1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giá dầu xuống đáy: Ai chịu trận cùng Putin?

Hỏa hoạn phá hủy một số cơ sở dầu mỏ ở Libya cuối tuần qua không những không kéo giá dầu đi lên mà mặt hàng này lại cắm đầu lao xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Mốc 50 USD/thùng đang có thể sẽ được xác lập.

Giá dầu xuống không chỉ gây khó khăn cho nước Nga của Tổng thống Putim mà sẽ khiến hàng loạt quốc giá khác khó khăn. Nước Mỹ của Tổng thống Obama cũng không là ngoại lệ.
 
Giá dầu giảm mạnh nhất 8 năm

Hồi phục chưa được bao lâu, trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2014, giá dầu lại bất ngờ quay đầu giảm mạnh nhất trong 8 năm, xuống mức thấp trong hơn 5 năm qua do lo ngại nguồn cung vẫn còn quá lớn trong bối cảnh Mỹ không nhượng bộ và OPEC nhẫn nại không cắt sản lượng để giữ thị phần.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI đóng cửa phiên giao dịch 29/12 trên Sàn giao dịch New York bất ngờ giảm 1,12 USD (tương đương 2%) xuống 53,61 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

Dầu Brent giao tháng 2 cũng giảm 1,57 USD (-2,6%) xuống 57,88 thùng.

Trong tuần trước, giá dầu thô trên sàn giao dịch New York giảm 4,2% và là tuần giảm giá thứ năm liên tiếp.

Giá dầu xuống đáy: Ai chịu trận cùng Putin?


Tính chung từ giữa tháng 6 tới nay, dầu đã giảm hơn 50%. Đây là tốc độ giảm giá nhanh nhất kể từ năm 2008, gần bằng so với hai cú sốc giảm giá dầu giai đoạn 1985-1986 và 1990-1991.

Dầu giảm giá bất chấp cuối tuần trước, một số cơ sở dầu mỏ ở Libya gặp hỏa hoạn. Diễn biến ngược chiều của giá dầu càng khiến niềm tin của giới đầu tư vào mặt hàng quan trọng này xói mòn, dẫn tới tình trạng bán tháo.

Theo Bloomberg, dầu giảm giá chủ yếu là do giới đầu tư tin rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cố thủ, kiên quyết không giảm sản lượng khai thác dầu ở mức cao 30 triệu thùng/ngày như trong suốt thập kỷ qua, nhằm giữ thị phần trong cuộc chiến với các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ.

Nước Mỹ, trong khi đó, đang duy trì sản lượng ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua nhờ đột phá trong công khai thác dấu khí đá phiến - một cách thức khai thác khác hẳn so với truyền thống từ các túi dầu tích tụ dễ khai thác. Các nhà sản xuất Mỹ có công nghệ đặc biệt để khai thác dầu khí đá phiến vốn có trữ lượng rất lớn nhưng thế giới chưa tiếp cận được.

Cuộc chiến này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang ứ thừa nguồn cung dầu. Các nền kinh tế lớn như châu Âu, Nhật đang rơi vào tình trạng đình trệ, suy giảm tăng trưởng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đối mặt với nguy cơ giảm tốc tăng trưởng cực kỳ lớn.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều nước đang sống dựa chủ yếu vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí như Nga, Iran, Venezuela, Ả Rập Saudi... Nhiều trong số các nước này không thể cắt giảm nguồn cung cho dù dầu có giảm giá hơn nữa. Nhiều nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu dầu mỏ cho hầu hết các chi tiêu trong nước khác.

Đáy nào cho giá dầu?

Cho đến thời điểm này, các chuyên gia và các tổ chức đều rất thận trọng khi đưa ra các dự báo về giá dầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, giá dầu trên thế giới đang giảm mạnh và có thể duy trì mức thấp trong một năm hoặc lâu hơn.
Giá dầu xuống đáy: Ai chịu trận cùng Putin?


Trong một báo cáo gần đây, Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu Brent trong quý I/2015 xuống trung bình đạt 85 USD/thùng, giảm so với 100 USD/thùng dự báo trước đó. Giá dầu WTI có giá 75 USD/thùng, giảm so với 90 USD/thùng dự báo trước đó.

Kuwait Petroleum dự đoán giá dầu sẽ dao động ở mức 65 USD/thùng trong nửa đầu năm 2015, cho đến khi nền kinh tế thế giới hồi phục rõ nét, hoặc xảy ra một cách khủng hoảng chính trị nào đó, hay OPEC cắt giảm sản lượng.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, giá dầu khó duy trì mức dưới 60 USD/thùng trong dài hạn.

Nhiều phân tích cho rằng, có yếu tố chính trị, yếu tố đầu cơ trong cú sốc giảm giá dầu lần này. Mặc dù vậy, cũng không ít người cho rằng, dầu giảm giá hơn 50% trong khoảng nửa năm qua phần lớn là do sự mất cân bằng quan hệ cung cầu. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới suy yếu đi thì sản lượng dầu lại tăng lên. Từ đầu 2013, nhờ công nghệ mới, sản lượng dầu của Mỹ cao hơn khoảng 2 triệu thùng/ngày so với trung bình các năm trước đó.

Tuyên bố sẽ không cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá giảm xuống 40 USD/thùng của OPEC, cho thấy một thực tế về sự mất kiểm soát, mất khả năng thao túng thị trường dầu mỏ thế giới của tổ chức này.

Trên thực tế, sự thay đổi vị thế trên thị trường dầu mỏ có lẽ chính là câu chuyện về ngành fracking - khai thác dầu khí đá phiến.

Nếu đúng như vậy, câu chuyện giá dầu về đâu, xuống tới đáy nào sẽ phụ thuộc nhiều vào giá thành sản xuất dầu khí đá phiến ở Bắc Mỹ và mục tiêu chính trị của chính quyền Mỹ.

Nhiều phân tích gần đây cho thấy, điểm hòa vốn của phần lớn các công ty khai thác dầu đá phiên ở Mỹ là từ 60 USD/thùng trở lên. Một số nguồn có giá thành khoảng 40 USD nhưng số lượng ít. Như vậy, với mức giá hiện tại một số DN có thể đã bắt đầu lỗ, khai thác dầu đá phiến có thể sẽ phải giảm sản lượng. Khi đó, cung dầu trên thế giới có thể sẽ bớt áp đảo cầu.

Trong tương lai, công nghệ có thể tiếp tục được cải thiện nhưng các nguồn dầu khí đá phiến dễ khai thác sẽ giảm dần. Do vậy cho nên, việc giảm giá thành hơn nữa có thể không khả thi.

Bên cạnh đó, giá dầu thấp có thể căng thẳng chính trị ở một số khu vực khi mà quyền lực chính trị của các nước xuất khẩu dầu như Ả Rập Saudi, Iran và Nga bị suy yếu. Giảm ở một mức độ nào đó thì thế giới được lợi nhưng nếu hàng loạt các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì thế giới có thể cũng chao đảo.

Theo Văn Minh
Vietnamnet