Saudi Arabia trợ giá dầu: Tìm cách diệt Nga hay hạ Mỹ?
Phương Tây nhận định, Saudi Arabia đang trợ giá để đánh sập xuất khẩu dầu mỏ Mỹ, nhưng Moscow cho rằng,Mỹ và đồng minh đang bắt tay để hạ gục Nga.
Chuyên gia Mỹ: Saudi Arabia sẽ bị “Gậy ông đập lưng ông”
Nhà chính luận Mỹ Matt O'Brien vừa nêu ý kiến trên tờ The Washington Post rằng, cuộc chiến mà Saudi Arabia đang dấy lên trên thị trường dầu mỏ toàn cầu cuối cùng sẽ gây tác hại cho chính đất nước này.
Trong bối cảnh giá dầu trên thế giới ngày càng giảm đến mức chưa từng có và không xác định được thời điểm nhích lên, "nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến về giá dầu do Saudi Arabia khởi xướng, có thể là nền kinh tế của chính quốc gia này" - tác giả O'Brien viết.
Chuyên viên Matt O'Brien nhận định, Saudi Arabia đang đưa ra “nỗ lực trợ giá” hòng làm tràn ngập thị trường bằng dầu giá rẻ, quyết tâm đẩy các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng ra khỏi cuộc chơi kinh doanh, nhưng bây giờ làm điều đó không hề dễ dàng như trước.
Ông giải thích rằng, khai thác dầu đá phiến sét tại Hoa Kỳ có thể vẫn có lợi nhuận ngay cả khi mức giá thấp so với trước, nhưng yếu tố quan trọng hơn là chu trình khai thác kiểu này có thể dừng hoặc tái khởi động khi cần thiết, mà chỉ tốn một khoản tiền không lớn.
Theo lời nhà phân tích Mỹ, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng lên đến 15% GDP, Saudi Arabia có thể không đủ khả năng tiếp tục chi tiền để giữ giá dầu. Vì thế, chính quyền Riyadh sẽ buộc phải đi đến biện pháp tiết kiệm khắc nghiệt, vốn đã bộc lộ là không có mấy tác dụng.
Nếu giá dầu không tăng lên, sẽ cần phá giá tiền tệ. Những quốc gia khác phụ thuộc vào dầu của nước này như Azerbaijan và Kazakhstan cũng đã từ chối viễn cảnh ràng buộc vào đồng USD. Do đó, thị trường bắt đầu phải đặt cược vào thực tế là cả Saudi Arabia rồi cũng đi theo con đường đó.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, Saudi Arabia đang trợ giá dầu để chống Mỹ
Vị chuyên gia phân tích này cho rằng, trong tương lai ngắn hạn, Saudi Arabia sẽ không thể cưỡng lại các quy luật kinh tế lâu hơn nữa, nên sẽ dừng hành động trợ giá để đẩy giá dầu xuống thấp.
Tuy nhiên, ý kiến của vị chuyên gia Mỹ có chính xác hay có lẽ sẽ phải đợi thời gian trả lời bởi vừa qua, Saudi Arabia đã thể hiện quyết tâm sắt đá, không lùi bước trong cuộc chiến giá dầu, mặc dù ngân sách của nước này cho năm 2016 dự kiến mức thâm hụt khoảng 87 tỷ USD.
Saudi Arabia không dễ từ bỏ tham vọng
Cuối tháng 12 vừa qua, Saudi Arabia đã xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách 2016, có tính toán đến yếu tố giá dầu sẽ xuống tới mức rất thấp. Điều đó chứng tỏ quốc gia lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này sẽ không áp dụng các biện pháp đẩy giá dầu lên cao.
Theo đó, Chính phủ Saudi Arabia quyết định cắt gần 49 tỷ USD đưa vào quỹ đặc biệt đảm bảo thực hiện các dự án quan trọng của đất nước trong trường hợp giá dầu tiếp tục rớt.
Thông báo của Bộ Tài chính nước này không nói rõ là họ dự kiến giá dầu sẽ sụt giảm đến mức nào mà chỉ nhấn mạnh rằng, ngân sách được trù tính trên cơ sở "giá dầu rất thấp". Tuy nhiên, hãng tin Mỹ Bloomberg đã chỉ rõ rằng, đó là mức trung bình 29 USD/thùng dầu.
Mới đây, Nga tuyên bố rằng Saudi Arabia đang làm bất ổn thị trường dầu bằng cách tăng sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày, đồng thời cũng gia tăng xuất khẩu dầu mỏ vào thị trường thế giới, trong bối cảnh giá dầu xuống siêu thấp là điều cực kỳ bất thường.
Saudi Arabia liên tục tăng sản lượng trong bối cảnh giá dầu cực hạ
Trong tháng 11, khối lượng khai thác dầu trong nước của Saudi Arabia có giảm đi một chút, nhưng tổng sản lượng dầu của các nước OPEC vẫn đạt 31,7 triệu thùng/ngày, đạt mức kỷ lục trong vòng ba năm qua. OPEC hiện nắm giữ gần 40% sản lượng khai thác dầu mỏ thế giới.
Chính Saudi Arabia vào năm 2014 đã khởi động chiến thuật mới của liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ này. Thay vì giảm sản lượng khai thác để tăng giá dầu như trước kia đã từng làm, dưới sự thúc đẩy của Riyadh, OPEC đã giữ nguyên mức sản xuất.
Hoạt động khai thác ở Iran cũng có khả năng tác động đến thị trường dầu mỏ, khi nước này tuyên bố sẵn sàng nâng sản lượng lên thêm 500.000 thùng/ngày và đưa mức sản xuất đạt con số 2 triệu thùng/ngày trong sáu tháng tới.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là mới đây, Quốc hội Mỹ đã quyết định “cởi trói” cho ngành khai thác dầu Hoa Kỳ, đưa nước này bước chân vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới, gây nên những biến động lớn cho kinh tế thế giới.
Mỹ bước vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới
Giữa tháng 12 vừa qua, các lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ đã đạt được sự thỏa hiệp về kế hoạch chi ngân sách cho năm tài chính 2016 của Mỹ, đồng thời hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đã ban hành trong 40 năm qua, mặc dù Tổng thống Barack Obama chống lại việc hủy bỏ lệnh cấm này.
Nghị sĩ Hạ viện Paul Ryan cho biết, việc gỡ bỏ cấm vận dầu mỏ đạt được thành công là do sự hối thúc của các thành viên đảng Cộng hòa. Các đại diện đảng này cho rằng, Mỹ tái xuất khẩu dầu mỏ sẽ bổ sung nguồn thu và giúp cân bằng ngân sách cho nền kinh tế quốc gia.
Quyết định về dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ Mỹ được thông qua trong bối cảnh các kho chứa nước này đã đầy tràn, khiến các nhà sản xuất không còn bán được dầu cho chính phủ và 1 vài nước đồng minh được cấp phép đặc biệt, nên Washington buộc phải tìm đầu ra cho họ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu đang lao dốc không phanh, quyết định này đã ngay lập tức đẩy giá dầu xuống thấp đến mức kỷ lục.
Vào thời điểm giữa tháng 12 năm ngoái, dầu Brent trên sàn chứng khoán London có giá 37,95 USD. Đặc biệt là hôm 14 tháng 12, giá dầu thô đã tụt xuống dưới ngưỡng 37 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2008.
Tuy nhiên, đến ngày 20-12, giá dầu thô Brent trong các cuộc giao dịch đã xuống đến mức giá thấp nhất kể từ hồi tháng 7 năm 2004, khi tuột xuống dưới ngưỡng 36,2 USD mỗi thùng.
Giá dầu xuống cực thấp đã khiến Nga thất thu ngân sách rất lớn
Những dữ liệu trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng gây thêm những ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó thị trường dầu tăng nhu cầu trong năm 2015 là 1,8 triệu thùng một ngày, nhưng trong năm 2016 đã giảm xuống 1,2 triệu thùng một ngày.
Trong báo cáo, IEA cũng lưu ý rằng tình trạng thừa cung trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2016, trong khi các nước sử dụng nhiều dầu mỏ đã “ních đầy” các kho chứa. Lượng cung tăng, trong khi cầu giảm hoặc bão hòa sẽ khiến giá dầu không thể tăng lên được nữa.
Saudi Arabia cố tình diệt Mỹ hay diệt Nga?
Rất ít dấu hiệu khả quan cho rằng giá dầu sẽ tăng lên trong thời gian ngắn hạn tới. Nó chỉ xảy ra khi một trong 3 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Nga, Saudi Arabia hoặc Mỹ suy sụp, buộc phải tìm cách nâng giá dầu - mà điều này rất khó xảy ra.
Hiện nay, có 2 luồng thông tin đánh giá về mục đích cố tình làm giảm giá dầu của Saudi Arabia. Trong đó, các chuyên gia phương Tây cho rằng, Riyadh muốn đánh sập công nghiệp dầu đá phiến sét của Mỹ, còn các chuyên gian Nga lại cho rằng, chính Washington và Saudi Arabia bắt tay để diệt Nga.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Riyadh nhận định sắp tới Hoa Kỳ có thể đạt được lượng khai thác dầu đá phiến sét tối đa trong lịch sử hiện đại. Xuất khẩu dầu mỏ Mỹ sẽ chiếm thị trường của Saudi Arabia, điều đó sẽ gây bất lợi cho thành viên OPEC này.
Tất nhiên, quốc gia chủ chốt của OPEC không thể hài lòng với điều đó nên đã tìm cách trợ giá để giảm giá dầu hòng triệt hạ nền công nghiệp đá phiến sét của Mỹ, vốn cấu thành chủ yếu từ các công ty tư nhân có nguồn lực tài chính không dồi dào như họ.
Chuyên gia phương Tây nhận định rằng, việc các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC đang cố gắng gia tăng sản lượng nhằm triệt hạ các đối thủ chính như Nga, Mỹ, Iran... là cuộc đấu tranh vì sự sống còn của chính họ trong tương lai.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích Moscow cho rằng, Washington và đồng minh đã có hành vi thao túng thị trường dầu mỏ thế giới (trợ giá). Chuyên gia ngành dầu khí Nga Mikhail Molodov chỉ đích danh, đây chắc chắn là vấn đề bán phá giá với sự tiếp tay của đồng minh Mỹ như Saudi Arabia.
Các chuyên gia Nga cho rằng, Hoa Kỳ đang chơi trò giảm giá dầu bằng cách tác động đến các nước đồng minh khai thác dầu mỏ, để triệt hạ Nga - quốc gia mà Washington luôn coi là địch thủ lớn nhất - giống như việc họ đã làm Liên bang Xô viết sụp đổ hơn 30 năm về trước.
Các chuyên gia Moscow cho rằng, Mỹ và đồng minh đang tìm mọi cách để làm kinh tế nước này sụp đổ, nếu không cũng phải lâm vào suy thoái trầm trọng dài hạn, gây bất ổn đời sống và tâm lý xã hội, dẫn đến khủng hoảng chính trị, từ đó làm thay đổi chế độ chính trị ở Nga.
Chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ và đồng minh đang “đánh” Nga giống như đã làm với Liên Xô trước đây
Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, Mỹ đã tập trung đánh vào nền kinh tế bao cấp, chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ của Liên bang Xô viết. Đầu tiên là Hoa Kỳ đã phá giá đồng USD tới gần 30% khiến doanh thu thực tế từ xuất khẩu dầu mỏ của Liên Xô sụt giảm trầm trọng.
Đồng thời, Mỹ đã bắt tay với Saudi Arabia tăng lượng khai thác lên gấp 5 lần, từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng, cung vượt cầu đã khiến giá dầu thế giới giảm tới gần 55%, từ xấp xỉ 30USD/thùng, xuống còn hơn 10USD/thùng, khiến ngân sách Liên Xô thất thu trầm trọng.
Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao gần như bằng không, đối lập cùng với sự tăng giá ngoại tệ chi trả nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao của các nước châu Âu, cùng với sự mất giá của ngoại tệ thu về từ xuất khẩu (USD), khiến nền kinh tế của Liên bang Xô viết mất cân bằng trầm trọng.
Cùng với những sai lầm tự thân trong công cuộc cải tổ, nền kinh tế Liên Xô lâm vào khủng hoảng, thâm hụt ngân sách lớn, đời sống nhân dân khó khăn đã gây ra những biến động lớn trong đời sống xã hội, dẫn đến những biến động lớn trong tâm lý xã hội.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy nhanh tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong chiến lược “Diễn biến Hòa bình” của Mỹ, dẫn đến sự sụp đổ của đầu tàu Xã hội Chủ nghĩa.
Theo Thiên Nam
Đất Việt