1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do Tomahawk được chọn làm "át chủ bài" trong cuộc tấn công Syria

(Dân trí) - Rạng sáng 14/4, lần thứ hai không kích vào Syria, Mỹ tiếp tục chọn tên lửa hành trình Tomahawk, một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới, làm vũ khí chủ chốt.


Một tên lửa Tomahawk (Ảnh: BBC)

Một tên lửa Tomahawk (Ảnh: BBC)

Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 13/4 đã phát lệnh tấn công vào Syria với sự phối hợp của Anh và Pháp. Tổng cộng, trong vòng khoảng 1 giờ, liên quân đã dội 105 tên lửa gồm tên lửa hành trình Tomahawk và các tên lửa không đối đất vào 3 mục tiêu ở Syria bị nghi ngờ có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria.

Tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay ném bom của Mỹ được cho là ném tổng cộng 85 tên lửa trong đó có 66 tên lửa hành trình Tomahawk và 19 tên lửa AGM-158 JASSM.

Đầy là lần thứ hai Tổng thống Trump chỉ đạo không kích Syria trong vòng hơn 1 năm qua và cả hai lần Tomahawk đều được coi là vũ khí chủ lực.

Mỹ công bố video nã tên lửa Tomahawk vào Syria

Tomahawk được trình làng vào năm 1983 và được đưa vào thực chiến năm 1991 trong cuộc chiến vùng Vịnh. Tên lửa hành trình này có khả năng mang đầu đạn nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân. Tomahawk sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định dạng địa hình có khả năng tự điều chỉnh đường bay giữa hành trình dựa vào dữ liệu vệ tinh.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng Tomahawk đó là không cần phi công khi muốn tiếp cận bất cứ mục tiêu ở đâu.

Tomahawk có tầm tấn công khoảng 1.400km đến 2.600km và có độ linh hoạt khá cao khi vừa có thể phóng đi từ các bệ phóng cố định hoặc từ tàu nổi hay tàu ngầm. Ngoài ra, bằng cách bay ở tầm thấp với tốc độ khoảng 900 km/h, tên lửa Tomahawk có thể vượt qua hầu hết các hệ thống radar và phòng không thông thường.

Chris Harmer, một chuyên gia phân tích quốc phòng và cũng là một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, nhận định quân đội Mỹ có thể gây nhiễu một số radar của Nga bằng việc sử dụng máy bay EA-18G và các phương tiện khác. Tuy nhiên, Nga cũng hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ bị gây nhiễu radar với các hệ thống phòng không tối tân như S-400.

Sức công phá của Tomahawk có thể không bằng một số loại bom cỡ lớn được trang bị cho máy bay chiến đấu có người lái, nhưng đối với các mục tiêu máy bay Syria trên mặt đất thì sức công phá của Tomahawk là vừa phải.

Bên cạnh đó, theo Washington Post, việc Mỹ sử dụng tên lửa Tomahawk một phần là vì các lý do chính trị. Để không kích các mục tiêu ở Syria, Mỹ cần sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ cho các máy bay chiến đấu. Điều này đồng nghĩa với việc chiến dịch không kích của Mỹ cần sự cho phép của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Ankara, dường như đang nghiêng về phía Nga trong vấn đề chiến sự tại Syria. Do vậy, việc sử dụng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến được xem là giải pháp tối ưu hơn.

Minh Phương

Theo Washington Post