko, ông Gunnlaugsson - người vừa từ chức thủ tướng Iceland, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Quốc vương Salman của Ả rập Xê út, Cựu vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani, cựu Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber al-Thani, và ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi.

Nghệ sỹ cello người Nga Sergei Roldugin, bạn thân của Tổng thống Vladimir Putin, cũng bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. Tờ Guardian của Anh mô tả ông Rodugin như nhân vật trung tâm của một kế hoạch bí mật quy mô 2 tỷ USD “trong đó tiền từ các ngân hàng quốc doanh Nga bị giấu ở nước ngoài”.

Juan Armando Hinojosa, người được xem như “nhà thầu ưa thích” của Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cũng được đề cập trong tài liệu bị rò rỉ. ICIJ khẳng định ông Hinojosa đã tạo ra “một mạng lưới phức tạp ở nước ngoài” với 9 tổ chức tại New Zealand, Anh và Hà Lan để nắm giữ khoảng 100 triệu USD.

Các nhân vật thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, 8 ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm và đã mãn nhiệm của Trung Quốc, cùng gia đình nhiều quan chức nước này cũng nằm trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca

Jürgen Mossack (trái) và Ramon Fonseca là hai nhà sáng lập hãng luật Mossack Fonseca. (Ảnh: AFP)
Jürgen Mossack (trái) và Ramon Fonseca là hai nhà sáng lập hãng luật Mossack Fonseca. (Ảnh: AFP)

Hồ sơ Panama chứa bằng chứng tội phạm?

Điều này đến nay chưa thể khẳng định. Một số quốc gia đã bắt đầu điều tra vụ rò rỉ thông tin hôm 4/4, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức Áo, Úc, Thụy Điển và Hà Lan.Việc nắm giữ tiền trong một công ty ở nước ngoài nhìn chung không phạm pháp, mặc dù các cấu trúc tài chính đó có thể được sử dụng theo những cách phi pháp, ví dụ như hỗ trợ trốn thuế hoặc rửa tiền.

Mossack Fonseca nói gì?

Trong thông cáo gửi tới tờ Guardian của Anh, hãng luật Panama bảo vệ cách thức làm việc của mình. Mossack Fonseca khẳng định “việc các công ty thành lập các tổ chức thương mại tại các vùng tài phán khác nhau vì nhiều lí do hợp pháp là hoàn toàn phổ biến và hợp pháp”.

Công ty này quả quyết “luôn luôn tuân thủ các thông lệ quốc tế” trong khả năng cao nhất để đảm bảo các công ty họ thành lập không được sử dụng cho các mục đích phi pháp.

Thanh Tùng

Theo NY Times, AFP